Gần đây, ngày càng nhiều vụ làm giả sổ đỏ, giả mạo người đi công chứng hợp đồng, giao dịch nhà, đất để chiếm đoạt tiền gây hoang mang dư luận.
Giám đốc làm sổ đỏ giả, chiếm đoạt 18 tỉ đồng
Thị trường bất động sản thời gian qua có nhiều biến động. Giá nhà, đất tăng lên từng ngày tạo ra những cơn sốt đất ở nhiều địa phương. Nhất là dịp cuối năm, thị trường sôi động với hoạt động mua bán diễn ra liên tiếp.
Lợi dụng tình hình đó, nhiều đối tượng đã dùng thủ đoạn làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) để giao dịch, nhằm chiếm đoạt tài sản.
Điều đáng nói là sổ đỏ được làm giả tinh vi đến mức gần như không thể phát hiện ra. Do đó, nhiều người đã trở thành nạn nhân của những phi vụ lừa đảo bạc tỉ.
Gần đây nhất, ngày 25/12, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết vừa bắt tạm giam Phan Đình Tín (Giám đốc Công ty TNHH TĐVT Tín Rin và Công ty TNHH MTV Du lịch Ding Dong) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả tài liệu cơ quan nhà nước.
Sổ đỏ được làm giả tinh vi đến mức gần như không thể phát hiện ra. Ảnh minh họa
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy từ năm 2019-2020, Tín đã làm giả 6 sổ đỏ rồi bán cho người khác để chiếm đoạt 18 tỉ đồng. Tín còn nhận một sổ đỏ của người khác để làm thủ tục sang tên nhưng lại dùng sổ đỏ này đem bán chiếm đoạt 6 tỉ đồng.
Ngày 22/12, Công an huyện Vĩnh Lộc,Thanh Hóa đang hoàn tất hồ sơ để truy tố Phạm Văn Tùng (ngụ huyện Vĩnh Lộc) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Quá trình điều tra xác định Tùng lên mạng xã hội đặt mua một sổ đỏ giả đứng tên mình rồi lừa bán mảnh đất của một người khác với giá 600 triệu đồng.
Trước đó, ngày 17/12, Công an tỉnh Bình Dương cũng đang tạm giữ Phan Thị Kiều Vân, Trịnh Thanh Tâm, Trần Hữu Thành (cùng trú tại Cần Thơ) và Đoàn Văn Huy (trú An Giang) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức.
Tại cơ quan công an, cả nhóm khai nhận từ tháng 9-2020, Vân và Huy đã làm 19 sổ đỏ giả.
Sau đó, cả nhóm giả làm người môi giới mua bán đất, rao bán đất với giá rẻ, yêu cầu người mua đặt cọc rồi chiếm đoạt số tiền này.
Tổng cộng, cả nhóm đã làm hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng đất cho 13 người, chiếm đoạt hơn 12,8 tỉ đồng.
Sổ đỏ giả như thật, "qua mặt" cả công chứng viên
Hiện nay, rất nhiều trang web ngang nhiên quảng bá việc làm giấy tờ giả, trong đó có các loại sổ đỏ, sổ hồng với cam kết giống y như thật, bị phát hiện sẽ không lấy tiền.
Không những thế, các chữ ký, mộc giáp lai, tem phản quang chống hàng giả đều ký tay, đóng mộc thật, dán tem thật vô cùng tinh vi.
Cùng với việc làm sổ đỏ giả, các đối tượng còn làm giả luôn các giấy tờ liên quan như chứng minh thư, sổ hộ khẩu, trích lục bản đồ… để tránh bị phát hiện.
Sổ đỏ giả được làm từ phôi thật qua mặt được cả công chứng viên và có thể đẩy cả chủ đất và người mua vào thế dở khóc dở cười.
Hiện đang có hai dạng sổ đỏ giả phổ biến. Thứ nhất là sổ đỏ làm từ phôi thật do Bộ TN&MT cấp cho các địa phương.
Thứ hai là giấy giả hoàn toàn nhưng cũng tinh vi đến mức bằng mắt thường rất khó phát hiện. Nhiều trường hợp sổ đỏ phôi thật nhưng từ nội dung đến chữ ký trên đó đều là giả.
Những người làm giấy giả thường đóng vai cò đất hoặc người mua đi tìm nhà, đất để đầu tư.
Khi trao đổi với chủ đất thật, các đối tượng xin chụp, photo giấy tờ rồi lấy các thông tin có trên giấy thật như chứng minh nhân dân, hộ khẩu… in lên giấy giả. Sau đó, các đối tượng đem giấy giả này tráo đổi với giấy thật.
Ngoài ra, các đối tượng còn dựa vào thông tin đăng trên các website mua bán BĐS để làm giấy giả. Thậm chí, họ có thể dùng chính giấy giả để giao dịch mà không cần hoán đổi với giấy thật.
Trước tình trạng trên, cơ quan chức năng cảnh báo để thực hiện mua bán nhà, đất, người dân nên nộp hồ sơ mua bán tại các cơ quan có thẩm quyền để xác minh hiện trạng nhà, đất, tính chính xác của giấy chứng nhận trước khi giao tiền.
Ngoài ra, người dân có thể đến tổ chức hành nghề công chứng hoặc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện nơi thửa đất tọa lạc để kiểm tra về thông tin chủ đất, tình trạng đất có thế chấp, tranh chấp hay không…