Sau năm 2015, sách giáo khoa mới sẽ khắc họa rõ nét hơn về cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng nhiều cách thức như thông sử, hình ảnh, truyện kể.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Thường trực ban soạn thảo Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015 chia sẻ như vậy.
Tiến sĩ Thống cho biết, sau khi xem qua sách lịch sử ở phổ thông cơ sở ông thấy tuy không nhắc đến tên Đại tướng nhưng có đề cập đến Đại tướng trong nội dung về đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Sách ngữ Văn lớp 12 cũng có hình ảnh Đại tướng trong phần trích hồi ký “Những năm tháng không thể nào quên” của Đại tướng. Tiến sĩ Thống cho rằng, hiện nay sách giáo khoa lịch sử chưa làm nổi bật hình ảnh Đại tướng. Do đó, sau năm 2015, sách giáo khoa đổi mới sẽ khắc phục được việc này, nội dung hình ảnh về cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp sẽ được làm rõ nét hơn.
Sau năm 2015 nội dung về Đại tướng được “tô đậm” hơn
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên chủ nhiệm Hội đồng bộ môn lịch sử, trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, thành viên tham gia viết sách giáo khoa lịch sử đổi mới sau năm 2015 cho biết, đối với cấp tiểu học, sách lịch sử lớp 4, 5, hiện nay vẫn học theo lối thông sử, học cả lịch sử Việt Nam và thế giới. Sắp tới người viết sách sẽ đổi mới bằng việc biến thông sử đó thành hình thức kể chuyện nhẹ nhàng để cho học sinh dễ nhớ, dễ hiểu.
Ví dụ: Tác giả viết sách sẽ đưa cờ Việt Nam vào sách lịch sử và có câu hỏi dành cho học sinh như tại sao lại là cờ đỏ có sao vàng, tên nước của Việt Nam có từ bao giờ, tại sao lại có tên nước như vậy…với mục đích giúp cho học sinh hiểu và nhớ lâu hơn.
“Đồng thời khi viết sách sẽ kèm câu chuyện kể về các doanh nhân văn hóa, kể chuyện các nhân vật nổi tiếng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Như vậy, các em học sinh cũng sẽ biết đến Đại tướng ngay từ bậc tiểu học”, Tiến sĩ Vỳ nói.
Sách giáo khoa lịch sử sau năm 2015 sẽ khắc họa rõ nét hơn hình ảnh của Đại tướng(Ảnh minh họa, nguồn: Tiền Phong)
Đến cấp trung học cơ sở, học sinh vẫn học theo lối thông sử và tất nhiên sẽ có các cuộc kháng chiến kể từ thời chống Pháp đến chống Mỹ. Trong chống Mỹ, người viết sách sẽ kết hợp hài hòa việc làm rõ vai trò của quần chúng nhân dân cũng như vai trò của cá nhân. Đặc biệt là vai trò của lãnh tụ có công lao lớn đối với đất nước.
Cấp trung học phổ thông sẽ viết sách theo hướng chủ đề. Đơn cử như lớp 10, có chủ đề khái quát lại lịch sử Việt Nam, khái quát lịch sử thế giới, hoặc chủ đề về văn minh. Chủ đề về các nhân vật lịch sử, trong đó có phần nội dung nói về các lãnh tụ như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng bí thư Trường Chinh, Lê Duẩn… Những hình ảnh và nội dung của nhân vật lịch sử sẽ được nhắc nhiều hơn, giúp học sinh hiểu và nhớ được lịch sử.
“Hay như chủ đề về cách mạng tháng 8, người viết sách có thể vẽ cho học sinh một trục sơ đồ gắn với sự kiện của từng năm. Đơn cử như trước năm 1939, có khởi nghĩa Bắc Sơn, Đô Lương, Nam Kỳ...Năm 1944 có sự kiện thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, trong đó có hình ảnh Đại tướng. Sau khi vẽ xong, họ sẽ viết nội dung ngắn kèm hình ảnh để học sinh cảm thấy dễ học, nhớ. Hướng này đang được Bộ GD-ĐT và người viết sách bàn”, PGS.TS Vỳ chia sẻ.
Nội dung nhân vật lịch sử đưa vào sách còn hạn chế
Tiến sĩ Vỳ cho hay, sách giáo khoa lịch sử trước đây vẫn nặng về tính hàn lâm, tức là viết nhiều chữ, phần hình rất ít và xấu. Vai trò của cá nhân chưa được đề cao, mới khắc sâu vai trò của quần chúng nhân dân. Lời nói và hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nhưng chưa được khắc họa rõ nét.
Sách lịch sử lớp 9, có một số hình ảnh và thông tin ngắn gọn về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 cũng có ảnh Đại tướng ở Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và ảnh thường vụ họp. Thêm nữa, sách còn dẫn đoạn trích 6 dòng của Đại tướng phát biểu trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954.
Khi viết sách giáo khoa, người viết sách phải căn cứ vào 3 mục tiêu để viết sách như: Về giáo dục tư tưởng; nội dung; kỹ năng. Học sinh được giáo dục tư tưởng giáo dục tinh thần yêu nước, yêu đồng bào, dân tộc; Nội dung kiến thức phải chính xác; Kỹ năng viết làm sao phải để học sinh dễ hiểu và dễ nhớ. Ngoài sách giáo khoa còn có sách dành cho giáo viên giảng dạy, dạy bài này nên như thế nào, bài bản đồ dạy thế nào, bài có tranh ảnh thì dạy như thế nào..
“Khi viết sách giáo khoa lịch sử chúng tôi cũng có nhiều cái khó, hạn chế. Ví dụ như mỗi tiết giáo viên giảng dạy trên lớp chỉ quy định từ 4 đến 5 trang. Khi viết sách, chúng tôi muốn đưa thêm nhiều ảnh, nhân vật lịch sử vào giải thích cho học sinh thì cũng không được bởi quy định chỉ cho phép có thế”, PGS.TS Vỳ nói.
Theo Tiến sĩ Vỳ, quan điểm của người viết sách cũng muốn đưa đưa hình ảnh để giáo viên có phương pháp dạy phong phú. Nhưng có phần thuộc về phương pháp, người viết sách muốn phát huy vai trò của giáo viên, tính tích cực của học sinh. Ví dụ như hình ảnh về Đại tướng trong sự kiện thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, người viết sách sẽ không ghi phần chú thích ảnh ở dưới mà để giáo viên tự phải giải thích cho học sinh hoặc ngược lại học sinh tự phải viết chú thích ảnh. Như vậy bắt buộc các em phải học bài và nhớ lịch sử lâu hơn.