“Ninh đâu có đi xin tiền, Ninh xin một công việc, mà đi xin việc thì có gì là nhục nhã? Ai mà chả phải đi xin việc".
Xung quanh câu chuyện ông bố 9x Phùng Đức Ninh (quê Lương Tài, Bắc Ninh) cầm bảng đứng giữa đường xin việc để có tiền mua sữa cho con, cộng đồng mạng đã có nhiều quan điểm trái chiều về hành động của ông bố trẻ.
Ninh đã về quê để tránh những điều tiếng về hành động của mình.
Bên cạnh những lời động viên, chia sẻ với hoàn cảnh của tân cử nhân thất nghiệp, một số quan điểm lại cho rằng Ninh đã quá yếu đuối.
Sáng 19/8, liên hệ với Phùng Đức Ninh, ông bố trẻ cho hay mình đã quá mệt mỏi với những lời bình luận không hay về hành động của mình, anh xin không đưa ra ý kiến về những chỉ trích nhắm về phía mình trong những ngày qua. Giải pháp của ông bố 9x là về quê để tránh những điều tiếng.
Ông bố 9x không giấu nổi nỗi tuyệt vọng.
Giọng nói của Ninh ẩn chứa trong đó nỗi tuyệt vọng, khi chúng tôi báo tin vui có doanh nghiệp sẵn sàng giúp đỡ Ninh, anh chần chừ như lo sợ sẽ lại có một cơn mưa gạch đá tiếp tục được ném về phía mình. Ninh nói cần thời gian suy nghĩ lại về những gì xảy ra trong những ngày qua.
Đi xin việc thì có gì là nhục nhã?
Liên quan tới hành động cầm bảng đứng giữa đường xin việc của ông bố 9x, PV đã có buổi trao đổi với Thạc sỹ Tâm lý Đào Lê Hoà An, Ủy viên BCH TƯ Hội Tâm lý họcxã hội Việt Nam.
Thạc sỹ Tâm lý khẳng định: “Hành động cầm bảng đứng giữa đường xin việc của ông bố trẻ Phùng Đức Ninh là việc làm hoàn toàn chính đáng, nhất là khi Ninh đang phải mang trọng trách làm cha và cần tiền để mua sữa cho con gái.”.
“Có nhiều cách thức để chúng ta quảng bá hình ảnh bản thân cho những người tuyển dụng, đây cũng là một cách thức theo tôi là rất sáng tạo để đi xin việc, không có gì là phải xấu hổ hay nhục nhã cho việc làm này. Ninh đâu có đi xin tiền, Ninh xin một công việc, mà đi xin việc thì có gì là nhục nhã? Ai mà chả phải đi xin việc.”
Thạc sỹ Tâm lý Đào Lê Hoà An đưa ra dẫn chứng:”Lấy ví dụ như việc bán hàng, chúng ta phải mang hàng tới chợ, trung tâm mua sắm, những nơi đông dân cư thì mới bán được hàng. Chúng ta cũng phải trưng biển quảng cáo, giới thiệu về sản phẩm của mình. Đó chỉ là một cách thức để các nhà tuyển dụng biết đến mình nhanh hơn”.
Thạc sỹ Tâm lý Đào Lê Hòa An.
Về những lời bình luận không hay của cộng đồng đối với Ninh, Thạc sỹ Đào Lê Hoà An phân tích:
“Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống, trọng tâm trong cuộc sống hãy đặt vào chính bản thân mình, tôi nhắn nhủ với Ninh hãy sống với sở thích và đam mê, với những gì bạn thấy phù hợp với bản thân. Còn những bình luận của cộng đồng, đó là những áp lực được đặt ra trong cuộc sống, nếu Ninh vượt qua được điều đó thì bạn sẽ ngày một trưởng thành hơn. Đối với những lời nhận xét không hay từ cộng đồng, các bạn hãy đặt chân vào chiếc giày của người khác để thấu hiểu và đồng cảm.”
“Tất cả các doanh nghiệp, cửa hàng muốn mọi người biết tới sản phẩm của mình thì đều phải quáng cáo. Việc Ninh cầm bảng đi xin việc cũng tương tự như vậy thôi” - Thạc sỹ Đào Lê Hoà An phân tích thêm.
Trước sự tuyệt vọng của Ninh, Thạc sỹ Hòa An gửi tới ông bố trẻ lời khuyên: “Một mũi tên chỉ được bắn về phía trước nếu nó được kéo ngược về phía sau. Nên khi cuộc sống kéo ngược bạn về phía sau thì hãy nghĩ rằng nó đang khởi động để đưa bạn về phía trước. Hành động của bạn là hoàn toàn chính đáng, hãy làm những gì mình cảm thấy phù hợp với bản thân”.