Tất cả những hành khách và người từng tiếp xúc với hành khách trên chuyến bay QR 970 cần lập tức liên hệ với cơ quan y tế gần nhất.
TP.HCM tìm khẩn cấp hành khách trên chuyến bay QR 970
Sở Y tế TP.HCM vừa phát thông báo khẩn liên quan tới chuyến bay QR 970 (bay ngày 10/3). Theo đó, cơ quan chức năng xác định có 1 trường hợp nguy cơ cao nhiễm Covid-19 tại TP.HCM, đã đi trên chuyến bay QR 970 của hãng Qatar Airways ngày 10/3, từ Doha (Qatar) về TP.HCM.
Nhằm đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 để bảo vệ sức khỏe cho từng cá nhân và cộng đồng, cơ quan chức năng TP.HCM kêu gọi những hành khách đã đi trên chuyến bay nói trên lập tức liên hệ với cơ quan y tế địa phương gần nhất để được kiểm tra sức khỏe và hướng dẫn phòng ngừa lây nhiễm.
Ngoài ra, Sở Y tế TP.HCM cũng đề nghị tất cả những người có thể đã tiếp xúc với hành khách từng đi chuyến bay QR 970 của hãng Qatar Airways ngày 10/3, từ Doha về TP.HCM, liên hệ với cơ quan y tế địa phương gần nhất.
Mọi thông tin cần thông báo liên quan những trường hợp nêu trên, người dân có thể liên hệ đường dây nóng ngành y tế TP.HCM: 0869577133.
Ý: Số ca tử vong cao kỷ lục; nhận đáp lễ từ Trung Quốc
Tổng ca nhiễm ở Ý đã vượt mốc 17.660. Sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố châu Âu là "tâm chấn" mới của đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã gửi 31 tấn vật tư y tế đến Rome, cùng với các chuyên gia chống COVID-19 từ tâm dịch Vũ Hán.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Ý đang trong tình trạng căng thẳng do dịch bệnh bùng phát và đất nước bị phong tỏa. Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc, Yang Huichuan, người đứng đầu nhóm 9 chuyên gia đến Ý, cho biết các thiết bị y tế gửi đến Rome bao gồm thiết bị cho các đơn vị chăm sóc đặc biệt.
Một nhân viên đang khử trong trạm đường sắt ở Milan – Ý. Ảnh: DPA
Ông Yang cho hay Ý đã gửi viện trợ cho Trung Quốc khi nước này đang đối phó với dịch bệnh COVID-19, vì vậy Bắc Kinh muốn trả lại khoản viện trợ đã nhận được từ Rome cách đây không lâu.
Tây Ban Nha: Hơn 1.000 ca nhiễm COVID-19 trong một ngày, tuyên bố tình trạng khẩn cấp
Ông Pedro Sanchez cho biết, việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp sẽ giúp chính quyền thực hiện thêm các biện pháp mạnh mẽ trên quy mô lớn để chống COVID-19.
“Chính phủ Tây Ban Nha sẽ bảo vệ tất cả các công dân của mình và đảm bảo các biện pháp thích hợp để ngăn chặn đại dịch với ít sự bất tiện cho người dân nhất có thể”, ông Sanchez phát biểu.
Cùng với việc ban bố tình trạng khẩn cấp, chính phủ Tây Ban Nha cũng cho đóng cửa tất cả trường học, rạp chiếu phim, khu vui chơi… trên phạm vi cả nước.
Tây Ban Nha có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ 2 châu Âu, sau Italia. Tính đến đêm ngày 13.3 giờ Việt Nam, Tây Ban Nha đã ghi nhận 4.209 ca nhiễm COVID-19, tăng hơn 1.000 trường hợp so với ngày 12.3; trong đó, có ít nhất 120 người tử vong.
Ông Sanchez cho biết, số ca nhiễm COVID-19 tại Tây Ban Nha có thể tăng gấp đôi, lên tới 10.000 trường hợp vào đầu tuần tới. Thủ tướng Tây Ban Nha cũng kêu gọi người dân thực hiện trách nhiệm với đất nước và tự tin sẽ chiến thắng dịch bệnh.
Thủ đô Madrid – trung tâm tài chính và hành chính của Tây Ban Nha, đã bắt đầu phong tỏa 4 thị trấn gồm Igualada, Vilanova del Cami, Santa Margarida de Montbui và Oneda. Tại các khu vực khác của Madrid, tất cả nhà hàng, quán bar… đều bị đóng cửa, chỉ siêu thị và hiệu thuốc được phép kinh doanh.
Ngày 13.3, trong bài phát biểu mới nhất của mình, Tổng giám đốc WHO – ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết, châu Âu hiện đã là tâm điểm dịch COVID-19 của thế giới.
