Quán tạp hóa nhỏ cũ kỹ đã nhuốm màu thời gian, nhưng đó là nơi để bao thế hệ người ở làng Chản nhớ về một thời tuổi thơ với đầy ắp kỷ niệm.
Tồn tại hơn nửa thế kỷ, lưu giữ thanh xuân bao thế hệ
Làng Chản (Vân Từ, Phú Xuyên, Hà Nội) là một trong số những ngôi làng cổ ở Hà Nội, ngay từ cái cổng làng cũng toát lên vẻ cổ kính. Trên con đường nhỏ vào làng, bên cạnh những thứ xưa cũ nhuốm màu thời gian, đã có những cửa hàng, cửa hiệu, thậm chí siêu thị mini cũng mọc lên để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Cổng vào làng Chạn mang dáng vẻ cổ kính lâu đời.
Thế nhưng, điểm ấn tượng nhất có lẽ là quán tạp hóa nhỏ, cũ kỹ nằm giữa ngôi làng nhỏ mà bất cứ ai đi qua cũng phải ngước nhìn. Chẳng biển hiệu, chẳng mái che, cũng chẳng cần tủ kính, kệ sắt hiện đại, chỉ với một chiếc tủ gỗ cũ kỹ nằm lọt thỏm qua khung cửa gạch cũ kỹ, từng bậc thang phía ngoài cũng đã mòn vẹt theo thời gian và phía trong những đồ thiết yếu được chủ quán bày bán rất đơn giản.
Người dân nơi đây cho biết, cứ mỗi buổi sáng – chiều, quán tạp hóa này lại tập trung rất đông con trẻ, những cụ cao niên và trung niên đứng tám chuyện rôm rả cả một góc làng. Người dân nơi đây chia sẻ, quán tạp hóa này là nơi lui đến trò chuyện của nhiều thế hệ trong làng, vì tuổi đời của quán đã quá nửa thế kỷ.
Quán tạp hóa nhỏ nơi lưu giữ thanh xuân của nhiều thế hệ và hiện tại rất nhiều người vẫn thường lui tới quán.
Không chỉ có vậy, với nhiều người, đây còn là nơi lưu giữ thanh xuân, nơi gắn liền với tuổi thơ của họ từ thời bao cấp, cho đến khi đất nước hội nhập. “Ngày tôi lên 5 lên 7 đã có cái quán này rồi, hồi ấy tôi hay ra đây mua kẹo, thậm chí là đổi cả đồ để lấy kẹo ăn.
Rồi đến khi lấy chồng, sinh con, tôi vẫn thường đưa các con ra đây mua đồ và đến tận bây giờ, khi đã có cháu, tôi cũng vẫn lui tới để trò chuyện, mua đồ cùng bà chủ quán”, cô Hồng (53 tuổi) chia sẻ.
Khi dừng chân trước quán, một cụ bà da dẻ hồng hào, mái tóc đã bạc gần hết tiến đến hỏi: “Các chú mua gì?”. Biết là người đến hỏi chuyện, xin chụp ảnh, cụ bà nở nụ cười hiền và nói: “Cứ thoải mái đi, tây đầm (người nước ngoài) rồi tụi thanh niên đến chụp đưa lên mạng suốt ấy mà. Trên mạng bao nhiêu người nhận tôi là bà nội rồi”.
Bà chủ quán tạp hóa luôn tươi cười, niềm nở đón khách.
Quán tạp hóa đầu tiên ở làng Chản cổ kính
Cụ bà ấy tên Bùi Thị Tâm và cũng là chủ quán tạp hóa nhỏ cổ kính ở làng Chản này. Dù đã 88 tuổi nhưng giọng nói của cụ Tâm vẫn rành rọt, cụ vẫn nhớ từng chi tiết nhỏ từ ngày mới khởi nghiệp ở quán tạp hóa này cách đây gần 60 năm trước.
Cụ Tâm chia sẻ, từ năm hơn 20 tuổi cụ đã bắt đầu đi buôn bán, cụ buôn bán mọi thứ miễn là kiếm được ra tiền và không phạm pháp. Xưa kia muốn bán được hàng cụ phải gánh gồng đi bộ vài chục cây số đi khắp các chợ ở huyện Phú Xuyên.
Cụ Tâm kể, trước đây cụ gồng gánh ngược xuôi đi bán hàng khắp huyện Phú Xuyên.
Khi có vốn, cụ về dựng ngôi nhà nhỏ và mở quán tạp hóa bán hàng từ đó đến nay. “Quán tạp hóa này tôi xây dựng và bắt đầu bán từ năm 30 tuổi và chưa một lần sửa sang”, cụ Tâm nói.
Chỉ từng cái cánh cửa, từng cái bậc lên xuống đã mòn vẹt, cụ Tâm nói với giọng đầy tự hào: “Quán tôi nhỏ vậy thôi nhưng là quán tạp hóa đầu tiên ở làng và cả khu vực này suốt bao nhiêu năm”. Ngày xưa còn sức khỏe, chưa có phương tiện, cụ Tâm gánh theo đôi quang, đi bộ ra tận thị trấn lấy hàng về bán. Khi tuổi cao cụ vẫn thuê xe ôm tự đi lấy hàng chứ chẳng bao giờ nhờ đến con cháu.
Quán tuy cũ kỹ nhưng các mặt hàng lại rất đa dạng từ chè đến bánh kẹo, bút bi, đỗ xanh...
Dù cửa hàng nhỏ nhưng cụ buôn bán chẳng thiếu thứ gì. Ngoài bán các đồ thiết yếu như mắm muối, bánh kẹo, chè thuốc..., cụ còn buôn bán nhiều mặt hàng khác theo xu thế. Thời chưa có điện thì bán dầu, đô thị phát triển thì mở quán bia,… cứ gì có lãi là cụ bán.
“Giờ già rồi nên tôi chỉ bán bánh kẹo, chè nước thôi. Có những gia đình suốt hơn 50 năm qua vẫn chỉ ra quán tôi mua chè, mua hàng tạp hóa, họ bảo ở làng này chỉ tôi bán hàng ngon, hàng chuẩn nên họ ra mua”, bà Tâm chia sẻ.
Quán là tri kỷ, nơi níu giữ tình bạn tuổi già
Không chỉ bán hàng, quán tạp hóa nhỏ của bà Tâm còn là nơi người dân gửi gắm những mặt hàng của nhà trồng được như quả trứng, mớ rau, hoa quả… Rồi những gia đình có việc hiếu hỉ xong thừa đồ như chè, thuốc lào mang ra gửi, bà nhận bán hộ hết.
Cuốn sổ ghi chép những người mua chịu hàng của cụ Tâm cũng nhuốm màu thời gian hàng chục năm.
Cuộc đời gần 60 năm bán hàng quán, có những lúc cụ Tâm cũng gặp chuyện không vui, đó là những người mua chịu không nhớ trả tiền, hay đến uống bia chịu rồi đi mất không quay trở lại.
“Số người chịu cũng không ít đâu, tôi có cả quyển sổ dày vẫn còn lưu lại. Nhưng khi hỏi họ nói trả rồi, chẳng lẽ tôi bằng này tuổi mà đi cãi nhau với họ. Thôi thì kệ, cũng là người làng cả coi như giúp họ cũng chẳng thiệt gì vài bao thuốc, túi muối”, cụ Tâm chia sẻ.
Cụ Tâm chia sẻ rằng, quán là người bạn tri kỷ, là những kỷ niệm và nơi vui vẻ tuổi già của cụ.
Có lẽ bất cứ ai khi tới quán tạp hóa này và gặp chủ quán đều thắc mắc, sao đến tuổi này cụ Tâm vẫn lọ mọ với những gói hàng bên quán tạp hóa cũ kỹ. Cụ Tâm cho rằng, quán như “người bạn” tri kỷ, việc bán hàng là cái duyên và cũng là thú vui của bà, vì thế dù các con đã nhiều lần bắt bỏ quán, thậm chí đã có lần bà bị ngã giập cả sống lưng nhưng khỏi bệnh bà về lại tiếp tục bán hàng.
“Tôi 88 tuổi vẫn ăn riêng, ở riêng không phiền con cháu. Quan điểm của tôi là còn sức khỏe thì làm lấy ăn, hơn nữa tuổi già muốn ăn gì thì mình ăn cái đấy, muốn đi chơi ở đâu thì đi, chẳng phải phụ thuộc vào con cái.
Nếu còn sức khỏe, cụ sẽ giữ lại quán tạp hóa nhỏ này vì quán không chỉ mang niềm vui cho cụ, mà còn giúp nhiều người được trở về ký ức ngày xưa.
Quán nhỏ này là cả thanh xuân của tôi, nuôi sống cả gia đình tôi ngày xưa và giờ vẫn đủ nuôi sống tôi hiện tại. Khi mở quán, lũ trẻ rồi cả những bạn già họ đến trò chuyện vui lắm, nếu đóng cửa lủi thủi một mình thì còn gì là vui, còn gì là thanh xuân nữa”, cụ Tâm vui vẻ nói.
Không chỉ có vậy, qua bao năm tháng khi thấy khách lạ, người quen cứ về làng là ra quán tạp hóa nhỏ để chụp ảnh là cụ Tâm thấy lòng mình vui hơn, vì góp phần lưu giữ được phần kỷ niệm nào đó cho những người làng xa quê.
“Nhiều người cứ gọi quán tôi là quán thanh xuân, nơi trở về tuổi thơ… Tôi thấy cũng đúng vì giờ cả làng, cả tổng này chẳng còn quán nào như của tôi cả. Họ chạy theo hiện đại hết rồi. Tôi sẽ giữ lại quán cho đến khi nào không thể buôn bán, đi lại được nữa mới thôi”, cụ Tâm chia sẻ.