Kinh tế khó khăn, thay vì mua các giỏ quà đắt tiền như mọi năm, người tiêu dùng đang nhắm đến các giỏ quà tết bình dân, giá rẻ; các hàng nông sản đặc sản mang đầy ý nghĩa cho ngày tết.
Theo báo cáo nhanh của một số đơn vị cung cấp hàng tết, tại Hà Nội nếu như trước kia, các doanh nghiệp mua sắm tới hàng trăm, hàng ngàn suất quà biếu thì năm nay số lượng quà tặng cũng giảm dần. Doanh nghiệp nhiều nhất cũng chỉ đặt 50 - 70 suất quà, chủ yếu là phục vụ đối ngoại. Không chỉ doanh nghiệp, người dân cũng thắt chặt chi tiêu.
Theo xu hướng này, có thể giải thích vì sao Tết 2014 những giỏ quà tết bình dân giá rẻ được lên ngôi. Chị Nguyễn Thị Hoa - chủ một cửa hàng bán bánh kẹo rượu bia trên đường Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, sức mua quà tết năm nay không giảm nhưng những giỏ quà đóng nhiều hàng đắt tiền đều bị ế, trái lại những giỏ quà vừa tiền thì hết veo. Giỏ quà tết bình dân có mức giá dao động từ 300.000 đồng đến dưới 1 triệu đồng là hút khách nhất. Mấy ngày cận tết, cửa hàng đã bán được 15- 20 giỏ quà.
Nhiều khách hàng tự chọn mua sản phẩm tại Co.opMart để về gói giỏ quà tết theo ý riêng.
Tại các siêu thị và cửa hàng ở Bà Triệu, Cửa Nam (Hà Nội)... những giỏ quà tết với đủ chủng loại phong phú. Tuy nhiên, nhiều nhất là các giò quà rượu, bánh kẹo có giá vài trăm nghìn đồng. Chỉ lác đác một vài cửa hàng mới có quà tết vài triệu đồng (một chai rượu ngoại, bánh nhập khẩu từ các nước châu Âu).
Dạo một vòng thị trường quà Tết Giáp Ngọ tại TP.HCM, các sản phẩm trong giỏ quà tết năm nay chủ yếu vẫn theo dòng truyền thống, gồm trà, cà phê, bánh, mứt, rượu… Một cửa hàng chuyên bán thực phẩm nhập khẩu khác trên đường Trần Huy Liệu (Phú Nhuận) cũng cho biết, các sản phẩm bia, thực phẩm lạ mắt cũng được nhiều khách hàng chọn mua. Ví dụ như các loại bia nhập khẩu từ Nhật, dung tích chỉ 135ml nhưng giá bán đến 40.000 đồng/lon, cao hơn tất cả giá bán của hầu hết loại bia có dung tích 330ml trường hiện nay.
Hay như một số loại trái cây, thực phẩm chế biến như thịt xông khói, phô mai… nhập khẩu cũng có giá cao gấp 3- 4 lần so với sản phẩm cùng loại, sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, do năm 2014 là năm Ngọ nên nhiều giỏ quà tết là những mặt hàng phong thủy theo hình con ngựa, làm bằng thạch anh, mã não, san hô… cũng xuất hiện khá nhiều trên thị trường. Giá các sản phẩm này tùy theo kích cỡ, chất liệu nhưng cũng từ 2 triệu đến vài chục triệu đồng.
Đặc sản quê hút khách
Ngoài bánh kẹo, nhiều cửa hàng đã bắt đầu chào bán các đặc sản nông sản. Anh Trần Huy Hùng-chủ một siêu thị mini bán hàng tết trên phố Vạn Bảo (Hà Nội) cho biết, bánh kẹo, rượu tết giờ cũng gần bão hòa, nên chúng tôi hướng vào đặc sản quê. “Như cửa hàng của tôi, quà tết có giá trị cao, có thể kể đến bưởi hồ lô, dưa tài lộc. Một cặp bưởi hồ lô có giá từ 1 - 1,5 triệu đồng”- anh Hùng nói.
Tại TP.HCM có một địa chỉ bán đặc sản "độc" qua trang web buoiholo.com. Đó là loại dưa hấu Hoàng Kim hồ lô (loại "dưa hấu VIP") giá 5 - 6 triệu đồng/cặp, trọng lượng từ 2,5 - 3kg/quả, trên dưa có chữ "Tài - Lộc". Dưa hấu cùng loại nhưng không có chữ "Tài - Lộc" giá 4 triệu đồng/cặp. Dưa hấu hồ lô âm - dương giá 4 triệu đồng/cặp, có chữ "Tài - Lộc" in nổi, trọng lượng trên 2kg/quả. Dưa hấu vuông, vỏ vàng ruột đỏ...
Theo ghi nhận, nếu muốn mua các sản phẩm trên, khách hàng chỉ cần gọi điện thoại, rồi đặt trước 50% giá tiền là có thể được cung cấp hàng ngay tại nhà. Theo tiết lộ, mấy ngày qua, địa chỉ này bình quân cũng đã nhận được 10- 15 đơn đặt hàng.
Tại nhiều hội chợ, nhiều loại đặc sản cũng được chào bán và khá thu hút khách hàng. Tại hội chợ tết diễn ra tại khu đô thị Ecopark (Văn Giiang, Hưng Yên), các cửa hàng bánh tẻ, nem Phùng, tỏi Lý Sơn, nước mắm Nha Trang, Phú Quốc… thu hút hàng nghìn khách đến tham quan, mua sắm. Các gian hàng đông nghịt khách, song thu hút hơn cả vẫn là những quầy bán đồ “nhà quê” hay đặc sản vùng miền. Chị Nguyễn Thị Mai, người thị trấn Phùng, Đan Phượng, Hà Nội – nơi có đặc sản nem Phùng cho biết, tại hội chợ năm nay, chị và các con đem đến hơn 20kg trong ngày khai mạc 18.1 nhưng chỉ hơn 2 tiếng đã hết veo. “Khách vòng trong vòng ngoài để ăn thử và mua nem về ăn, làm quà biếu tết” - chị Mai chia sẻ.
Ở một số hội chợ khác, các món hàng đặc sản mang hương vị quê hương như hạt dẻ, măng khô, thịt trâu gác bếp, gạo nếp nương, gạo nếp cẩm, nem chua... cũng rất được khách quan tâm, để ý. Chị Nguyễn Thị Thu- một người dân ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho hay: “Mấy năm trước, việc tiếp khách hay quà cáp tết tôi thường mua rượu, bánh kẹo. Nhưng, như thế mãi cũng chán, nên bây giờ thay đổi cho đỡ nhàm. Quan trọng nhất, đặc sản quê giá cũng vừa phải, lại dễ dùng nên người được tặng cũng rất thích thú”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Đừng lạm dụng giá trị quà Việc tặng quà, biếu tết là một tập quán rất tốt đẹp của dân tộc. Mỗi khi tết đến xuân về người ta thường nhớ ơn những người có công, những người giúp mình nên người. Chẳng hạn như là đối với những người thầy, những thầy thuốc đã cứu chữa cho mình, cứu chữa người thân của mình khỏi cơn nguy khốn hoặc là cha mẹ có công dưỡng dục mình. Để thể hiện tình cảm mình có những món quà nhỏ để biếu vào dịp tết. Nếu như ở mức đó là tốt đẹp. Nhưng nếu lạm dụng quá thì câu chuyện sẽ lại đi quá xa, chủ yếu nhằm vào những mục đích khác và cuối cùng sẽ sinh ra tệ biếu xén. Việc này, cần phải tránh... Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: Cần giữ gìn nét truyền thống Tôi đã đón tết ở nước ngoài và ở quê hương thì thấy ngày tết là một dịp để ông bà, con cháu, bạn bè vui vẻ, đầm ấm đón xuân mới. Tết là cơ hội để mọi người cùng chia sẻ với nhau nên việc có quà dành tặng cho nhau là lẽ tự nhiên. Nó thể hiện sự quan tâm, tình cảm chân thành, kính trọng. Đây là nét đẹp truyền thống chúng ta cần lưu giữ. Tuy nhiên, nếu lạm dụng việc tặng quà để phong bì, phong bao, trở thành quan hệ mua bán, đổi chác, tạo thành cơ chế tặng quà thì là một tập quán không tốt đẹp vào mỗi dịp tết đến, xuân về. Năm nào lãnh đạo cũng có chỉ thị, chỉ đạo nghiêm cấm tệ nạn này, nhưng rất cần mỗi người từ lãnh đạo đến nhân viên phải có ý thức để gìn giữ những thuần phong mỹ tục tốt đẹp, không nên làm cho nó mất đi ý nghĩa tốt đẹp trên. Phương Hà (ghi) |