Một số lễ hội truyền thống đang ngày càng trở nên lộn xộn và thương mại hóa để kiếm lời khiến du khách không hài lòng.
Việc người dân đi chùa, tham gia các lễ hội đầu năm để cầu may là một truyền thống, nét văn hóa từ xa xưa. Đi lễ, họ cầu nguyện một năm mới may mắn, sức khỏe dồi dào và làm ăn phát đạt.
Thế nhưng, những năm gần đây, không ít lễ hội đã bị biến tướng, rải tiền, chen lấn xô đẩy, cướp lộc, ăn mặc hở hang, hoặc là các điểm kinh doanh, nhà hàng đua nhay chặt chém khách trảy hội, du xuân... là những hiện tượng đáng buồn và đang tồn tại ở các lễ hội.
Hãy cũng Eva điểm lại những biến tướng của mùa lễ hội đầu năm Quý Tỵ 2013:
Thịt thú rừng treo lủng lẳng ở lễ hội Chùa Hương
Đến hẹn lại lên, đầu xuân năm mới lễ hội Chùa Hương lại được mở hội, du khách thập phương nô nức hành hương trẩy hội bái Phật. Đây cũng là dịp để nhiều dịch vụ ăn theo, trong đó nhức nhối và phản cảm nhất là tình trạng bày bán thịt được cho là thịt thú rừng giữa chốn đất Phật.
Nhím nuôi thương phẩm, thịt chó, mèo, thỏ... được hô biến và bày bán đầy rẫy tại các nhà hàng trong khuôn viên khu du lịch thắng cảnh Chùa Hương.
Đối lập với không khí trang nghiêm, thanh tịnh của đình chùa miếu mạo, tại một số điểm thuộc khu du lịch Chùa Hương, cảnh giết thịt động vật vẫn diễn ra ngang nhiên, những thớ thịt được treo lủng lẳng, máu tanh chảy dài khiến nhiều du khách lạnh người.
Thêm vào đó là giá cả của mỗi loại thịt thú rừng cũng được hét với giá ‘trên trời’ như: thịt hươu sao. Các con vật được bán gồm nai, hoẵng, nhím, cầy hương, sóc rừng, hươu sao, heo rừng..., Giá một cân thịt hươu sao “xịn” từ 500 – 700 nghìn đồng/kg; chồn đá có giá từ 300-400 nghìn đồng/cân; hoẵng từ 500 – 600 nghìn đồng/cân… Mức giá này cũng có thể dao động tùy quán và tùy người mua.
Thịt thú rừng bày ra cả lối đi.
Đặc biệt tại lễ hội Chùa Hương, cảnh chặt chém vé xe làm du khách rất bức xúc. Những tên ‘cò vé’ lượn lờ, chặn xe rồi đưa vé của UBND Hương Sơn ban hành cho chủ xe với giá 40 ngàn đồng. Hành động chặn xe, ‘ép’ phải gửi của những tên cò này không khác gì những tên côn đồ, lưu manh. Không chỉ dừng lại ở phe vé của UBND xã, đi sâu vào trong nhà xe tiếp tục nhận được thêm 1 hoặc 2 vé gửi xe nữa.
Sàm sỡ, đánh nhau ở lễ hội
Trò Trám (Lâm Thao, Phú Thọ) là lễ hội phồn thực, yếu tố giao hòa âm dương đực cái là nét văn hóa thu hút của lễ hội này.
Trong lịch sử, những đứa trẻ sinh ra sau đêm hội được coi là may mắn của làng. Sự hấp dẫn này ngày càng tăng khi trước đó một thời gian dài, Trò Trám từng bị chụp mũ về đạo đức. Đặc biệt là với người trẻ, yếu tố âm dương khiến họ háo hức trẩy hội Trò Trám.
Một du khách đi lễ hội năm nay cho biết: "Tại lễ hội năm nay chúng tôi vẫn nghe thấy tiếng la hoảng của những cô gái trẻ. Quả thực, vì hội quá đông nên nếu có người cố ý sàm sỡ cũng khó có thể bắt tận tay".
Chợ Chuộng - mượn lễ hội để đánh nhau quá tay là điều không nên
Lễ hội chợ Chuộng tại huyện Đông Sơn, Thanh Hóa cũng khiến nhiều người cảm thấy sờ sợ khi tham gia. Theo quan niệm của người dân, việc đánh nhau tại phiên chợ này càng to thì năm đó bà con làm ăn càng thuận lợi, may mắn. Tuy nhiên, hiện nay phiên chợ đã có biến tướng khi các nhóm thanh niên làng lân cận đợi đến ngày đó để trả thù nhau. Tại hội chợ Chuộng năm vừa rồi, vẫn có người dùng gậy quật túi bụi vào nhóm thanh niên khác làng. Tuy lực lượng bảo vệ đã can thiệp song chưa biết mối bất hòa này liệu đã thực sự được hòa giải hay chưa.
Nhiều cô gái khiếp sợ
Một hội theo kiểu tranh, cướp, đánh nhau này cũng khiến người dự e ngại năm nay là hội đả cầu cướp phết đầu năm tại đình Đông Lai, Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Trong cuộc tranh cướp, thậm chí cửa kính trụ sở chính quyền đã bị đập vỡ. thành nơi 'giải quyết' thù hằn, mâu thuẫn, nhiều trận quyết chiến sứt đầu, mẻ trán xảy ra. Nhiều đối tượng còn lợi dụng đám đông có hành động khiếm nhã với các cô gái.
Cái bang "giả", bói toán bủa vây cổng chùa đầu năm
Đầu năm, mọi người nô nức đi du xuân, lễ chùa để cầu may mắn, bình an, làm ăn thuận buồm xuôi gió trong năm mới. Nắm bắt được nhu cầu đó, đội quân ăn xin kéo về cổng các ngôi chùa, các điểm vui chơi để “tác nghiệp”. Và có cả những người giả sư để xin tiền, gây bức xúc.
Ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới, nhiều ngôi chùa ở TP. HCM đã bị đội ngũ ăn xin, sư giả ‘bao vây’.
Đội ngũ cái bang trước cổng chùa Việt Nam Quốc Tự, Q.10 cũng đông đảo không kém ở chùa Vĩnh Nghiêm
Ngay trong ngày mùng 1 tết Qúy Tỵ 2013, nhiều ngôi chùa ở TP.HCM đã bị đội ngũ ăn xin, sư giả cầm chiếc bình bát đứng khất thực, xin tiền, những người bán sách tử vi làm ‘náo động’, gây nên khung cảnh bát nháo, mất vẻ tôn nghiêm ở nơi chốn linh thiêng.
Ăn xin sử dụng “chiêu trò” để che mắt du khách
Điều đáng bức xúc là có những người khỏe mạnh, lành lặn lại giả bộ người tàn tật để cầu mong chút lòng thương hại mà không kiếm tiền bằng chính sức lao động của mìnhTệ nạn ăn xin, sư giả cũng diễn ra phổ biến ở quần thể di tích Phủ Dầy ( huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Du khách đến đây cầu an cho năm mới vẫn phải chứng kiến những hình ảnh không đẹp tồn tại từ nhiều năm nay.
Tổ đội ăn xin xếp thành hàng dài giữa đường vào đền chính Phủ Dầy
Thậm chí, những người ăn xin còn tập hợp nhau, lập hẳn một tổ, đội gần hai chục người, xếp thành hàng dài trên đường vào đền chính, quần thể Phủ Dầy để chèo kéo khách thập phương xin tiền.
Rải tiền lẻ, ép tượng "ăn" tiền
Để cầu may đầu năm, rất nhiều du khách ném, vứt vung vãi tiền lẻ khắp nơi trong chùa, thậm chí còn nhét đầy vào bàn tay tượng tạo ra những “bãi rác” tiền nơi cửa Phật, hết sức phản cảm tại lễ hội chùa Bái Đính.
Tiền lẻ được ném tung tóe ở chùa Bãi Đính
Từ sau Tết Nguyên đán, bình quân mỗi ngày có hàng vạn du khách đến tham quan chùa Bái Đính (Ninh Bình). Đây cũng là thời điểm các loại dịch vụ chụp ảnh, bán hàng rong, vàng hương, đổi tiền lẻ... đua nhau hoạt động.
Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào những ngày đầu xuân đông nghịt người, nhiều người dân thay vì bỏ tiền vào hòm công đức thì rải tiền bừa bãi lên đầu rùa, bàn thờ, thậm chí là cả trên mái nhà, khiến không khí tại đây trở nên lộn xộn.
Khu vực Bia Tiến sĩ đã được Ban Quản lý di tích chăng dây nhằm ngăn chặn tình trạng du khách tràn vào sờ đầu rùa khiến đầu rùa ngày càng nhẵn thín. Biển báo “Không vào khu vực này” được dán nhiều nơi nhưng không ít du khách vẫn “vượt rào” sờ bằng được đầu rùa. Rất nhiều phụ huynh còn “khuyên” con mình thừa lúc vắng người nhảy vào sờ đầu rùa để “lấy may”!?
Tiền lẻ rải đầy khu vực Bia Tiến sĩ
Các pho tượng cũng bị ép nhận tiền lẻ