Khẳng định nguyên nhân cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung là do tác động bởi chất độc rất mạnh nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra “thủ phạm”.
“Do chất độc rất mạnh” nhưng không rõ nơi phát tán
Tại cuộc họp, đại diện Vụ Nuôi trồng thủy sản - Tổng cục Thủy sản cho biết hiện tượng cá biển chết bắt đầu từ ngày 4 kéo dài đến 14-4 tại Hà Tĩnh; từ ngày 14-4, tại Quảng Bình và Quảng Trị; từ ngày 15 đến 22-4, tại Thừa Thiên - Huế.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Dung, Vụ phó Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản - Tổng cục Thủy sản, ngoài Quảng Bình chưa có thống kê thiệt hại cụ thể thì Hà Tĩnh báo cáo thiệt hại 37.200 con cá giống, 90 vạn tôm giống, 20 vạn ngao giống, ước tính khoảng 4,7 tỉ đồng. Tại Quảng Trị, số lượng cá chết khoảng 30 tấn, Thừa Thiên - Huế khoảng 5.900 con… “Cá chết nằm la liệt, không chỉ ngư dân thiệt hại mà việc kinh doanh dịch vụ của người dân ở ven biển cũng bị ảnh hưởng lớn” - ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, lo ngại.
Theo bà Dung, đến nay, cơ quan chức năng đã lấy 42 mẫu cá, 7 mẫu trầm tích, hàng chục mẫu nước đưa đi xét nghiệm tìm hiểu nguyên nhân cá chết. Qua phân tích, kết quả ban đầu cho thấy các thông số môi trường, pH, độ muối, ôxy tự nhiên đều bình thường. Quan sát và phân tích sơ bộ không có dấu hiệu bất thường, cho phép loại bỏ nguyên nhân cá chết do dịch bệnh cũng như yếu tố môi trường nước. Bà Đặng Thị Lụa - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan trắc, Cảnh báo môi trường và Phòng ngừa dịch bệnh thủy sản khu vực miền Bắc - cho rằng cá lồng, cá tự nhiên chết nhanh và nhiều nhưng không phải do dịch bệnh mà là do tác động bởi chất độc rất mạnh. Ông Nguyễn Viết Nghĩa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu hải sản, cũng đưa ra nhận định này song chưa biết nơi nào phát tán.
Đồng tình với các nhận định trên, qua kết quả lấy mẫu phân tích, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, khẳng định: “Chắc chắn cá chết không phải do dịch bệnh hay môi trường nước mà do độc tố, đó có thể là độc tố sinh học, hóa học hay một loại độc tố khác”.
Cá voi chết trôi dạt vào bờ ở xã Phú Hải, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế chiều tối 23-4.Ảnh: Quang Nhật
Lúng túng xử lý
Ông Vũ Văn Tám cũng thừa nhận Bộ NN-PTNT có sự lúng túng trong việc điều tra, xác minh chất độc cụ thể đó là gì. “Cá chết trên diện rộng là hiện tượng bất thường, lần đầu tiên xuất hiện gây hoang mang, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người dân. Đây là vấn đề khó, chúng ta có sự lúng túng, chưa tìm ra nguyên nhân chính xác. Bộ hứa sắp tới đây sẽ làm việc hết trách nhiệm” - ông Tám phân trần. Cũng theo ông Tám, thời gian tới, các địa phương cần thống kê thiệt hại cụ thể để Bộ NN-PTNT có đề xuất hỗ trợ người dân.
Trong khi đó, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho biết bộ này đã giao cơ quan trực thuộc truy tìm nguyên nhân và đưa ra giải pháp xử lý. “Chúng tôi không loại trừ nguyên nhân cá chết do xả chất thải độc hại ra biển. Nếu phát hiện được, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm khắc”.
Liên quan đến thông tin Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa (KCN Vũng Áng, Hà Tĩnh) có đường ống xả thải ngầm chôn dưới lòng biển, ông Võ Tuấn Nhân khẳng định: “Đường ống xả thải ra biển của Formosa là có trong thiết kế, có quy trình xử lý và được Bộ
TN-MT cho phép. Trước khi nước được thải ra biển đã được xử lý, quan trắc, giám sát tự động”.
Tuy nhiên, thực tế việc Formosa xả thải như thế nào, ai kiểm soát chất lượng việc xả thải thì vẫn còn bỏ ngỏ. Ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh, xác nhận trạm quan trắc tự động của Công ty Formosa chưa kết nối và truyền số liệu về Sở TN-MT tỉnh này.
