Hôm nay (ngày 22 tháng Chạp), nhiều người từ già, trẻ đến các nam thanh, nữ tú đều nô nức đi thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo về trời.
Chiều ngày 16/1, ghi nhận trên địa bàn Hà Nội cho thấy rất nhiều gia đình đã làm lễ cúng ông Công ông Táo. Trong nghi lễ này không thể thiếu được công đoạn thả cá chép tại các sông, hồ. Tại khu vực sông Hồng, hồ Hoàng Cầu, Hồ Tây… rất nhiều người mang cá ra đây để thả phóng sinh.
Đa số mọi người đều thả cá chép đỏ, một số ít vẫn thả cá chép đen. Trên cầu Long Biên xuất hiện một nhóm các bạn trẻ là tình nguyện viên chuẩn bị sẵn dây thừng và xô chậu để hỗ trợ người dân thả cả. Việc làm này để tránh tình trạng người dân đứng từ trên cầu thả xuống, đồng thời cũng để hạn chế túi nilon thải ra môi trường.
Nam thanh niên đi xuống bờ sông Hồng, tự tay thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo về trời.
Tuy nhiên, có không ít người vì muốn được tận tay thả cá chép tiễn ông Công ông Táo về trời nên họ không ngại đi bộ một đoạn dài để xuống tận bờ sông thả cá chép. “Tôi nghĩ rằng mình đi thả phóng sinh và để các ông về trời thì phải tự tay mình thả mới linh nghiệm, chứ đứng từ trên cầu thả xuống thì vô nghĩa”, nam thanh niên này cho hay.
Còn tại khu vực hồ Tây, cuối giờ chiều ngày 16/1, số lượng người thả cá chép tới ngày một nhiều. Trong số các gia đình đi thả cá chép, nhiều người còn mang cả trẻ nhỏ đi cùng. Họ cho rằng đây là dịp để giáo dục con cháu về nét đẹp tín ngưỡng của người Việt Nam.
Ngoài thả cá chép, nhiều người còn mang cả ốc ra hồ Tây thả phóng sinh.
Anh Nam (ở Yên Phụ) cho biết, năm nào anh cũng ra Hồ Tây thả cá trước một ngày (tức 22 tháng Chạp), phần vì công việc buổi sáng ngày 23 của anh bận rộn, phần vì anh nghĩ “trần sao” âm vậy nên đi thả cá trước. “Tôi nghĩ dưới trần có tắc đường thì lên trời cũng tắc. Ai cũng thả vào ngày 23 tháng Chạp, các Táo quân lên cùng ngày đông quá sẽ tắc đường là chắc chắn”, anh Nam chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi, nhà sư Thích Tịnh Giác, ở chùa Phúc Sơn (thôn Kim Sơn, xã Kim Sơn, Gia Lâm, Hà Nội) cho biết việc người dân cúng ông Công, ông Táo vào ngày 22 tháng Chạp không ảnh hưởng gì, điều quan trọng nhất là sự thành tâm.
Sư thầy Thích Tịnh Giác hướng dẫn các bạn trẻ thả phóng sinh cá chép.
Còn với việc phóng sinh ốc, lươn, chạch sư thầy Thích Tịnh Giác cho rằng, đó là điều rất tốt nên khuyến khích làm. “Các sinh vật như lươn, ốc bị bắt và sát hại hàng ngày nên cần phải cứu và phóng sinh. Còn cá chép đỏ đa số là dạng cá cảnh nên ít bị bắt hơn. Tất nhiên càng phóng sinh được nhiều càng tốt”, sư thầy Thích Tịnh Giác nói.
Một số hình ảnh ghi nhận trong ngày 22 tháng Chạp:
Chiều ngày 16/1, rất đông người dân ra cầu Long Biên thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo về trời.
Tại khu vực Hồ Tây nhiều bạn trẻ cũng đi thả cá từ rất sớm.
Một số người mang cá ra cầu Long Biên nhờ các tình nguyện viên thả.
Nhiều người cao tuổi dẫn theo cả cháu nhỏ đi thả cá để giáo dục về nét đẹp văn hóa lâu đời trong ngày 23 tháng Chạp.
Những em bé chăm chú nhìn các tình nguyện viên thả cá chép từ trên cầu xuống.
Hiện một số người dân đi thả cá đã có ý thức không vứt túi nilon ra môi trường.
Nhiều người cẩn thận nâng niu từng con cá chép thả xuống hồ.
Tại cầu Long Biên cá chép được đưa vào xô, sau đó nhanh chóng được thả dây xuống sông Hồng.
Một nam thanh niên nước ngoài thích thú tham gia trải nghiệm vào việc thả cá chép.
Dù số lượng cá thả chưa nhiều nhưng đã xảy ra tình trạng chết nổi trên mặt nước.