Bắt đầu làm quen với tiếng Anh từ lớp 3 nhưng khi lên lớp 6, các em buộc phải quay về mốc khởi đầu với những kiến thức sơ đẳng nhất: Đếm số thứ tự.
Bộ sách giáo khoa tiếng Anh được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức biên soạn theo Chương trình thí điểm tiếng Anh tiểu học do Bộ GDĐT ban hành theo Quyết định số 3321/QĐ-BGDĐT ngày 12/8/2010, trong đó tiếng Anh được dạy từ lớp 3 đến lớp 5.
Sách tiếng Anh lớp 6 quay về những kiến thức đầu tiên của môn học này
Phải khẳng định rằng, bộ sách này được biên soạn rất tốt, đi theo đường hướng giao tiếp, giúp học sinh bước đầu hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh thông qua bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết, trong đó ưu tiên phát triển hai kỹ năng nghe và nói.
Bộ sách được biên soạn dựa trên cơ sở những kinh nghiệm thực tiễn của việc dạy và học tiếng Anh tiểu học ở Việt Nam, trong đó học sinh là chủ thể của quá trình dạy học.
Việc các địa phương tiến hành dạy thí điểm tiếng Anh cho học sinh tiểu học đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Học sinh từ lớp 3 đã được làm quen với những mẫu câu đơn giản của tiếng Anh và hết lớp 5, trình độ tiếng Anh của học sinh tiểu học đã đạt mức độ A1.3, tương đương trình độ Movers của Cambridge ESOL.
Kết thúc lớp 5, về cơ bản, các em đã biết cách miêu tả sự vật, sự việc, đưa ra những lời khuyên, biết cách viết những đoạn văn ngắn bằng tiếng Anh kể lại những việc đã xảy ra…
Thế nhưng khi lên lớp 6, các em lại quay về học những nội dung đầu tiên như của lớp 3, từ những câu chào hỏi “Hello”, “Good morning”, “How are you?”…
Huy Tùng (học sinh Trường THCS Đoàn Thị Điểm) cho biết: “Tụi em đã học đến cách chia động từ ở thì quá khứ, tương lai từ hồi lớp 5 rồi, lên lớp 6 tự nhiên lại học lại động từ “to be”, rồi học đếm từ 1 đến 20 nên thấy rất chán, không hiểu sao phải học lại kiến thức từ lớp 1, lớp 2 để làm gì?”.
Học sinh lớp tăng cường tiếng Anh bậc THCS của TPHCM phải học song song 2 bộ sách cùng lúc
Được biết, sách giáo khoa của chương trình tiếng Anh phổ thông dùng để dạy đại trà cho học sinh THCS toàn quốc, trong đó có những địa phương mà học sinh không có điều kiện tiếp cận với môn học này ở bậc tiểu học. Tuy nhiên, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, bộ sách này không mang lại hiệu quả như mong đợi.
Hiện nay, Sở GDĐT TPHCM đang triển khai song song 3 chương trình dạy tiếng Anh gồm: chương trình của Bộ GDĐT, tiếng Anh tăng cường và tiếng Anh tích hợp.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở GDĐT TPHCM, dù học sinh có học chương trình tiếng Anh tăng cường hay tiếng Anh tích hợp thì vẫn phải học song song cả chương trình tiếng Anh của Bộ GDĐT vì đây là yêu cầu bắt buôc của Bộ.
Chính vì thế mới có hiện tượng “tréo ngoe” khi học sinh lớp tăng cường tiếng Anh vừa học 8 tiếng tăng cường theo bộ sách mới có nội dung nâng cao vừa phải học lại những câu chào hỏi mở đầu theo sách giáo khoa của Bộ.
Cô B.Ngọc, một giáo viên tiếng Anh bậc THCS cho biết, chính việc chồng chéo trong các chương trình dạy tiếng Anh hiện nay khiến các giáo viên rất khó khi khơi gợi sự hào hứng của học sinh trong các tiết học vì các em cứ phải học đi học lại những kiến thức cũ.