Iran: Phong tỏa cả nước để kiểm tra virus COVID-19 toàn dân
Từ khi ca tử vong đầu tiên vì nhiễm virus COVID-19 được ghi nhận ở Iran vào tháng trước, chính phủ nước này đã đóng cửa tất cả trường học, hoãn các sự kiện và hủy bỏ các buổi cầu nguyện vào thứ 6 hằng tuần.
Mặc dù nhiều biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 được áp dụng, nhưng số ca tử vong và nhiễm mới ở Iran vẫn tiếp tục tăng nhanh. Cho đến nay, Iran đã ghi nhận 500 ca tử vong vì COVID-19 và hơn 11.000 người nhiễm bệnh.
Lính cứu hỏa phun thuốc khử trùng trên đường phố ở Tehran, Iran.
Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei ngày 12.3 đã ra lệnh cho quân đội tham gia cuộc chiến chống lại dịch COVID-19.
Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Iran, Tướng Mohammad Bagheri ngày 13.3 tổ chức một cuộc họp cùng các quan chức cấp cao khác của Iran. Cuộc họp đã đưa ra quyết định phong tỏa các cửa hàng và đường phố trên toàn quốc trong vòng 24 giờ tới.
“Trong 10 ngày tới, toàn bộ người dân Iran sẽ được giám sát qua không gian mạng, điện thoại và liên hệ trực tiếp nếu cần thiết. Những người bị nghi nhiễm bệnh sẽ được xác định đầy đủ”, ông Bagheri nói.
Thông tin về lệnh phong tỏa được đưa ra khi Iran ghi nhận thêm 85 ca tử vong do virus COVID-19 chỉ trong vòng 24 giờ. Đây là tỷ lệ tử vong trong một ngày cao nhất ở nước này.
Philippines: Trung tâm thủ đô bị phong tỏa, hơn 2 triệu người vẫn vào ra mỗi ngày
“Lệnh phong tỏa sẽ không áp dụng với những người lao động sống ở vùng ngoại thành của Manila, nếu họ chứng minh được bản thân đang làm việc ở nội đô. Những công chức làm việc tại chính quyền địa phương cũng sẽ không bị hạn chế bởi lệnh phong tỏa”, ông Eduardo Ano, Bộ trưởng Nội vụ Philippines cho hay.
Theo thống kê, thông báo của ông Eduardo Ano đã “mở đường” cho hơn 2 triệu người ra vào khu vực phong tỏa mỗi ngày. Họ đều là người dân sống ở ngoại thành nhưng làm việc và học tập trong vùng nội đô Manila.
“Chủ các doanh nghiệp và các quan chức thuộc chính phủ cũng sẽ được miễn thực hiện lệnh phong tỏa. Những trường hợp cụ thể được miễn sẽ được công bố tại một bản thông báo trong thời gian tới”, ông Ano cho biết.
Theo tuyên bố của Tổng thống Rodrigo Duterte, lệnh phong tỏa nội đô Manila sẽ được thực hiện ở cả đất liền, trên biển và trên không. Đây là biện pháp mạnh mẽ nhất từ chính phủ Philippines nhằm đối phó với COVID-19.
Người dân Philippines sử dụng tàu điện ngầm trong dịch COVID-19 (ảnh: SCMP)
Tiến sĩ Anthony Leachon, cựu Hiệu trưởng của Đại học Y Philippines cho biết, lệnh phong tỏa của Philippines dường như được thực hiện một cách “nửa vời”.
Ông Anthony Leachon cho rằng, một lệnh phong tỏa thành công “phải được thực hiện cho tất cả hoặc không ai hết”.
“Tôi nghĩ rằng ông Rodrigo Duterte có ý định muốn phong tỏa tuyệt đối khu vực nội đô Manila, tuy nhiên, những quan chức khác thuộc nội các có vẻ chưa sẵn sàng. Họ có thể đối mặt với sự phàn nàn của người dân”, ông Leachon nói.
Bà Risa Hontiveros, thượng nghị sĩ Philippines cho rằng, còn có rất nhiều vấn đề của lệnh phong tỏa cần được làm rõ. Bà Risa Hontiveros cũng yêu cầu các ban ngành liên quan cần có hướng dẫn cụ thể về lệnh phong tỏa nội đô Manila.
“Người dân Philippines đang rất mong đợi một kế hoạch hiệu quả từ phía chính phủ. Họ cần được chính phủ lãnh đạo để đưa chúng ta ra khỏi đại dịch COVID-19”, bà Hontiveros cho biết.
Trong buổi họp báo về lệnh phong tỏa, ông Nograles – Bộ trưởng Nội các Philippines cũng tránh dùng từ phong tỏa mà gọi biện pháp của Tổng thống đưa ra là “cách ly cộng đồng”.