Nếu cần thiết thì đào ống của Formosa lên Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 23-4, ông Nguyễn Tử Cương - Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Dịch vụ thủy sản Việt Nam (Hội Nghề cá Việt Nam), nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT) - cho rằng cá chết từ ngày 4-4 nhưng đến nay (23-4), cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được nguyên nhân là quá chậm trễ. Theo ông, với công nghệ máy móc có sẵn ở rất nhiều cơ quan thuộc ngành NN-PTNT, TN-MT thì việc lấy mẫu, cho kết quả chỉ mất 2-3 ngày. Về nghi vấn người dân phát hiện Formosa có hệ thống xả thải với 12.000 m3/ngày đổ ra biển, ông Cương đề nghị cơ quan chức năng cần thanh - kiểm tra toàn diện hệ thống xả thải của công ty này; đồng thời lấy mẫu nước kiểm tra để biết rõ chất xả thải là gì, có chất độc gây chết cá hay không. “Nếu thấy cần thiết, nên cho đào đường ống xả thải của Formosa lên để kiểm tra” - ông Cương góp ý. V.Duẩn |
Cá voi chết dạt vào bãi biển Tối 23-4, UBND xã Phú Hải, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế xác nhận tại xã này xuất hiện tình trạng cá chết, trôi dạt vào bờ biển. Sự việc được phát hiện vào chiều tối cùng ngày. Lúc đầu, con cá voi trôi dạt vào bờ biển thôn Cự Lại Nam (xã Phú Hải) trong tình trạng kiệt sức, người dân cố gắng đẩy ra biển nhưng ít phút sau thì con cá này chết. Con cá voi này nặng khoảng 100 kg. Theo ngư dân địa phương, trước đây, thi thoảng họ cũng phát hiện cá voi chết trôi dạt vào bờ biển xã Phú Hải song hầu hết là cá có trọng lượng lớn, đã sống lâu năm nên chết, còn con cá voi mới chết này chỉ khoảng 100 kg. Điều này khiến người dân địa phương nghi ngờ lý do cá voi chết có liên quan đến tình trạng cá chết hàng loạt xảy ra trong những ngày qua. Ở lân cận xã Phú Hải, xã Phú Thuận (huyện Phú Vang), cùng thời điểm cá voi chết cũng xuất hiện một số loài cá biển chết trôi dạt vào bờ. Q.Nhật |
Đừng bảo vệ bằng khẩu hiệu Câu chuyện cá đột nhiên chết nổi trắng bờ biển 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế đang là vấn đề nhức nhối về môi trường. Dẫn tới một vụ “ngộ độc tập thể” trong môi trường bao la như thế, chắc chắn phải có một lượng chất độc khổng lồ hòa tan trong đại dương. Các nhà khoa học, cơ quan chức năng đang khẩn trương truy tìm nguyên nhân, “thủ phạm”. Một số nghi vấn cho rằng cá chết có thể do có một nguồn chất thải độc nào đó phát tán trong môi trường nước biển. Tuy nhiên, ngay cả việc tiếp cận những KCN trong vùng để thẩm định quy trình, nguồn nước xử lý xả thải cũng đang gặp nhiều khó khăn. Việc các nhà đầu tư nước ngoài trong các KCN nước ngoài tự coi mình là một “khu tự trị” cho thấy sự thách thức trong việc kiểm soát và xử lý vi phạm môi trường. Mấy tháng nay, bà con ở ĐBSCL điêu đứng vì hạn hán, xâm nhập mặn, trong khi người dân ở Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ vật lộn với khó khăn do khô hạn. Nay thêm vụ cá chết càng chứng minh nền kinh tế nông nghiệp, ngư nghiệp vốn manh mún và èo uột của chúng ta đang bị tấn công tứ bề bởi thiên tai, biến đổi khí hậu và bởi những yếu tố do con người tạo ra mà người nông dân không thể chống đỡ. Việt Nam là một trong những quốc gia tích cực thực hiện chống biến đổi khí hậu. Sự kiện ngày Trái đất (22-4) vừa qua được phát động rộng rãi trên cả nước, kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Thế nhưng, chúng ta không chỉ kêu gọi ý thức người dân, hô hào, làm theo phong trào mà cần biện pháp, chính sách cụ thể để bảo vệ môi trường bền vững. Cần biết là đến nay, Việt Nam đã tham gia hơn 20 (trên tổng số khoảng 300) công ước quốc tế về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, chúng ta đang trả giá vì tư duy sai lầm, đó là khai thác tài nguyên thiên nhiên để tăng trưởng. Tình trạng phá rừng làm thủy điện, khai thác cát tràn lan, sản xuất công nghiệp xả thải vô tội vạ ra sông, biển… đưa đến những hệ lụy trước mắt và di chứng lâu dài cho môi trường trương lai. Phát triển bền vững không nên là một khẩu hiệu suông mà phải thực thi bằng những gì cụ thể nhất từ chính sách lấy môi trường làm trọng tâm. Những tác động xấu từ môi trường cho thấy những thiệt hại xảy ra do khai thác môi trường vị kỷ, hủy diệt sẽ lớn hơn rất nhiều so với những gì người ta tận thu từ nó. Câu chuyện cá chết ảnh hưởng sinh kế của người dân là cái giá phải trả trong hiện tại. Cần nhìn thấy trước sự tác động mang tính hiểm họa về lâu dài đối với đời sống các thế hệ tương lai, trái đất ngày mai để điều chỉnh hành xử trong tương quan với môi trường. Nguyễn Tường - Quý Lâm |