Đã có hàng trăm những lời đồn đại về “ngôi nhà ma” 300 Kim Mã trong suốt những năm 90 của thế kỷ trước và cho đến tận bây giờ, những điều kỳ bí ấy vẫn được truyền tai nhau trong dư luận.
Đã có rất nhiều câu chuyện và lời đồn xung quanh "ngôi nhà ma" 300 Kim Mã, đó là những lời đồn ma mị về những linh hồn oan khuất, đó là những lời đồn về tai nạn khi xây dựng ngôi nhà và cả những lời đồn về khu nghĩa trang trẻ em... Tất cả đã được thêu dệt lên thành những câu chuyện kinh dị và cho rằng đó chính là nguyên nhân không ai dám đến, dám ở và dám thuê lại ngôi nhà dù rằng đó là "khu đất vàng" của Thủ đô. Vậy những câu chuyện trên có đúng hay không, liệu đó có thật sự là "ngôi nhà ma" kỳ bí... tất cả sẽ có trong loạt bài dưới đây qua những chia sẻ của các chiến sĩ ngày nào xây dựng ngôi nhà, những chia sẻ của người chỉ huy công trình và thậm chí là cả người lính bảo vệ ngôi nhà trong suốt 10 năm trời... Kỳ 1: Sự thật “ngôi nhà ma” Kim Mã: Những lời đồn xuyên thế kỷ |
Những lời đồn “bí ẩn”
Chuyện về những “ngôi nhà ma” ở Hà Nội luôn luôn là chủ đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nhiều người muốn tìm hiểu thông tin này vì tò mò với câu hỏi: Vì sao lại thế? Và những người “yếu bóng vía” thì lại muốn biết để tránh xa những ngôi nhà đó, thậm chí là cả khu vực đó ra.
Một trong số những ngôi nhà kỳ bí nhất Thủ đô, đó là ngôi nhà số 300 Kim Mã, ngôi nhà này đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo chí, và không biết bao nhiêu lời đốn đoán, cũng như sự trùng hợp ngẫu nhiên của các sự việc khiến sự huyền bí của ngôi nhà này càng đẩy lên đến mức cao trào.
Đầu tiên là những âm thanh kỳ bí phát ra từ căn nhà giữa lúc đêm khuya khiến không ít người dân xung quanh, cũng như những người đi đường phải giật mình. Nhưng qua tìm hiểu thì đó là những lời rên rỉ của các con nghiện khi lên cơn “phê thuốc” và họ thường chọn những ngôi nhà bỏ hoang để trú chân.
Hình ảnh gây sốt trên cộng đồng mạng một thời gian dài về việc xuất hiện bóng trắng trong ngôi nhà 300 Kim Mã.
Hay như sự việc, một thanh niên chụp ảnh tại khu vực ngôi nhà này và bắt vào trong hình ảnh là một bóng trắng của cô gái đang nhìn thẳng về phía ống kính, từ đó lời đồn đại ngày càng lan truyền và nhiều câu chuyện được khai thác xung quanh ngôi nhà này được thêu dệt lên như một câu truyện trong truyền thuyết. Nhưng rốt cục đó cũng chỉ là ánh sáng phản chiếu vào chiếc cột màu trắng bên trong ngôi nhà và tạo nên hình bóng mà mọi người vẫn tưởng là ma mãnh đó.
Không chỉ có vậy, hàng loạt những câu chuyện khác cũng được nhắc tới, đó là trước khi xây dựng, bãi đất này là ao cá, là nghĩa trang, là miếu mạo, đền thờ…thậm chí, ngay cả những quan chức địa phương cũng thông tin, ngôi nhà này được xây dựng từ những năm 1982 theo một hiệp ước ngoại giao nào đó, hay những thông tin về ngôi nhà này đã bị bỏ hoang từ những năm 70 của thế kỷ trước…
Nhưng tất cả những câu chuyện trên có bao nhiêu phần trăm là sự thật và sự thật của ngôi nhà này là gì? Ngôi nhà này có nguồn gốc từ đâu? Ngôi nhà này do ai xây dựng và xây dựng như thế nào? Vì sao nó lại bỏ hoang ở một khu “đất vàng” như vậy?...Tất cả những câu hỏi trên đã thôi thúc tác giả đi tìm lời giải cho câu hỏi: Đâu là sự thật?
Từ thông tin nhỏ nhoi ban đầu tác giả có được, đó là những người xây dựng ngôi nhà này là người Việt Nam, khi xây dựng ngôi nhà này họ phải dùng hàng đổi hàng…phóng viên đã lần theo tất cả nhưng “manh mối” dù là nhỏ nhất để tìm hiểu xem họ là ai? Họ xây dựng căn ngôi nhà này năm nào? Và thật sự đây có phải ngôi nhà ma hay không?
Những nhân chứng sống
Cuối cùng phóng viên cũng đã có lời giải khi có dịp tiếp cận với người Chỉ huy trưởng của công trình cách đây 25 năm về trước và cũng là người đi đàm phán với nước bạn để những người Việt Nam “xuất khẩu tại chỗ” xây dựng ngôi nhà này. Đó là, Đại tá Trần Đăng Lâm – nguyên GĐ Công ty xây dựng Thành An 171, thuộc Binh Đoàn 11- Bộ Quốc phòng.
Đâu là sự thật về "ngôi nhà ma" 300 Kim Mã?
Đại tá Lâm cho biết, công trình nhà 300 Kim Mã phải xây dựng trong 4 năm trời với bản vẽ được gửi sang từ nước bạn, thậm chí vật liệu xây dựng thời đó, điển hình như những viên gạch để xây nên ngôi nhà đó cũng chỉ có duy nhất một đơn vị có được.
Riêng về những lời đồn “ma mị” như đã kể trên, không chỉ có Đại tá Lâm mà những người trực tiếp ở đó và thậm chí là ở đó một mình trong suốt 10 năm trời (từ 1988 đến 1997) để trông coi ngôi nhà như Thượng tá Nguyễn Văn Toản – hiện đang là Phó giám đốc công ty Thành An 141 (Binh đoàn 11 – Bộ Quốc phòng) đều khẳng định: “Nếu có ma, chúng tôi là những người trực tiếp xây dựng, chúng tôi là người đào móng, đặt viên gạch đâu tiên, nếu có vấn đề gì chắc chắn chúng tôi sẽ không tránh khỏi”.
“10 năm trời tôi ở đó trong coi ngôi nhà đó, từ năm 1991 tôi ở phải đó 1 mình cho đến năm 1997, tôi chưa bao giờ gặp trở ngại gì, thậm chí là nửa đêm tôi vẫn phải đi gác mà có gặp ma mãnh gì đâu”, Thượng tá Toản chia sẻ.
Tất cả những nhân chứng sống này mà tác giả may mắn gặp được, họ đều là những quân nhân chuyên nghiệp ngày nào mới “chập chững” vào quân đội, nhưng giờ đây họ đều là những người kinh qua công tác lãnh đạo, thậm chí đã về hưu.
Tất cả tâm sự, lời kể của những con người đã xây nên ngôi nhà 300 Kim Mã sẽ là một sự thật không ai chối cãi và cũng là lời giải cho những lời đồn đại xuất hiện từ trước đến nay.
Mời quý độc giả đón đọc bài tiếp theo với tiêu đề: Sự thật “ngôi nhà ma” Kim Mã: Ai là người đặt viên gạch đầu tiên? Vào lúc 00 giờ 06 phút ngày 31/5.