Sinh viên thất nghiệp không nên cầm bảng đứng đường

Ngày 21/08/2015 13:00 PM (GMT+7)

'Việc cầm bảng đứng đường gây ấn tượng cho người qua với góc độ thương cảm, xin – cho chứ không thể hiện được khả năng mình có thể đóng góp được cho tổ chức', anh Phạm Văn Thanh, trưởng phòng Đào tạo, TT dạy nghề giới thiệu việc làm TW Đoàn cho biết.

Không nên đứng đường xin việc

Tại chương trình đào tạo về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong tìm kiếm việc làm và khởi nghiệp do Microsoft, Vietnet-ICT, Trung Ương Đoàn tổ chức ngày 20/8, 150 bạn sinh viên trường CĐ Nghề Công nghiệp Hà Nội đã được các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm đi ứng tuyển. Đặc biệt, tại buổi nói chuyện này, các bạn trẻ được phân tích nên - không nên làm mọi giá để có việc làm như cầm bảng xin việc đứng đường.

Nói về hành động ông bố trẻ cầm bảng xin việc đứng đường gây tranh cãi dư luận thời gian gần đây, anh Phạm Văn Thanh, trưởng phòng Đào tạo, TT dạy nghề giới thiệu việc làm Trung Ương Đoàn cho rằng, thanh niên thì nên tự chủ trong việc tìm việc và chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình. Việc cầm bảng đứng đường gây ấn tượng cho người qua với góc độ thương cảm, xin – cho chứ không thể hiện được khả năng mình có thể đóng góp được cho tổ chức.

Sinh viên thất nghiệp không nên cầm bảng đứng đường - 1

Anh Phạm Văn Thanh chia sẻ kinh nghiệm với sinh viên.

Đồng quan điểm, anh Ngô Hoàng Minh, cán bộ Đào tạo Ứng dụng CNTT trong kỹ năng tìm kiếm việc làm của dự án YTIC khẳng định việc bạn chủ động cầm bảng đứng đường xin việc hoàn toàn là may rủi. Khi làm việc gì đó, bạn phải có mục tiêu, cũng giống như lên taxi, bạn cần có đích đến, chứ không phải chạy lòng vòng, vừa tốn tiền, vừa chẳng đi đến đâu.

Ngoài việc có mục tiêu, bạn còn phải xác định được đúng cách thức/phương tiện để đi đến mục tiêu ấy.

Anh Hoàng Minh cho rằng, bạn thanh niên cầm bảng đứng đường xin việc xác định mục tiêu là đi làm có tiền mua sữa cho con, nhưng cách thức bạn làm trong thời đại công nghệ thông tin thế này thì sẽ không được đánh giá cao. Không có nhà tuyển dụng nào ra đường để tuyển bạn, hầu hết các nhà tuyển dụng hiện tại ở trên… mạng internet rồi.

Thế nên thay vì đứng đường, bạn hãy sử dụng những kỹ năng CNTT của mình, chuẩn bị một CV thật tốt, xây dựng kiến thức chuyên ngành dày, xây dựng hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội tốt đẹp, hiểu công việc mình muốn làm và hiểu nhà tuyển dụng cần gì, thì sẽ tiết kiệm được thời gian và nguồn lực của bạn, đồng thời, cũng chứng minh được khả năng của bạn tốt hơn.

Thất nghiệp vì tự ti

Tại chương trình, anh Hoàng Minh bày tỏ, công việc hiện nay rất nhiều, các nhà tuyển dụng cũng rất cần người, nhưng chỉ tuyển những người phù hợp với yêu cầu và mong muốn của tổ chức.

Có 2 vấn đề mà các bạn cần hiểu rõ để xin được việc:

Thứ nhất là xác định được lợi thế cạnh tranh của mình. Hầu hết các bạn sinh viên bây giờ luôn khép nép nói: “Em còn yếu lắm, em mong được giúp đỡ.” Có bạn ra trường 10 năm rồi mà “vẫn còn yếu lắm”. Ai cũng có điểm mạnh, điểm yếu, nhưng thay vì tự ti với điểm yếu của mình, các bạn nên dành thời gian để phát triển điểm mạnh, khả năng, kỹ năng dựa trên kiến thức nền tảng và hiểu biết cá nhân.

Sinh viên thất nghiệp không nên cầm bảng đứng đường - 2

Một sinh viên được thực hành phỏng vấn với nhà tuyển dụng.

Một tổ chức nào đấy sẽ phù hợp và cần những kỹ năng, điểm mạnh đấy của bạn. Đặc biệt là các bạn sinh viên mới ra trường, các bạn có thể không có kinh nghiệm, nhưng các bạn phải hiểu rõ khả năng và điểm mạnh của mình, trau dồi nó dựa vào công việc, học tập và ứng dụng công nghệ để phát triển khả năng bằng cách tham gia diễn đàn chuyên ngành, hội nhóm, đọc nhiều, tương tác nhiều để tăng cường hiểu biết.

Thứ 2 là bạn phải đặt mình vào góc độ từ nhà tuyển dụng. Khi bạn đặt mình vào vai trò nhà tuyển dụng thì bạn sẽ cần gì ở nhân viên mình, không chỉ là năng lực, sự chăm chỉ, khả năng làm việc độc lập mà còn là khả năng làm việc theo nhóm, phối hợp, đóng góp cho tổ chức. Việc tham gia các hội nhóm, diễn đàn chuyên ngành hoặc theo sở thích cũng hỗ trợ bạn rèn luyện những khả năng này.

Một số tips trong việc ứng dụng CNTT trong tìm kiếm việc làm:

1/ Xây dựng 1 CV tốt bằng cách thể hiện được năng lực, kinh nghiệm, khả năng, kỹ năng, quá trình học vấn của mình qua CV và upload CV lên những trang tuyển dụng lớn tại Việt Nam. Hoặc vào trực tiếp website của các cơ quan có thông tin tuyển dụng, xem xét kỹ thông tin tuyển dụng để có thể xây dựng CV phù hợp cho từng công việc và ứng tuyển.

2/ Chủ động tìm việc bằng cách vào website của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đặc biệt là tổ chức mình muốn làm để tìm kiếm cơ hội.

3/ Đặt tên địa chỉ email chuyên nghiệp và nghiêm túc. Thường bắt đầu bằng tên và chữ viết tắt của họ và tên đệm. Ví dụ Dungtth@ gmail.com thay vì ngoisaocodon hay cobebuongbinh

4/ Xây dựng hình ảnh thông qua trang mạng xã hội cá nhân một cách chuyên nghiệp và lành mạnh, thể hiện thái độ tích cực với cuộc sống và công việc.

Nếu có thể thể hiện được kết quả, kinh nghiệm thực tập, sự tham gia và vai trò của mình trong mỗi vị trí, khả năng học hỏi, sự thích nghi với thay đổi, vượt qua khó khăn, khả năng làm việc độc lập, theo nhóm và sự hỗ trợ đồng nghiệp trong CV hoặc trang mạng xã hội là tốt nhất. Chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ có đầy đủ thông tin về bạn và hiểu xem bạn có phù hợp với vị trí không.

Tào Nga
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự