Sách kém chất lượng đầu độc tâm hồn trẻ thơ

Ngày 01/12/2014 09:29 AM (GMT+7)

Trong thời gian gần đây, sách thiếu nhi đang xuất hiện khá nhiều vấn đề phức tạp. Nhiều đơn vị xuất bản tung ra các quyển sách kém chất lượng. Thậm chí, những quyển sách này bị cho là làm hoen ố, đầu độc tâm hồn trẻ thơ ngay từ đầu.

Vì sao sách thiếu nhi kém chất lượng lại có thể tồn tại trên thị trường như vậy?

Bìa ngộ nghĩnh nhưng nội dung phản giáo dục

Dạo một vòng quanh các nhà sách thiếu nhi lớn tại TP.HCM, PV không khỏi bàng hoàng vì những loại sách kém chất lượng được bày bán nhan nhản, cầm trên tay quyển sách 109 câu chuyện và bài học dành cho bé tại nhà sách Fahasa (quận Bình Thạnh, TP.HCM), độc giả không khỏi giật mình về câu chuyện giáo dục mà sách này dạy cho thiếu nhi. Dù ở lứa tuổi còn khá nhỏ, nhưng các em đã được dạy dỗ những điều khá trừu tượng, khó hiểu. Thậm chí, cách dạy của sách này khiến người lớn cũng phải vò đầu, bứt tóc không hiểu được thông điệp đưa ra.

Sách kém chất lượng đầu độc tâm hồn trẻ thơ - 1

Trong phần Lời mẹ nhắn gửi, quyển sách này trao thông điệp đến trẻ một cách mơ hồ: “Nhận được thứ gì cũng đồng nghĩa với việc mất đi thứ gì đó”. Với độ tuổi chỉ từ 7-11, nhưng các em thiếu nhi không được đọc để học những điều phải trái trong xã hội, sự lễ phép, yêu thương, mà thay vào đó là những điều vĩ mô, hóc búa. Thậm chí, một thông điệp vô thưởng vô phạt kiểu như: “Có những việc tưởng chừng như là may mắn, nhưng nếu kiên trì nhất định sẽ có sự thay đổi tích cực”.

Trong khi đó, tại nhà sách Văn Lang (quận 1, TP.HCM), hàng loạt các quyển sách có bìa là những hình vẽ ngộ nghĩnh, dễ thương với một đứa trẻ đứng khoanh tay với tựa đề Chuyện đố nhịn được cười, cũng khiến nhiều phụ huynh nhầm lẫn. Bởi bìa của sách giống như dành cho trẻ em, tuy nhiên, nội dung bên trong lại khá “mặn” để dành cho việc giải trí của những đối tượng khác. Chính sự lập lờ này sẽ vô hình khiến trẻ tiếp xúc với những câu chuyện không mang tính giáo dục, thậm chí là gây tác hại tiêu cực với tâm hồn trẻ thơ.

Trong quyển sách này có mẩu truyện Không muốn sướng à, với chi tiết chiến sỹ A cứu một người dân bị nạn. Theo kế hoạch, anh này ôm người dân lăn ra. Khi chiến sỹ và người dân bám chặt lấy nhau và không lăn được nữa thì thủ trưởng chất vấn, còn chần chờ gì? Chiến sỹ A thanh minh rằng: “Em bị bất lực với cô ấy”. Thủ trưởng quát: “Tôi sẽ bắn cậu chết ngay đấy”. Trong khi, người dân thì hổn hển nói: “Thế anh không muốn sướng à?”. Với những ngôn ngữ không phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi, nhưng những quyển sách như thế cứ vô tư đánh lừa mọi người bằng những hình vẽ minh họa ngộ nghĩnh.

Tại nhà sách Thăng Long (quận 1, TP.HCM), trong quyển 101 câu chuyện giáo dục bé, người đọc không khỏi khó chịu, khi sách giáo dục lại chứa nhiều sai sót, yếu kém về mặt chất lượng. Trong quyển sách này, khi đề cập đến nhà văn thiên tài lỗi lạc Ernest Hemingway, sau khi dùng rất nhiều mỹ từ để ca ngợi tài năng của ông, quyển sách còn dẫn chứng thêm một số tác phẩm nổi tiếng của nhà văn này.

Tuy nhiên, điều mà các phụ huynh không khỏi nhíu mày là sách đầy những lỗi sai sót về chính tả. Quyển sách Giã từ vũ khí được những người biên tập sách sửa thành “Dã từ vũ khí”. Thử hỏi, một quyển sách giáo dục thiếu nhi mà còn sai sót về chính tả, thì làm sao khiến phụ huynh có thể tin tưởng vào nội dung của những quyển sách này?

Ngoài ra, việc dạy dỗ trẻ còn được những nhà xuất bản rèn luyện theo kiểu: “Làm thế nào để trẻ em không ngủ gật trong lớp?”. Phần đáp án khá “bá đạo” khi: “Cho nghỉ học”. Hay chuyện dạy trẻ một cách vô lý: “Vì quả táo nhỏ hơn quả sầu riêng, nên quả táo nhẹ hơn quả sầu riêng”... khiến nhiều bậc phụ huynh lắc đầu vì cách dạy dễ dãi, thiếu các cơ sở khoa học của hàng loạt đầu sách, được bày bán tràn lan trên thị trường hiện nay. Những quyển sách kém chất lượng này đang đẩy lùi nhận thức của thế hệ trẻ bằng con đường ngắn nhất.

