Trong khi nhiều bố mẹ phải gửi con vì sợ mắc sốt xuất huyết, thì cũng có không ít người còn thờ ơ, nghĩ rằng mình mắc rồi sẽ không mắc lại.
Gia tăng bệnh nhân sốt xuất huyết bị biến chứng nguy hiểm
Theo thông tin mới nhất chúng tôi vừa nhận được, tính đến thời điểm này Hà Nội đã ghi nhận 6135 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Trong đó, có 3 trường hợp đã tử vong.
Điều đáng nói là, trong số những trường hợp tử vong đều có những biến chứng nguy hiểm, đó là sốc nhiếm khuẩn, viêm phổi, suy gan...
Điển hình như trường hợp nam bệnh nhân 51 tuổi ở Ba Đình, Hà Nội tử vong khi gia đình đưa đến viện cấp cứu. Qua chụp phim cho thấy, bệnh nhân có ổ xuất huyết não rất lớn, kèm theo đó là toàn bộ gan đã bị phá hủy hoàn toàn.
Bác sỹ đang thăm khám cho một trường hợp bệnh nhân nặng.
PGS.TS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết năm nay dịch ở Hà Nội phức tạp và nhiều bệnh nhân nặng. So với mọi năm, bệnh nhân tử vong do xuất huyết nội tạng, xuất huyết não là vấn đề rất lớn và bất thường.
Những năm trước bệnh viện chỉ ghi nhận 1 – 2 ca tử vong liên quan đến xuất huyết não, thì năm nay đã có 5 bệnh nhân tử vong do biến chứng này.
TS.BS Đoàn Thu Trà, Phó Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sốt xuất huyết năm nay có điều bất thường, nhiều bệnh nhân tổn thương thận và tổn thương gan, xét nghiệm có creatinin máu tăng và men gan tăng.
Tiến sỹ Trà đang thăm khám cho một bệnh nhân điều trị tại khoa Truyền nhiễm.
Lấy ví dụ điển hình là một bệnh nhân 85 tuổi, ở Thanh Hóa ra Hà Nội chơi với con, sau đó mắc sốt xuất huyết. TS Trà cho biết, ban đầu bệnh nhân này sốt cao liên tục, xét nghiệm men gan lúc đó trên 600 IU/L (gấp hơn 15 lần so với bình thường) và tiểu cầu cũng hạ thấp, chỉ còn 19 G/L.
Tuy nhiên, với sự theo dõi chặt chẽ và điều trị khẩn trương ngay từ đầu nên người bệnh đã ổn định và được ra viện, không phải truyền khối tiểu cầu và chức năng gan cũng đã trở về bình thường.
Người lo lắng, kẻ thờ ơ với sốt xuất huyết
Ghi nhận của phóng viên tại một số khu vực "nóng" về sốt xuất huyết ở Hà Nội cho thấy, đa số mọi người lo lắng trước những diễn biến phức tạp của bệnh. Tuy nhiên, vẫn một bộ phận nhỏ lại tỏ thái độ thờ ơ, chủ quan với dịch bệnh.
Theo đó, tại ngõ 22, phố Lương Khánh Thiện (Hoàng Mai – Hà Nội), nơi vừa bị “cơn bão” sốt xuất huyết tràn qua. Ông Hà Văn Thạo (tổ trưởng tổ dân phố 63, phường Tương Mai) cho biết, ngõ 22 phố Lương Khánh Thiện nơi gia đình ông đang sinh sống có nhiều trường hợp bị sốt xuất huyết.
“Chính gia đình tôi có 3 người vừa mắc sốt xuất huyết xong. Đầu tiên là cháu nội, sau đó đến con dâu, và kế tiếp là con trai tôi. Ngoài nhà tôi, còn nhiều nhà nữa cũng có người mắc, nhà nào ít thì 2 người, có nhà thì cả gia đình mắc. Có thời điểm cả khu phố nháo nhác, lo lắng vì sốt xuất huyết", ông Thạo nói.
Ông Thạo cho biết chính nhà ông cũng có 3 người mắc sốt xuất huyết.
Được biết, sau khi sốt xuất huyết tràn qua khu phố, chính quyền địa phương đã tăng cường máy phun hóa chất diệt muỗi về để dập dịch, đồng thời tuyên truyền từng hộ dân về cách diệt muỗi loăng quăng, bọ gậy. “Đến thời điểm này, tình hình bệnh sốt xuất huyết ở tổ dân phố 63 cơ bản đã được khống chế”, ông Thạo cho biết thêm.
Rời khu vực Hoàng Mai, chúng tôi tìm đến một số điểm công trường xây dựng và các trường đại học. Tại đây, khi hỏi về dịch sốt xuất huyết, nhiều người tỏ ra ngỡ ngàng vì bây giờ mới biết thông tin.
Những khu vực nhà trọ, nhà tạm là ổ chứa muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.
“Hà Nội đang có dịch à, thế mà tôi chẳng biết gì. Lát phải chạy ra mua màn về tối ngủ ngay mới được”, đó là chia sẻ của anh Công, đang làm công trình xây dựng đầu đường ngay Kim Mã.
Theo anh Công, do đặc thù công việc phải ngủ lều, ngủ lán nóng nực, nên anh thường xuyên cởi trần và không mắc màn. Đến thời điểm này, anh cũng như những đồng nghiệp cùng công trường vẫn không hề hấn gì.
Khu vực ký túc xá các trường đại học nếu không phòng dịch tốt, sốt xuất huyết rất dễ bùng phát.
Còn tại khu vực trường Đại học Giao thông vận tải, khi được hỏi các bạn sinh viên ở đây đều tỏ thái độ thờ ơ. “Năm ngoái em bị rồi, nên sẽ không bị nữa đâu. Chỉ những ai chưa bị mới lo thôi”, đó là câu trả lời của bạn Huy Hoàng (sinh viên năm 3, trường ĐH Giao thông vận tải).
Sẽ phạt nặng nếu không phòng chống dịch
Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Nhật Cảm – GĐ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, việc các công trường xây dựng, các khu nhà trọ và sinh viên là vô cùng nhức nhối và khó khăn trong việc phòng chống sốt xuất huyết hiện nay.
Lý giải về vấn đề này TS Cảm cho rằng, tại các công trường xây dựng việc vệ sinh nơi ở rất khó, vì đặc thù công việc của họ nay chỗ này, mai chỗ khác.
Còn tại các khu trọ và sinh viên cũng vậy, do điều kiện sống còn thấp, nên việc giữ vệ sinh, thực hiện phòng chống sốt xuất huyết theo đúng khuyến cáo của ngành y tế còn hạn chế.
TS Cảm chia sẻ với phóng viên về giải pháp ngăn chặn sốt xuất huyết ở Hà Nội.
Để giải quyết vấn đề này, TS Cảm thẳng thắn nói: “Chúng tôi sẽ tiến hành xử phạt hành chính những công trình xây dựng, khu nhà trọ không thực hiện quy định về phòng chống dịch".