“Với vai trò của một phụ huynh, tôi rất áp lực về việc học tập của con. Nhiều lúc tôi muốn lên gặp hiệu trưởng để nói chuyện nhưng nghĩ gặp rồi được gì? Tôi rất đau lòng khi phải cho con đi học nước ngoài”, anh Võ Đức Cường, giảng viên trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM chia sẻ.
Võ Đức Cường, giảng viên trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM cho rằng anh rất đau lòng khi cho con đi du học nước ngoài.
Ngày 9/6 tại trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM đã diễn ra buổi báo cáo về Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể.
Tại đây, anh Võ Đức Cường, giảng viên trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM đã chia sẻ với GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, nhưng suy nghĩ của mình với tư cách một phụ huynh.
Anh Võ Đức Cường cho biết, anh là một giảng viên và cũng là một phụ huynh nên rất áp lực về việc học của con. “Hàng ngày tôi thường hỏi con về việc học và rất buồn khi con phản ánh. Thậm chí nhiều lần tôi muốn gặp hiệu trưởng để nói chuyện nhưng nghĩ lại, gặp thì làm được gì nên thôi. Tôi cũng rất đau lòng khi phải cho con đi học nước ngoài”, anh Cường nói.
Về Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể mới, anh Cường băn khoăn không biết kế hoạch tài chính thế nào. Theo anh Cường, một chương trình luôn đi kèm với một kế hoạch tài chính cụ thể, nếu không sẽ thất bại.
Ngoài ra, anh Cường cũng đặt câu hỏi khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới thì việc kiểm tra, đánh giá ra sao, thẩm định chương trình thế nào.
“Phải có thang quốc tế đánh giá, nếu làm được việc này thì tôi sẽ không cho con đi du học nữa”, anh Cường nói.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể mới cho rằng nhiều giáo viên hiện nay vẫn còn thờ ơ với đổi mới giáo dục.
Trao đổi về vấn đề này, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, không có quốc gia nào hoàn toàn hài lòng với nền giáo dục của mình. “Tôi không nghĩ giáo dục phổ thông nước mình kém, có rất nhiều em học sinh đi thi quốc tế và đạt giải cao, nhiều em ra nước ngoài làm trợ giảng cho những người nổi tiếng… Tôi lo là lo ở bậc đại học chứ không phải là bậc phổ thông”, vị Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể mới nói.
Về kế hoạch tài chính, GS Thuyết cho biết, chương trình vay của Ngân hàng thế giới 7 triệu USD, kinh phí được chia làm 4 phần gồm xây dựng chương trình; viết SGK; xây dựng 2 trung tâm đánh giá, khảo sát và bồi dưỡng, tập huấn giáo viên.
Cũng theo GS Thuyết, việc kiểm tra đánh giá chương trình nếu làm được thì tốt, song rất khó vì số lượng trường phổ thông hiện nay rất lớn, cả nước có hơn 4.000 trường.
Ngoài ra, một số ý kiến khác của các giảng viên, giáo viên cũng tỏ ra băn khoăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể. Nhiều thầy cô cho rằng việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên hiện nay còn chiếu lệ, hình thức…
Theo GS Thuyết, hai điều kiện quan trọng nhất để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới là cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Cơ sở vật chất hiện này chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là sỉ số lớp học quá đông nhưng không phải là không thể thực hiện được.
Vị Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể mới này cho rằng cái khó nhất là giáo viên. “Thời gian qua, Bộ Giao dục và Đào tạo đã đưa khá nhiều nội dung tích hợp vào các trường, đưa nhiều phương pháp dạy học, mô hình mới để giáo viên làm quen. Tuy nhiên, vẫn còn một số giáo viên khá thờ ơ”, ông Thuyết nói và cho biết, sắp tới, Bộ sẽ tổ chức huấn không chỉ qua các hội nghị mà còn bồi dưỡng trên mạng để giáo viên theo dõi thuận tiện.