Sách kém chất lượng đầu độc tâm hồn trẻ thơ - 2

Không khó kiếm các nội dung nhảm nhí, đầu độc tâm hồn trẻ thơ trong những cuốn sách dành cho thiếu nhi. Trong ảnh: các câu hỏi - đáp trong cuốn sách Những câu đố vui dành cho trẻ nhanh trí (NXB Hồng Đức) - Ảnh: L.Trang

Đâu là mục tiêu?

Sách dành cho thiếu nhi hiện nay đang là vấn đề quan tâm của nhiều người có tâm huyết trong xã hội. Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng, tác giả quyển sách Chim mặt người, quyển sách dành cho thiếu nhi chia sẻ: "”So với thời gian trước, sách thiếu nhi hiện nay phong phú về thể loại và đẹp hơn về mặt hình thức rất nhiều. Các cháu thiếu nhi muốn đọc sách gì cũng có. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng trẻ được tiếp xúc với văn hóa đọc lại giảm xuống, một phần vì các loại văn hóa nghe nhìn lấn át. Thời gian để trẻ tập trung vào đọc sách không nhiều.

Bên cạnh đó, trẻ đọc nhiều truyện tranh hơn đọc sách chữ. Đây là điều đáng buồn, nếu so về việc đọc sách thì thiếu nhi nước ngoài có thói quen đọc sách, luôn mang theo sách bên mình. Trong khi đó, thiếu nhi Việt Nam lại ít quan tâm đến điều này”.

Văn hóa đọc trong thiếu nhi không nhiều, bên cạnh đó, nhiều quyển sách núp dưới danh nghĩa thiếu nhi gây ra những ấn tượng không tốt, nhà văn Nguyễn Khoa Đăng chia sẻ thêm: “Hiện tượng, một số nhà xuất bản lợi dụng thiếu nhi để làm những quyển sách kém chất lượng là có. Thực ra, đây là những quyển sách không phải viết cho thiếu nhi. Tôi nghĩ, sách thiếu nhi chỉ nên là những quyển sách văn học dành cho thiếu nhi. Còn những quyển sách dạy dỗ thiếu nhi, huấn luyện cách sống thì không dành cho thiếu nhi, bởi những quyển sách này thiếu nhi thường không đọc vì nó thường khô khan và giáo điều”.

Sự lẫn lộn về sách dành cho thiếu nhi khiến nhiều bậc phụ huynh bối rối. Trong khi đó, sự quan trọng của sách thiếu nhi nằm ở chỗ giáo dục, đào tạo để phát triển nhân cách. Điều này không phải nhà xuất bản nào cũng quan tâm nên nhiều sai sót trong sách thiếu nhi xuất hiện.

Bà Phú Bình, đại diện truyền thông NXB Kim Đồng cho biết: “Nhà xuất bản của chúng tôi luôn lấy mục tiêu giáo dục, đào tạo và phát triển thế hệ trẻ lên hàng đầu. Vì mục tiêu này, nhà xuất bản Kim Đồng luôn có những đầu sách riêng nhằm để giáo dục trẻ. Chẳng hạn có những sách dành cho miền núi, đây là những đầu sách không có lãi, nhưng chúng tôi vẫn quan tâm để phát triển thế hệ trẻ.

Hay bên cạnh đó, chúng tôi cũng quan tâm đến những quyển sách dành cho trẻ em nghèo. Với các nhà xuất bản khác, tôi nghĩ họ cũng có những quan tâm đến mục tiêu giáo dục đào tạo thế hệ trẻ. Mỗi cơ quan sẽ có những nỗ lực khác nhau nhằm giúp cho thế hệ trẻ Việt Nam luôn phát triển”.

Theo bà Phú Bình, làm sách cho thiếu nhi là một vấn đề khá quan trọng. Để có những quyển sách hay, có chất lượng, đòi hỏi một quy trình làm việc nghiêm túc. “Để phát triển văn hóa đọc và mục tiêu giáo dục trẻ em, chúng tôi luôn cố gắng giữ sách ở chất lượng cao. Chúng tôi luôn quan tâm đến các chi tiết dù là nhỏ như in ấn, mỹ thuật, liên hệ cộng tác với những nhà xuất bản nước ngoài lớn, hay quan tâm đến các tác giả trong nước có uy tín để mua bản quyền... Vì làm sách có ảnh hưởng đến một thế hệ, nên chúng tôi luôn có những đầu tư lâu dài và nghiêm túc để tạo ra các đầu sách chất lượng cho thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam”.

Cần có sự quan tâm

Để chọn được những quyển sách hay cho thiếu nhi, nhà văn Nguyễn Huy Quang, hội Nhà văn Việt Nam cho biết: “Các bậc phụ huynh nên quan tâm đến nhà xuất bản, tác giả, thậm chí, nếu có thời gian nên đọc qua, trước khi đưa cho con đọc, nhằm tránh tình trạng những quyển sách kém chất lượng, thiếu tính giáo dục ảnh hưởng đến trẻ. Bên cạnh đó, các nhà xuất bản cũng cần tạo ra những quyển sách phù hợp, chất lượng để thiếu nhi được phát triển một cách toàn diện”.

Theo Mai Thy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan