Phát hiện thịt bò cao su ở Sài Gòn, thu hồi hàng loạt sữa nhiễm khuẩn,... là những thông tin liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm gây chấn động dư luận trong tuần vừa qua.
Phát hiện thịt bò cao su ở Sài Gòn
Khi mua bò kho ở quán về ăn, nhai miếng thịt bò thấy có dấu hiệu bất thường, chị Hàn Thu Hiền, ngụ tại đường Pasteur (Q.3, TP.HCM) cùng chồng kiểm tra thì phát hiện thịt bò giống cao su.Theo phản ánh của chị Hiền, chị mua bò kho tại một quán ăn nằm trên đường số 39, gần khúc giao với đường Lâm Văn Bền, Q.7.
Miếng “thịt bò” với những thớ thịt đều, thẳng tắp.
Miếng thịt dễ dàng bắt lửa mặc dù đang ướt sũng.
Nhìn bề ngoài, những miếng thịt bò trong tô không có gì bất thường, chỉ đến khi đưa vào miệng nhai mới phát hiện thịt dai, những sợi thịt có thể kéo dài như dây thun.
Chồng chị Hiền dùng lửa kiểm tra, miếng thịt bắt lửa nhanh chóng và có mùi khét, cùng với muội than rơi xuống giống hệt như khi đốt cao su hay nhựa ni lông. “Nếu là lát bò mỏng có lẽ tôi đã nhai và nuốt mà không phát hiện, đằng này miếng bò kho lớn hơn hẳn, nên hai vợ chồng không dám ăn”.
Cú sốc mang tên sữa nhiễm khuẩn từ New Zealand
Tuần qua, dư luận dành sự quan tâm đặc biệt đến việc sản phẩm sữa của tập đoàn Fonterra, nhà sản xuất sữa lớn nhất New Zealand và là nhà xuất khẩu sữa lớn nhất thế giới, bị nhiễm khuẩn.
Một danh sách các nước đã nhập khẩu nguyên liệu sữa nhiễm khuẩn được Fonterra công bố. Các hãng sữa ở nhiều nước đã tiến hành thu hồi sản phẩm, một số dù có hay không có tên trong danh sách trên đã ngừng nhập khẩu các sản phẩm sữa của New Zealand.
10 lô sữa Similac Gainplus IQ bị thu hồi
Một lần nữa vấn đề an toàn chất lượng sữa lại được gióng lên sau vụ bê bối "sữa bẩn" ở Trung Quốc năm 2008. Ngay sau đó, tại Việt Nam, hàng loạt các thương hiệu sữa được các bà mẹ tin dùng cũng dính nghi vẫn nhiễm khuẩn phải thu hồi. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã thông báo tới các văn phòng đại diễn của những hãng sữa lớn nhật khẩu vào Việt Nam về việc thu hồi những sản phẩm nghi nhiễm khuẩn. Ngay sau đó Dumex ở VN đã tiến hành ngay việc dừng lưu hành và thu hồi sản phẩm Dumex Gold bước 2 cho trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi loại 800g với số lô 300513R1 do Công ty Danone Dumex (Malaysia) sản xuất ngày 30/5/2013.
Tiếp đến, Văn phòng đại diện Abbott Laboratories S.A tại VN cũng tiến hành thu hồi các nhãn sữa nằm trong diện nghi vẫn nhiễm khuẩn. Đến ngày 6/8, Abbott đã tiến hành thu hồi được 11.653 thùng sữa Similac GainPlus Eye-Q 400g và 900g có thể bị nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinumtrên thị trường.
Công ty sữa Nutricia, thuộc tập đoàn thực phẩm Danone của Pháp cũng phải tuyên bố thu hồi toàn bộ sản phẩm Karicare trên thị trường New Zealand do có nguy cơ nhiễm vi khuẩn trên.
Ép hoa quả chín đẹp bằng hóa chất ăn mòn kim loại
Vào hồi 13h30' ngày 4/8, tổ công tác thuộc Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường, Công an TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình bắt quả tang một đối tượng tàng trữ và buôn bán thuốc hóa chất kích thích hoa quả có nguồn gốc từ Trung Quốc tại cửa hàng.
Đó là bà Nguyễn Thị Thắm, 55 tuổi, trú tại tổ 24, phường Phương Lâm, TP Hòa Bình.
Tại cơ quan Công an, bà Nguyễn Thị Thắm khai nhận, trước đó mấy ngày có người đến đặt hàng bà loại thuốc trên, do trước đây bà đã từng bán nên xuống khu vực chợ Hà Đông và tìm mua cho người đặt hàng. Bà mua ở đầu mối bán với giá hơn 20.000 đồng một hộp và bán lại cho người đặt hàng với giá 30.000 đồng mỗi hộp.
Qua xem xét trên vỏ hộp thuốc thấy ghi nhãn hiệu bằng chữ Việt Nam là "Hoa quả thúc chín tố" do Công ty hóa chất Thượng Hải sản xuất. Trên bao bì có ghi hướng dẫn sử dụng như: để thúc chín hồng, quả xanh sau khi hái về dùng 1 ống pha 2 lít nước, đem nhúng ướt hoặc phun đều, sẽ có tác dụng chín và tẩy chát. Đặc biệt là dòng chữ cảnh báo: Loại thuốc này có khả năng ăn mòn kim loại, có chất kích thích đối với mắt và da, nên chú ý ngăn tránh tiếp xúc trực tiếp với thuốc.
Như vậy việc sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, xuất xứ để phun, ngâm hoa quả xanh kích thích nhanh chín chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.
7,7% thịt gà nhiễm vi sinh vật và kháng sinh cấm
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Bộ NN-PTNT cho hay, chương trình giám sát ô nhiễm vi sinh vật, thuốc thú y và hóa chất trong thịt gia súc, gia cầm kết quả đợt 1 đã phát hiện 3/39 mẫu thịt gà nhiễm vi sinh vật gây bệnh Campylobacter. Tỷ lệ này chiếm chiếm 7,7% số mẫu được kiểm tra.
Nhiều mẫu thịt gà bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh (Ảnh minh họa: Dân Việt)
Đối với các loại thịt gia súc, gia cầm khác, ông Tiệp cho hay, đã phát hiện 4/40 mẫu nhiễm Furazolidon (chiếm 10%). 4/40 mẫu phát hiện Tetracycline vượt giới hạn dư lượng tối đa cho phép (chiếm 10%) và 2/40 mẫu nhiễm kháng sinh cấm Chloramphenicol, đều là những chất kháng sinh cấm sử dụng trong chăn nuôi.
Ngoài ra, tại Đồng Nai, trong thời gian gần đây, qua kiểm tra, Sở NN&PTNT Đồng Nai cho hay, ở khâu giết mổ thì ít phát hiện các mẫu thịt bị nhiễm khuẩn ở các cơ sở giết mổ hiện đại đầy đủ phương tiện, máy móc. Tuy nhiên, ở các cơ sở giết mổ nhỏ là thì tất cả các mẫu thịt đem đi kiểm tra đều bị nhiễm vi sinh.
Đặc biệt, tất cả các mẫu thịt kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh đều nhiễm vi sinh cho thấy cách vận chuyển, bảo quản, tiêu thụ thịt không đảm bảo yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mưa ngập, thực phẩm hò hét tăng giá
Tuần qua, tại Hà Nội, giá thực phẩm, đặc biệt là rau củ tăng giá mạnh từ 2-3 lần do ảnh hưởng của 2 cơn bão liên tiếp.
Một ngày trước khi cơn bão số 5 đổ bộ vào một số tỉnh miền Bắc, giá rau củ quả tại các chợ trên địa bàn Hà Nội đồng loạt tăng giá gấp đôi, gấp ba lần ngày thường. Cụ thể, rau muống tăng từ 4.000 đồng lên 10.000 đồng/mớ, rau mồng tơi từ 3.000 đồng lên 7.000 đồng/mớ, rau dền từ 2.000 đồng lên 6.000 đồng/mớ, rau cải từ 3.000 lên 7.000 đồng/mớ... Không những giá tăng gấp đôi, gấp ba mà nông dân còn giảm bớt lượng rau, nhiều bó chỉ bằng 2/3 so với ngày thường.
Mưa bão liên tiếp, rau xanh thi nhau đội giá gấp 3-5 lần so với bình thường
Bên cạnh đó, giá các loại củ quả cũng tăng cao: Bí đao, bí đỏ tăng giá gấp đôi lên 20.000 đồng/quả loại nhỏ, cà chua giá từ 15.000 đồng lên 20.000 đồng/kg, su su từ 9.000 đồng lên 15.000 đồng/kg... Điều đáng nói là sau bão, giá các mặt hàng này hầu như không giảm nếu có cũng không đáng kể.
Sau khi cơn bão số 5 vừa tan, cơn bão số 6 xuất hiện và kịch bản đồng loạt tăng giá tại các chợ Hà Nội lại được lặp lại. Vào thời điểm trước và trong bão, mặt hàng rau xanh, củ quả tại các chợ dân sinh lại rơi vào tình trạng khan hiếm. Sáng 8/8, khi đến nhiều chợ dân sinh, chợ cóc, không ít người dân đã rất ngỡ ngàng khi toàn bộ số rau xanh đã được tiêu thụ gần hết chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ.
Không chỉ ra xanh, giá thực phẩm tại các chợ cũng tăng nhẹ. Cụ thể, thịt lợn tăng nhẹ từ 5.000- 10.000 đồng/kg. Trong đó, thịt ba chỉ giá 90.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; thịt mông loại 1 giá 100.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg. Ngoài ra, thịt bò và cá tươi cũng tăng nhẹ từ 15.000 -20.000 đồng/kg. Giá trứng tăng thêm 1.000-3.000 đồng/chục.