Sau 3 tháng động đất, người dân Nepal vẫn màn trời chiếu đất

Ngày 19/08/2015 10:17 AM (GMT+7)

Siobhan Heanue, phóng viên ABC News đã tới Kathmandu, sau 3 tháng xảy ra vụ động đất kinh hoàng ở Nepal.

Quay ngược lại thời gian hơn 3 tháng trước, vào lúc thủ đô Kathmandu đang bàng hoàng và mọi chuyện chỉ xoay quanh việc khắc phục hậu quả của trận động đất. Câu đầu tiên mà bạn muốn hỏi bất kỳ người lạ mặt trên đường phố là: “Gia đình của bạn có ổn không? Ngôi nhà của bạn hiện giờ ra sao?”.

Nhưng khi tôi quay trở lại vào đầu tháng 8, Kathmandu dường như đã lấy lại được vẻ nhộn nhịp cũ của nó.

Tuy vậy có rất nhiều thứ nhắc ta nhớ về trận động đất kinh hoàng ngày 25/4: các đống đổ nát có thể nhìn thấy ở khắp mọi nơi quanh thành phố. Đặc biệt, các khu di sản thế giới được UNESCO công nhận đều bị tàn phá nặng nề.

Khi tới thăm một ngôi chùa đã bị san bằng, tôi thấy mọi người đang cầu nguyện một cách bình thường giữa các đống gạch và gỗ. Những địa điểm như vậy vẫn rất thiêng liêng với người Nepal, mặc dù những ngôi chùa cổ đã biến mất hoàn toàn.

Ở vùng ngoại ô, cuộc khủng hoảng nhân đạo vẫn còn đó. Đã hơn 3 tháng sau trận động đất nhưng hầu như mọi thứ đều chưa được khắc phục.

Đau khổ trong im lặng

Mặc dù sự cứu trợ của chính phủ và cộng đồng quốc tế đã vươn tới nhiều làng mạc xa xôi, nhưng vẫn còn nhiều khu vực bị ảnh hưởng nặng nề đang cần sự tiếp tục giúp đỡ bên ngoài. Những người dân tộc thiểu số sống ở các vùng hẻo lánh hầu như chưa nhận được một sự trợ giúp nào từ bên ngoài.

Sau 3 tháng động đất, người dân Nepal vẫn màn trời chiếu đất - 1

Một bé gái hồn nhiên tạo dáng trước ống kính tại khu trại ở Salantyar.

Chúng tôi tới thăm một khu lán trại dựng tạm của người Tạng-Miến bản địa. Họ đang sống bên ngoài tầm mắt của chính phủ, các phương tiện truyền thông và xã hội.

Để tới đó phải mất 3 giờ trên một đường cao tốc nguy hiểm từ Kathmandu, sau đó thêm 3 giờ nữa trên những con đường mòn gồ ghề băng qua các dãy núi.

Chúng tôi là những người ngoài đầu tiên mà họ nhìn thấy kể từ thời điểm xảy ra trận động đất.

Họ ngạc nhiên và nhìn chằm chằm vào chúng tôi và chúng tôi cũng vậy. Nhưng sau đó những nụ cười thân thiện đã nhanh chóng phá vỡ sự im lặng, không khí nặng nề.

Người Nepal rất nổi tiếng về sự hào phóng. Mặc dù cuộc sống rất khó khăn và những thứ họ có vô cùng ít ỏi nhưng họ vẫn nồng nhiệt đón chào chúng tôi đến những “ngôi nhà” tạm bợ của họ.

Khi chúng tôi tới đó, trời bắt đầu tối. Mặc dù đã chuẩn bị trước những dụng cụ để dựng một chiếc lều đủ chỗ cho 10 người nhưng thực sự rất khó khăn để làm việc đó.

Người dân ngay lập tức giúp đỡ chúng tôi một cách rất “chuyên nghiệp”. Họ đào một rãnh xung quanh lều để thoát nước mưa. Chiếc loa và micro tôi mang theo nhanh chóng trở thành địa điểm ưa thích của bọn trẻ. Tôi giả giọng quái vật ù ù đuổi theo lũ trẻ làm chúng thích thú chạy quanh khu trại. Nó cũng mang lại niềm vui trên gương mặt mệt mỏi của những bà mẹ.

Các em đều hồn nhiên chơi đùa, nhưng nhiều em đã có dấu hiệu của bệnh ngoài da, ho và sốt. Độ ẩm cao, nhiều côn trùng và tình trạng mất vệ sinh là nguyên nhân chính.

Sau 3 tháng động đất, người dân Nepal vẫn màn trời chiếu đất - 2

Bé gái bẽn lẽn bên mẹ

Những thái cực cảm xúc đối lập

Những chiếc lều tạm được làm chủ yếu bằng vải bạt, cọc tre và không có sàn. Những con bọ có ở khắp nơi. Để có nước ngọt họ phải mất nửa giờ đi bộ.

Trong khi trò chuyện với các cư dân bản địa, tôi phóng tầm mắt ra xa. Nơi đây nằm trên một sườn núi dốc, bao quanh bởi những núi cao vút xuyên qua đám mây và một ngã ba sông bên dưới thung lũng.

Đó là một trong những cảnh đẹp nhất mà tôi đã từng nhìn thấy. Tôi đã đấu tranh để dung hòa nó với hình ảnh đối lập của sự khổ cực và thiếu thốn trong khu trại.

Hai thái cực của Nepal gặp nhau ở nơi này: vẻ đẹp tuyệt vời tự nhiên và nghèo đói cùng cực.

Nepal là một trong những quốc gia nghèo nhất ở châu Á. Một cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ giữa lực lượng chính phủ và phiến quân Maoist từ năm 1996 đến 2006 để lại hậu quả là một hệ thống chính trị không ổn định.

Thách thức của Nepal rất nhiều và trận động đất chỉ là một cú đánh trong số đó.

Vị trí địa lý đã khiến Nepal trở thành một điểm đến lý thú cho khách du lịch với những ngọn núi tuyệt đẹp, dãy Himalaya hùng vĩ, những cánh đồng lúa bậc thang. Nhưng đó cũng là nơi vô cùng khắc nghiệt để sống.

Khi mùa mưa đến, những con đường dẫn chúng tôi tới đây sẽ không thể đi được. Nếu những nạn nhân của trận động đất không được nhận hàng cứu trợ sớm, những cơn mưa lớn sẽ tách biệt họ với phần còn lại của thế giới.

Sau 3 tháng động đất, người dân Nepal vẫn màn trời chiếu đất - 3

Con đường dấn đến vùng Salantyar, mùa mưa sẽ biến nó thành con đường không thể đi

Cuộc sống bên lề

Chúng tôi nhanh chóng ghi hình lại cuộc sống trong trại và phỏng vấn một vài cư dân khi màn đêm buông xuống.

Những cư dân địa phương ngồi thành một vòng tròn và lặng lẽ lắng nghe những người được phỏng vấn.

Sau đó là khoảng thời gian cho bữa ăn tối. Họ đốt lửa và làm các món ăn đơn giản. Không giống như trong một số các trại di tản ở thủ đô Kathmandu, tôi không thể nhìn thấy bất kỳ thức ăn dự trữ nào ở đây.

Người dân đang sống trong cảnh chạy ăn từng bữa. Nhưng tất nhiên với lòng hiếu khách, họ muốn chúng tôi ăn cùng. Trong hoàn cảnh như vậy, chúng tôi không thể lấy đồ ăn từ họ, mặc dù việc từ chối có vẻ thô lỗ.

Họ nhiệt tình đun nước sôi, đưa thìa để chúng tôi nấu mì gói. Họ còn mời chúng tôi uống trà.

Gặm nhấm nỗi buồn trong bóng tối

Đêm đến, nhiệt độ và độ ẩm khiến tôi cảm thấy như đang bị nướng trong lều. Xung quanh có những tiếng nói chuyện thì thầm nhỏ nhẹ. Nhưng chỉ ít phút sau đó là tiếng ồn của những đàn côn trùng tấn công mái lều bằng vải bạt. Để giết thời gian, tôi nằm và lắng nghe tiếng khóc của một đứa trẻ trong căn lều bên cạnh.

Nó khóc như một đứa trẻ đang bị ốm và rất đau đớn.

Tôi có mang theo nút bịt tai, nhưng tôi không thể sử dụng chúng buổi tối hôm đó.

Không thể mất hy vọng

Sáng hôm sau, chúng tôi quay phim một số cảnh bên ngoài trại. Aaron Hollett, người phụ trách máy quay đã ghi lại được những khung hình tuyệt đẹp khi những đám mây nhẹ nhàng luồn qua giữa các đỉnh núi.

Sau 3 tháng động đất, người dân Nepal vẫn màn trời chiếu đất - 4

Nụ cười hồn nhiên của những đứa trẻ nhen nhóm niềm hi vọng về tương lai

Trong khi đó, tôi sử dụng máy ảnh cá nhân và điện thoại iPhone để chụp ảnh với sự hợp tác nhiệt tình của bọn trẻ. Chúng rất thích thú được chụp ảnh, đặc biệt khi tôi bật chế độ selfie. Chúng cười rộ lên và hò reo.

Sau 3 tháng động đất, người dân Nepal vẫn màn trời chiếu đất - 5

Phóng viên Siobhan Heanue chụp với một em bé ở trại.

Chúng tôi đóng gói đồ đạc để rời đi và để lại những vật dụng cần thiết cho họ. Anh Aaron đưa cho họ những vật dụng y tế như băng gạc, dung dịch diệt khuẩn và kem sát trùng. Không một ai trong số họ có những thứ cơ bản đó.

Tất cả mọi người trong trại tập hợp để nói lời tạm biệt. Họ mong rằng chúng tôi có thể chia sẻ câu chuyện của họ với hy vọng sự giúp đỡ sẽ đến.

Tôi cảm thấy buồn vì không có nhiều thứ để tặng cho họ. Tôi e rằng họ vẫn sẽ sống trong tình trạng đó ít nhất là 6 tháng nữa.

Tôi lo lắng về số phận những người phụ nữ lớn tuổi với khuôn mặt khắc khổ, người đã mời tôi cùng uống trà với một nụ cười thân thiện vào buổi sáng.

Tôi lo lắng về ông lão trưởng làng, người luôn mỉm cười với chúng tôi. Liệu ông có thể duy trì được nụ cười đó bao lâu nữa?

Tôi lo lắng về cô bé thổi bong bóng kẹo cao su vào máy ảnh của tôi và quàng cánh tay quanh cổ tôi khi tôi chỉ cho cô bé xem bức ảnh.

Tôi lo lắng rằng những cư dân hào phóng nơi đây sẽ không thể chờ đợi lâu hơn được nữa để nhận được sự giúp đỡ từ bên ngoài.

Hoàng Nam (ABC News)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Động đất