‘Săn’ rau hữu cơ giá cao trên mạng

Ngày 24/08/2015 10:10 AM (GMT+7)

Người tiêu dùng còn lên mạng tìm kiếm gạo, thịt, trái cây… hữu cơ.

Theo ghi nhận của chúng tôi, sản phẩm hữu cơ mua qua mạng thường đắt gấp 2-3 lần so với sản phẩm thường cùng loại nhưng vẫn hút người mua.

Rau đắt hơn... thịt, cá

Tranh thủ giờ nghỉ trưa, chị Huyền Trang (quận Bình Tân, TP.HCM) lên mạng đặt mua rau để nấu bữa tối cho gia đình.

Vào trang web ctyrausach.com, chị Trang đặt mua 500 g cải bó xôi với giá 35.000 đồng; 500 g đọt su su giá 30.000 đồng; hai trái bắp ngọt để nấu canh 20.000 đồng/trái; 500 g trái su su 15.000 đồng; 250 g tần ô 15.000 đồng và 1 kg chuối Laba Đà Lạt 27.000 đồng.

Tổng đơn hàng rau, củ, quả cho ba bữa tối trong tuần của nhà chị Trang tròm trèm 170.000 đồng, chưa kể phí giao hàng 25.000 đồng/lần. Tất cả đều là hàng hữu cơ - organic.

Chị Trang cho biết nếu mua số rau, củ, quả trên ở siêu thị thì chỉ tốn khoảng 70.000 đồng. Rau, củ, quả hữu cơ có giá cao gấp rưỡi đến gấp ba lần giá rau VietGap ở siêu thị. Còn nếu so với giá rau mớ không rõ nguồn gốc ở chợ thì rau hữu cơ có thể đắt hơn đến 4-5 lần, đắt hơn cả thịt cá nữa.

Ví dụ giá su su bán ở siêu thị khoảng 10.000 đồng/kg, su su hữu cơ 30.000 đồng/kg; bông cải xanh 40.000 đồng/kg, bông cải xanh hữu cơ chừng 60.000 đồng/kg...

Nhìn xấu nhưng sạch

Cũng cùng xu hướng dùng sản phẩm hữu cơ, chị Nguyễn Thị Hồng Ngân (quận Tân Phú, TP.HCM) cho rằng sản phẩm hữu cơ đảm bảo an toàn sức khỏe nên chị thường hay đặt mua online trên Facebook dacsanviet va rauvuon. Giá rau dền, mồng tơi hữu cơ khoảng 80.000 đồng/kg, chị đặt một lần khoảng 2 kg, do nhà ở xa nơi bán nên phí giao hàng thêm 40.000 đồng nữa.

Chị Đỗ Thu Hương (quận 2) cho hay chị có “hội” các mẹ với nhau thường chia nhau những món sản phẩm sạch như cá do người quen ở Quy Nhơn mang vào; hay rau, củ, quả do người quen trồng ở Đà Lạt... Ngoài ra chị thường mua rau ở Facebook có tên Family Garden. Chủ trang Facebook này cũng có website để bán rau online là vuoncuatui.com.

 “Rau, củ hữu cơ có khi nhìn không bắt mắt, xấu, cằn và già nữa nhưng em tin là chúng sạch, không sử dụng thuốc... nên giá đắt gấp 2-3 lần rau cùng loại bán ở siêu thị em cũng mua. Nhìn rau mướt mát quá sợ có phân, thuốc!” - chị Hương tâm sự.

Đại diện Công ty Cổ phần Nông Nghiệp Xanh cho hay hiện tại nhu cầu mua thực phẩm hữu cơ, thực phẩm sạch qua mạng, qua điện thoại tăng lên so với trước. Đơn hàng khách đặt không chỉ là rau, củ, quả hữu cơ mà còn có thịt heo, gạo…

‘Săn’ rau hữu cơ giá cao trên mạng - 1

Mua sản phẩm hữu cơ qua mạng, được giao tận nơi rất tiện lợi nhưng giá cao. Ảnh: TÚ UYÊN

Vì sao sản phẩm hữu cơ đắt?

