Trung Quốc sẽ phải hứng chịu tổn hại về mặt ngoại giao vì những hành động ở biển Đông
Hành vi hiện tại của Trung Quốc với các nước láng giềng trên biển Đông là hung hăng, ngạo mạn, đồng thời là biểu hiện của chủ nghĩa Đại Hán và vị chủng. Đó là chỉ trích của phóng viên kỳ cựu Philip Bowring trong bài viết có tựa đề “Sự ngạo mạn nguy hiểm của Trung Quốc ở biển Đông” đăng trên báoSouth China Morning Post hôm 18-5.
Theo tác giả, những điều này lại được giới cầm quyền Bắc Kinh xem như biểu hiện của cái gọi là niềm tự hào quốc gia hoặc lòng yêu nước. Tuy nhiên, đằng sau những gì đang diễn ra là một mưu đồ nguy hiểm.
Trung Quốc không chỉ nhăm nhe bành trướng đến lãnh thổ Việt Nam và Philippines mà còn “không tha” cả Indonesia. Gần đây, Jakarta đã tố cáo “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc “gặm” cả vào một vùng lãnh thổ Indonesia gần quần đảo Natuna.
Tương tự, báo The Sydney Morning Herald của Úc cho rằng việc đưa giàn khoan dầu và tàu quân sự vào vùng biển Việt Nam của Trung Quốc là “hành động khiêu khích và làm leo thang căng thẳng khu vực một cách nguy hiểm”.
Cũng như việc Bắc Kinh đơn phương tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, các nhà phân tích cho rằng các động thái gần đây của Trung Quốc phù hợp với ý đồ đẩy mạnh việc đánh giá phản ứng của các nước láng giềng trong cuộc đấu lâu dài nhằm kiểm soát biển Đông.
Tàu và giàn khoan Trung Quốc hoạt động trái phép ở vùng biển của Việt Nam. Ảnh: Reuters
Bài báo dẫn lời giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về biển Đông tại Học viện Quốc phòng Úc, cho rằng hành động của Trung Quốc nhiều khả năng khiến các quốc gia Đông Nam Á đang có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông thêm lo ngại.
Do vậy, các nước này sẽ tìm cách tăng cường năng lực hàng hải của mình, đồng thời tìm kiếm sự tái cam kết ủng hộ từ Mỹ cũng như các cường quốc biển khác như Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Mặt khác, ông Thayer cảnh báo Trung Quốc sẽ phải hứng chịu tổn hại về mặt ngoại giao vì những hành động ở biển Đông.
Trong khi đó, hạ nghị sĩ Mỹ Jason Chaffetz vừa ra tuyên bố chỉ trích Trung Quốc gây ra tình trạng căng thẳng leo thang ở biển Đông bằng cách đơn phương hạ đặt giàn khoan dầu trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở biển Đông.
Theo ông Chaffetz, vụ việc trên là mới nhất trong “một loạt các hành động của Bắc Kinh đã gây ra cảm giác bất an ngày càng tăng trong khu vực”. Ông Chaffetz nhấn mạnh: “Từ các chuyến thăm gần đây tới khu vực này, tôi biết rằng người dân Việt Nam có chung ước nguyện căn bản nhất như các dân tộc khác, đó là chung sống hòa bình và thịnh vượng, với sự tôn trọng của các nước láng giềng”.
Trả lời phỏng vấn TTXVN tại Geneva, bà Anjuska Weil, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Đảng Lao động Thụy Sĩ, khẳng định những tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền ở biển Đông hoàn toàn trái luật pháp quốc tế. Hành động đặt giàn khoan dầu khí của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thể hiện thái độ lạm quyền của Trung Quốc.
Cộng đồng quốc tế cần lên tiếng rõ ràng rằng Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động bất hợp pháp của họ đối với tất cả các quốc gia láng giềng, cùng hợp tác vì hòa bình và ổn định ở biển Đông.