“Rất khó khẳng định câu chuyện cười do nhân viên kể có “ngụ ý tình dục”. Nếu cứ cố quy kết, nhân viên ấy nói lại rằng, “tại sếp nghĩ bậy, tôi kể chuyện trong sáng mà” thì biết xử lý sao?”, ông Nguyễn Xuân Quang, giám đốc một công ty dịch vụ du lịch tại Hà Nội chia sẻ.
“Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc” được công bố sáng 25.5 (Hà Nội) đang gây nhiều ý kiến trái chiều. Ngay trong giới chủ sử dụng lao động, nhiều ý kiến khác nhau xung quanh nội dung hình thức được coi là quấy dối tình dục bằng lời nói.
Giám đốc một công ty dịch vụ du lịch tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Quang - đang quản lý gần 100 nhân viên băn khăn nội dung: Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm các nhận xét không phù hợp về trang phục khi có mặt hoặc vắng mặt người đó, truyện cười ngụ ý tình dục. Hình thức này còn bao gồm cả những lời đề nghị mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục.
Ông Quang cho rằng, nội quy công ty ông quy định rất rõ các hành vi bị cấm. Trong đó có mọi thành viên không được nói năng mất lịch sự, hay có hành vi khiếm nhã với người khác giới...
“Trong công ty, ngay cả vợ chồng hay những đôi yêu nhau còn không được phép thể hiện cử chỉ thân mật. Các hành vi sờ mó, động chạm khác giới đương nhiên không bao giờ được phép”, ông nhấn mạnh.
Các hành vi sờ mó, động chạm khác giới đương nhiên không bao giờ được phép", ông Nguyễn Xuân Quang nói (Ảnh minh họa: Công Thọ)
Tuy nhiên, ông Quang lại ủng hộ nhân viên trò chuyện vui vẻ, nhất là những câu chuyện hài hước. Bởi trong môi trường làm việc căng thẳng, thỉnh thoảng có một vài nhân viên kể câu chuyện cười, tất cả đều hưởng ứng, phá lên cười vui vẻ. Đó là chuyện tốt.
“Đã là câu chuyện cười đôi khi phải phá cách, bất ngờ, cũng có thể hiểu đa nghĩa. Do vậy, rất khó để phạt nhân viên vì anh ấy kể chuyện cười có ngụ ý tình dục”, Giám đốc Quang chia sẻ.
Nếu cố quy kết, nhân viên ấy nói lại rằng, “câu chuyện rất trong sáng, tại sếp nghĩ bậy đấy chứ”. Chưa kể, phạt nhân viên xong, sau này ai dám kể chuyện vui.
“Do vậy, bộ quy tắc coi là quấy rối tình dục bằng lời nói với hình thức “truyện cười ngụ ý tình dục” rất khó áp dụng vào thực tế”, ông Quang nói.
Ông Lê Văn Tiệp, Giám đốc công ty CP Hải Đăng (Hà Nội) cho rằng, quấy rối tình dục tại nơi làm việc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người lao động cũng như môi trường làm việc, năng suất, hiệu quả lao động.
Với những hướng dẫn cụ thể trong bộ quy tắc trên giúp doanh nghiệp ông có khái niệm rõ ràng hơn về vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Tuy nhiên, ông Tiệp chưa đồng tình việc coi “những lời đề nghị mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục là hình thức quấy rối tình dục”.
Nếu trong giờ làm việc, nếu nhân viên nam liên tục mời nhân viên nữ đi chơi riêng, chắc chắn ông sẽ mời nam nhân viên nghỉ việc vì vi phạm nội quy. Sau giờ làm việc, các nhân viên có thể mời nhau đi cà phê, uống nước...
“Nếu nữ nhân viên tố cáo bị anh chàng nào đó mời đi chơi quá nhiều, là quản lý, tôi chỉ có thể “nhắc nhở khéo” anh chàng kia, chứ làm sao quy kết quấy dối tình dục được – trừ phi nam nhân viên có lời lẽ khiếm nhã, dung tục”, ông Tiệp bày tỏ.
Giám đốc này cũng chia sẻ, ông thường mời những nhân viên tốt của mình đi uống cà phê, qua những câu chuyện, ông hiểu hơn về các nhân viên của mình để cất nhắc vị trí phù hợp. Có những nhân viên, do bận việc hoặc ưu tiên công việc hơn nên phải đến lần thứ 3 mới đi uống cà phê với ông.
“Nếu như vậy mà bị coi mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục là hình thức quấy rối tình dục thì nặng nề quá”, nam giám đốc bày tỏ.
Bà Lisa Wong, chuyên gia cao cấp của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) – đơn vị hỗ trợ kỹ thuật xây dựng bộ quy tắc cho rằng, hành vi quấy rối tình dục dù chỉ ở mức độ nhẹ, nhưng nếu cứ tích tụ lại sẽ trở thành vấn đề lớn.
Chẳng hạn, nếu việc đụng chạm vào người khác mà người ta không mong muốn, hoặc phô bày tranh ảnh khiêu dâm, hoặc những câu nói đùa tục tĩu liên quan đến tình dục, nếu cứ diễn ra thường xuyên, không được giải quyết, đó là một vấn đề nghiêm trọng. Bởi vậy, những hành vì này cần phải được phòng ngừa, giải quyết.
Theo bà Lisa Wong, để Bộ quy tắc đi vào cuộc sống, trước hết, tất cả các bên liên quan, dù ở khu vực công hay tư, đều phải nhận thấy rõ rằng giải quyết quấy dối tình dục là vấn đề đang tồn tại ở Việt Nam, không thể cứ để xảy ra mãi như vậy.
Bộ quy tắc ứng xử khuyến khích tất cả nơi làm việc xây dựng chính sách nội quy phòng chống quấy rối tình dục ở doanh nghiệp, hoặc lồng ghép vấn đề này vào những chính sách của doanh nghiệp đã sẵn có.
Các bên gồm Bộ LĐ-TB&XH, Tổng liên đoàn Lao động VN, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN cũng đều đã hoạch định những hướng đi, đưa ra những hướng dẫn thực tế để Bộ quy tắc có thể đi vào cuộc sống.
“Sau đó, điều quan trọng là cần xây dựng một thông tư hoặc nghị định hướng dẫn cụ thể để việc xử lý vi phạm được thực hiện chặt chẽ hơn trên thực tế”, bà Lisa Wong kiến nghị.
Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc là kết quả phối hợp nghiên cứu, xây dựng của Bộ LĐ-TB&XH, Tổng liên đoàn Lao động VN, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Tại “Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc”, các hình thức được xem là quấy rối tình dục gồm: Quấy rối tình dục bằng hành vi mang tính thể chất như tiếp xúc, hay cố tình động chạm không mong muốn, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp hay hôn cho tới tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm. Hoặc quấy rối tình dục bằng lời nói gồm các nhận xét không phù hợp về trang phục khi có mặt hoặc vắng mặt người đó, truyện cười ngụ ý tình dục. Hình thức này còn bao gồm cả những lời đề nghị mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục. Ngoài ra, việc dùng lời nói, các hành động không được mong muốn như ngôn ngữ khiêu khích, biểu hiện không đúng đắn, cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, các cử chỉ của ngón tay… cũng được xem là hành vi mang tính chất quấy rối tình dục. Việc phô bày các tài liệu khiêu dâm, hình ảnh vật, màn hình máy tính, tin nhắn… liên quan tới tình dục. |