Ông Nguyễn Bá Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên doanh Organik Đà Lạt, cho biết nếu như hai, ba năm trước chỉ có vài gia đình đặt mua sản phẩm hữu cơ thì hiện nay cửa hàng Organik đã có hơn 1.000 gia đình là khách hàng quen thuộc. Không chỉ rau, củ mà một số loại trái cây hữu cơ như táo cũng được khách hàng chọn mua. Tuy vậy, do trái cây hữu cơ Việt Nam hiện chưa có nhiều nên chủ yếu là trái cây hữu cơ nhập khẩu. Các loại gia vị kèm theo sản phẩm hữu cơ như lá oải hương, dầu mè… cũng được khách hàng chọn mua.

Ông Hùng nhận xét: Rau, củ, quả hữu cơ đắt hơn loại thường nhiều lần nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn mua bởi họ quan tâm đến sức khỏe, chất lượng hơn là giá cả.

Cũng theo ông Hùng, giá rau, củ, quả hữu cơ cao là do năng suất thấp, chỉ bằng khoảng 50% so với rau thường. 1 ha cà rốt thường thu hoạch được 17-20 tấn, còn trồng theo phương pháp hữu cơ thu hoạch được 8-10 tấn; một cây xà lách trồng bình thường trọng lượng lúc thu hoạch cỡ 200-300 g, còn trồng theo hữu cơ chỉ thu được 70-80 g.

Trong khi đó, bà Phạm Phương Thảo, chủ cửa hàng kinh doanh thực phẩm hữu cơ Organica, lý giải một trong những nguyên nhân làm cho giá rau, củ, quả hữu cơ cao là do sản lượng không nhiều vì không dùng chất kích thích, lại thêm tốn nhiều nhân công, chi phí sản xuất cao.

Còn chị T., đại diện một công ty phân phối sản phẩm hữu cơ sắp mở ở quận 3, TP.HCM thì khẳng định: “Trang trại chúng tôi sản xuất sản phẩm hữu cơ với giá xuất tại trang trại chỉ cao hơn một chút so với giá rau sạch, rau an toàn. Hoàn toàn có thể bán sản phẩm hữu cơ với giá chỉ cao hơn 30% so với rau sạch trong siêu thị”.

Chị T. cho biết thêm sản phẩm hữu cơ hiện đắt do chi phí vận chuyển tốn kém, bảo quản khó khăn. Do vậy, nếu xây dựng được chuỗi phân phối, hệ thống vận chuyển, bảo quản tốt, phí giao hàng giảm còn khoảng 15.000-20.000 đồng/đơn hàng thì rau, củ, quả hữu cơ sẽ được nhiều người tiêu dùng chọn mua hơn, số lượng khách đặt hàng tăng.

Xem “mặt” sản phẩm trước

Sản phẩm hữu cơ là sản phẩm được trồng không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học hay thuốc kích thích tăng trưởng, cũng không dùng các loại giống biến đổi gien.

Rau an toàn là rau được sử dụng các loại phân và thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong ngưỡng an toàn.

Một số người từng kinh doanh rau, củ, quả hữu cơ khuyến nghị người tiêu dùng nên đến tận cửa hàng xem trước. Cụ thể, xem trên bao bì có ghi chứng nhận về hữu cơ hay không, có mã số chứng nhận hay không, mã số truy nguyên nguồn gốc... Đặc biệt, nên mua trực tiếp vài lần, nếu thấy đủ tin cậy ở cửa hàng đó thì hãy đặt mua online.

Được đổi hàng

Tôi thường hay đặt mua các loại trái cây như bơ, sầu riêng, chôm chôm sạch của người quen qua Facebook dù giá cao hơn so với thị trường. Bởi tôi biết rõ nguồn hàng không dùng phân hóa học, thuốc kích thích chín nhanh hay thuốc tăng trưởng.

Thêm nữa, người bán giao hàng tận nơi đúng thỏa thuận nên rất tiện lợi. Sau khi mua hàng xong, nơi bán còn gọi điện thoại hỏi khách hàng có hài lòng về chất lượng sản phẩm không, thậm chí có khi còn có chương trình khuyến mãi. Nếu nhận được hàng không như ý thì khách có thể đổi lại.

Chị HUỲNH THỊ NGỌC CHÂU, quận 2, TP.HCM

Theo Như Quỳnh - Tú Uyên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot