Phụ huynh thế hệ 6x, 7x từng học tiếng Nga, tiếng Trung rồi... vứt xó?

Ngày 22/09/2016 15:43 PM (GMT+7)

Xoay quanh Đề án 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều phụ huynh bày tỏ quan điểm phản đối kịch liệt bởi ngay bản thân họ cũng từng học các tiếng Nga, Trung xong rồi không để làm gì.

Lãng phí thời gian

Trong mấy ngày qua, đông đảo thành viên mạng quan tâm đến nền giáo dục nước nhà đều bày tỏ ý kiến của mình trước Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” của Bộ Giáo dục và Đào tạo (gọi tắt là Đề án Ngoại ngữ 2020).

Chị An Xinh Trương, một người mẹ có 2 con (10 tuổi và 6 tuổi) đang học cả trường công và bán công quốc tế tại Hà Nội khẳng định: "Nếu trường con tôi học đăng ký "thí điểm" tiếng Nga và tiếng Trung, tôi sẽ cho con chuyển trường. Nếu các trường học ở Việt Nam đều dạy "thí điểm" tiếng Nga và tiếng Trung, tôi sẽ cho con nghỉ học hoặc du học!".

Phụ huynh thế hệ 6x, 7x từng học tiếng Nga, tiếng Trung rồi... vứt xó? - 1

Ý kiến phản đối của một phụ huynh nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ.

Sở dĩ bày tỏ quan điểm như vậy vì ngay chính chị cũng từng là "chuột bạch": "Hồi lớp 6, tôi bị bắt buộc phải học tiếng Nga mặc dù trước đó đã mất 2 năm học tiếng Anh rồi. Các cô giáo trường tôi cấp tốc đi học tiếng Nga chừng 6 tháng đủ để dạy chúng tôi ét tơ Vô Va, ét tơ ma sa, xờ bát xờ pu che gì gì đó và đương nhiên, họ phát âm sai bét.

Lên lớp 7, chúng tôi lại học tiếng Anh. Một năm trong cuộc đời của 1 con người rất quý giá, vài lần thí nghiệm chuột bạch đã biến thành chuột cống tự bao giờ. Đầu óc những đứa trẻ như tờ giấy trắng viết rồi xoá rồi tẩy vài lần thành tờ giấy nháp ngay".

Không chỉ có chị An Xinh Trương, rất nhiều phụ huynh cũng cùng chung hoàn cảnh. 

Phụ huynh thế hệ 6x, 7x từng học tiếng Nga, tiếng Trung rồi... vứt xó? - 2

Anh Chau Doan, một phụ huynh thế hệ 6x cho biết: "Tôi phản đối việc Bộ Giáo Dục dạy thí điểm tiếng Trung, tiếng Nga ở trường phổ thông. Gánh nặng học hành đã quá nhiều đừng cưỡng ép học sinh thêm nữa. Tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Nhật nếu có thì nên là ngoại ngữ tự chọn sau ngoại ngữ bắt buộc là tiếng Anh. Học ngoại ngữ cũng cần yêu thích thì mới hiệu quả.

Tôi mất 3 năm phổ thông, 5 năm đại học với tiếng Nga, bao công sức vứt vào sọt rác. Sau đại học mới lọ mọ đi học tiếng Anh và sống được là nhờ tiếng Anh".

Một phụ huynh khác chia sẻ: "Hồi phổ thông, lứa bọn mình 6 năm, từ lớp 5 đến lớp 10, đứa thì tiếng Nga, đứa tiếng Trung, mỗi tuần 3 tiết. Mất rất nhiều công sức để… chẳng có tác dụng gì sau này".

Hoặc một ý kiến khác: "Nhóc con của nhà tôi ở nhà tiếng Anh là ngoại ngữ chính, tiếng Pháp là ngoại ngữ phụ. Riêng tôi, do hoàn cảnh riêng của bản thân nên có biết chút ngoại ngữ ngoài tiếng Anh. Nhưng không có tác dụng gì cả. Tiếng Anh vẫn là số 1".

Ngoại ngữ là vấn đề quốc sách

Theo Đề án Ngoại ngữ 2020, năm học 2016-2017, Bộ cho thí điểm dạy tiếng Nhật từ lớp 3 tiểu học tại 5 trường ở Hà Nội và TP HCM. Tiếng Hàn, tiếng Pháp được thí điểm giảng dạy như ngoại ngữ thứ hai. Tiếng Hàn được thí điểm ở lớp 6 và lớp 10 tại một số trường có nguyện vọng ở Hà Nội và TP HCM. Đối với tiếng Pháp, điều chỉnh, đổi mới chương trình song ngữ tiếng Pháp từ cấp tiểu học đến THPT theo hướng tinh giản và hiện đại hóa.

Điều phụ huynh hoang mang, lo lắng chính là việc Bộ GD&ĐT sẽ thí điểm chương trình giảng dạy tiếng Nga, tiếng Trung Quốc như ngoại ngữ thứ nhất và thí điểm từ lớp 3.

Trên trang cá nhân của mình, GS.TS Văn học Trần Đình Sử cho biết: "Tôi đề nghị chủ trương này phải đem thảo luận ở Quốc hội, sau đó mới thi hành. Vì dạy ngoại ngữ là một vấn đề quốc sách".

Phụ huynh thế hệ 6x, 7x từng học tiếng Nga, tiếng Trung rồi... vứt xó? - 3

GS.TS Văn học Trần Đình Sử cho biết: "Tôi đề nghị chủ trương này phải đem thảo luận ở Quốc hội, sau đó mới thi hành. Vì dạy ngoại ngữ là một vấn đề quốc sách". (Ảnh minh họa)

Cô Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Trường THPT chuyên Chu Văn An, Hà Nội chia sẻ, cần phân biệt yêu cầu học tiếng Hán trong bộ môn Tiếng Việt với học tiếng Trung như một ngoại ngữ độc lập.

"Khi học bất kì ngôn ngữ nào, người học đều phải hiểu về ngôn ngữ đó ở các bình diện kiến thức ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp cùng các kĩ năng nghe nói đọc viết. Với sự chi phối của các yếu tố văn hóa Hán qua hàng ngàn năm Bắc thuộc cùng các cuộc chiến tranh xâm lược hàng ngàn năm sau đó, sự tồn tại của 70% từ gốc Hán trong vốn từ vựng tiếng Việt của chúng ta cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, việc học tiếng Trung lại là vấn đề hoàn toàn khác, đó là thêm hoặc chọn một ngoại ngữ độc lập! Ngoài tiếng Anh mang tính chất phổ biến như một công cụ giao tiếp quốc tế, các ngoại ngữ khác như tiếng Nga, tiếng Trung hay tiếng Hàn, tiếng Nhật chỉ nên coi là ngoại ngữ thứ hai tự chọn, không bắt buộc!

Cũng cần phân biệt ngôn ngữ và ngoại ngữ, dù là tiếng Anh hay bất kì tiếng nào ngoài tiếng Việt vẫn chỉ là ngoại ngữ, không bao giờ trở thành ngôn ngữ thứ mấy của Việt Nam được! Điều này xuất phát từ một thực tế: kiến thức ngoại ngữ phổ thông, thậm chí thêm cả 4 năm ĐH không bao giờ đủ giúp trở thành một phương tiện cho các em làm việc sau này.

Vậy học sinh nên được quyền lựa chọn theo sở thích, năng lực và định hướng của mình, kết hợp kiến thức học ở trường với việc tự học thêm để đáp ứng yêu cầu công việc sau này. Như vậy, yêu cầu giảm tải và tính chất hữu dụng thực tế của việc học mới có cơ trở thành hiện thực".

Tào Nga
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự