Các địa phương tại Quảng Nam đã tổ chức di dời, sơ tán xen ghép 102 hộ. Trong khi đó, tại TP Hội An ghi nhận bị sạt lở hơn 500m bờ biển phường Cẩm An; tại Duy Xuyên, sạt lở hơn 1km bờ biển thôn Trung Phường, xã Duy Hải.
Tối 15/10, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho biết, tổng lượng mưa đo được từ 19h ngày 10/10 đến 16h ngày 15/10 phổ biến từ 300-700mm, một số nơi lượng mưa lớn hơn như các trạm đo mưa chuyên dùng do ban này quản lý: Đại Hiệp (huyện Đại Lộc) 872mm, Duy Trung (huyện Duy Xuyên) 855mm, đầu mối hồ Cây Thông (huyện Quế Sơn) 816mm, Hương An (huyện Quế Sơn) 807mm; Điện Hồng, Điện Ngọc, Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn) từ 731-776mm; đầu mối hồ Phú Lộc, hồ Vĩnh Trinh (huyện Duy Xuyên) gần 760mm.
Dự báo từ 13h ngày 15 đến 13h ngày 17/10, các địa phương trong tỉnh Quảng Nam có mưa vừa, mưa to, đến mưa rất to. Tổng lượng mưa các địa phương vùng núi phía Bắc phổ biến từ 90-210mm, có nơi trên 250mm; các địa phương vùng đồng bằng ven biển và vùng núi phía Nam phổ biến từ 200-350mm, có nơi trên 450mm.
Một khu dân cư tại phường Phước Hòa, TP Tam Kỳ bị nước bủa vây.
Từ chiều 15/10 đến ngày 18/10, các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, biên độ lũ lên ở thượng lưu đạt từ 4-7m, hạ lưu đạt từ 1-3m. Đỉnh lũ trên trên sông Vu Gia ở mức báo động (BĐ) 2 đến trên BĐ 3; trên sông Thu Bồn ở mức BĐ 2 đến trên BĐ 2; trên sông Tam Kỳ ở mức BĐ 1 đến trên BĐ 2. Hiện mực nước các hồ thủy điện Sông Tranh 2, A Vương, Sông Bung 2, Sông Bung 4, Đak Mi 4 đều ở dưới cao trình mực nước đón lũ thấp nhất.
Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân ở vùng xung yếu, các địa phương tại Quảng Nam đã tổ chức di dời, sơ tán xen ghép 102 hộ; trong đó huyện Đông Giang: 4 hộ tại xã Ba, xã Tà Lu do bị ngập và sạt lở taluy phía sau nhà; TP Tam Kỳ: 30 hộ tại xã Tam Thăng, các phường Hòa Thuận, An Xuân, Phước Hòa do ngập lụt; huyện Tây Giang: 5 hộ tại thôn Arooi, xã Gari và thôn Kxeeng, xã Dang nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao; huyện Phú Ninh: 63 hộ tại Tam An, Tam Đàn do ngập lụt. Sơ tán tập trung 10 hộ tại xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh trong vùng ngập lụt đến nơi trú ẩn an toàn.
Về thiệt hại, bước đầu ghi nhận có 1 trường hợp là bà Thủy Thị H (trú xã Bình Quý, huyện Thăng Bình) bị thương nhẹ do ngói rớt trúng đầu, hiện tại sức khỏe cơ bản ổn định. Về cây trồng, toàn tỉnh Quảng Nam có gần 119ha lúa nước, hoa màu bị hư hại.
Về công trình giao thông, mưa lũ gây sạt lở, hư hỏng và ngập cục bộ nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, tuyến đường xã, huyện, tỉnh. Một số tuyến giao thông bị chia cắt gây khó khăn trong công tác thống kê thiệt hại.
Công an TP Tam Kỳ tổ chức chốt chặn tại các điểm ngập sâu.
Tại TP Hội An ghi nhận bị sạt lở hơn 500m bờ biển phường Cẩm An; tại Duy Xuyên, sạt lở hơn 1km bờ biển thôn Trung Phường, xã Duy Hải. Ngoài ra, 1 tàu cá chiều dài 10,5m tại Hội An bị chìm; sụp 1 cầu dân sinh ở tổ 3, thôn Bình Trúc, huyện Thăng Bình.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Công an tỉnh Quảng Nam yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương chủ động ứng phó với mưa lũ, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, phương án để kịp thời phòng tránh và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.