Thời điểm hiện tại ở Sri Lanka gợi nhớ đến đầu những năm 1970, khi đất nước đang chiến đấu để tồn tại trong bối cảnh tình trạng thiếu lương thực tê liệt.
Trong ba đêm liên tiếp vào tuần trước, Upul đã xuống đường ở thủ đô của Sri Lanka, cầm một ngọn nến hoặc một tấm biểu ngữ khi phản đối cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ của đất nước.
Giống như những người hàng xóm của mình, anh cảm thấy thất vọng vì sự cố cắt điện hơn 10 tiếng đồng hồ khiến Colombo chìm trong bóng tối, và tình trạng thiếu gas để nấu nướng khiến gia đình anh rất khó khăn.
Những người biểu tình giận dữ ném gạch và bắt đầu phóng hỏa bên ngoài tư dinh của Tổng thống Sri Lanka, Gotabaya Rajapaksa, khi cảnh sát sử dụng hơi cay và vòi rồng để ngăn chặn cuộc biểu tình.
Trong nhiều tuần, Sri Lanka đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi quốc đảo này giành được độc lập vào năm 1948, khiến thực phẩm, nhiên liệu, khí đốt và thuốc men bị thiếu hụt, đồng thời khiến chi phí hàng hóa cơ bản tăng vọt.
Các cửa hàng buộc phải đóng cửa vì không thể chạy tủ lạnh, điều hòa không khí hay quạt, và binh lính phải đóng tại các trạm xăng để ngăn cản khách hàng quá khích, những người xếp hàng hàng giờ trong cái nóng gay gắt để đổ bình xăng cho mình. Một số người thậm chí đã chết khi chờ đợi.
Sau các cuộc biểu tình, cảnh sát áp đặt lệnh giới nghiêm và Tổng thống đã ra lệnh khẩn cấp trên toàn quốc, cho phép chính quyền bắt giữ người dân mà không cần biên bản. Vào tối thứ Bảy, Sri Lanka đã tuyên bố lệnh giới nghiêm 36 giờ trên toàn quốc, ngăn chặn hiệu quả các cuộc biểu tình. Trong một tuyên bố hôm Chủ nhật, cảnh sát cho biết họ đã bắt giữ 664 người vì vi phạm lệnh giới nghiêm.
Chị Sivakala Rajeeswari, 40 tuổi, không có thời gian làm bất cứ việc gì ngoài đi xếp hàng. "Tôi không có cơ hội đi làm ở bất cứ đâu", Rajeeswari nói, "Khi nào sự khốn khổ này mới kết thúc đây?"
Gần đây, với người dân Sri Lanka, riêng việc chờ đợi để có được nhu yếu phẩm thôi cũng đủ hết ngày. Sữa bột, thuốc men, xăng dầu… mỗi món lại phải đứng xếp hàng ở những lối khác nhau. Trong vài tuần qua, mỗi ngày người dân phải dành vài tiếng đồng hồ chỉ để xếp hàng để có được những thứ hàng hóa thiết yếu.
Chuyên gia kinh tế Shahana Murkherjee của Moody’s Analytics nhận định, Sri Lanka đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kép: vừa trả nợ nước ngoài, vừa đáp ứng nhu cầu trong nước. Đây là cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất ở nước này kể từ khi giành độc lập đến nay.
Phát biểu trong một cuộc tranh luận tại Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Mahinda Yapa Abeywardana cảnh báo: Đây mới chỉ là khởi đầu! "Thiếu hụt thực phẩm, điện, xăng dầu sẽ trở nên tồi tệ hơn. Rồi sẽ xảy ra tình trạng thiếu thực phẩm vô cùng nghiêm trọng và chết đói".
Dịch Covid-19 kéo dài và chiến sự ở Ukraine đã làm ngưng trệ du lịch, gián đoạn chuỗi cung ứng, nâng giá hàng hóa tăng cao, đẩy Sri Lanka chìm vào hố sâu suy thoái. Dù vậy, giới chuyên gia nhấn mạnh, những yếu tố này chỉ là chất xúc tác, còn căn nguyên vấn đề thực chất đã tồn tại bên trong quốc gia này suốt nhiều năm qua.
Dushni Weerakoon, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Chính sách Sri Lanka, phân tích, từ năm 2007, nước này đã phát hành trái phiếu chính phủ "mà không nghĩ tới cách thức trả các khoản vay này". Theo bà, việc xây nguồn dự trữ bằng cách vay ngoại tệ, thay vì kiếm về từ xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, khiến nước này không thể chống đỡ được các cú sốc từ bên ngoài.
Sri Lanka phải tìm tới cả các nước nghèo hơn mình như Bangladesh để xin mở hạn mức tín dụng nhằm mua nhiên liệu và sữa bột. Dầu mỏ từ Iran thì trả bằng lá trà. Quốc gia này cuối cùng đã phải nghĩ tới việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF sau nhiều lần ra sức chối bỏ.