Trong một nhà tù nổi tiếng “bất khả xâm phạm” của phát xít Đức, một tù binh chiến tranh đã thực hiện cuộc vượt ngục gây chấn động. Cuộc đào tẩu thành công với một phương thức cực kỳ đơn giản sau đó đã trở thành câu chuyện được nhắc lại nhiều nhất tại đây.
Pháo đài “nội bất xuất”
Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, pháo đài Colditz Castle là nơi Đức Quốc Xã giam giữ tù binh.
Tọa lạc ở đỉnh vách đá thẳng đứng cao 75 mét phía trên một thị trấn nhỏ ở phía đông nước Đức, Colditz là một trong những biểu tượng hùng vĩ nhất của thời kỳ này, được mệnh danh là nơi “chống vượt ngục”.
Với những bức tường cao chót vót và một chế độ canh phòng nghiêm ngặt, Colditz được đánh giá là nhà tù cẩn mật nhất trên thế giới, là nơi phát xít Đức giam cầm những người lính, sỹ quan quân Đồng minh sừng sỏ nhất - những người đến từ các trại giam ở khắp châu Âu, trong đó có những người có thành tích trốn tù tới vài lần.
Được canh giữ bởi những đội quân tinh nhuệ được trang bị súng tiểu liên và súng máy, những cuộc điểm danh liên tục cả ngày lẫn đêm, trùm mật vụ Đức Quốc xã Hermann Goering từng tuyên bố nhà tù Colditz là nơi mà “một con kiến cũng không thể chui lọt”.
Cuộc vượt ngục huyền thoại
Khi bị bắt làm tù binh vào tháng 6/1940, Alain Le Ray là tướng chỉ huy lực lượng đơn vị bộ binh hoạt động trên núi thuộc Lục quân Pháp.
Tháng 3/1941, Le Ray được gửi tới Colditz, từng không ít lần vượt ngục nhưng đều không thành công. Tuy vậy, Alain Le Ray vẫn không từ bỏ quyết tâm.
Ông cùng với một nhóm tù nhân Pháp từng đào một đường hầm. Họ khoét đất ra, chuyển lên trên mặt đất và rải khắp các bãi đất xung quanh nhà tù. Nhưng đây quả là một công việc vất vả và dễ khiến những người tham gia cảm thấy chán nản bởi tiến độ công việc diễn ra khá chậm chạp. Và hơn hết, nhiều người còn lo lắng, việc làm này sẽ bị phát hiện.
Le Ray nhanh chóng nhận ra đào đường hầm là một phương án không phù hợp. Sau đó, ông tính đến kế hoạch có thể làm một mình chứ không cần đến sự trợ giúp của những người khác.
Tù nhân ở Colditz có quyền tham gia một số hoạt động thể dục thể thao trong khu vực “công viên” gần toà lâu đài và không bị bao bọc bởi dây thép gai. Le Ray nhận thấy đây chính là cơ hội của mình.
Alain Le Ray trong thời gian bị giam giữ trong nhà tù Colditz.
Những người tù chỉ được thông báo việc tập thể dục trước đó không lâu cho nên rất khó để có thể chuẩn bị bất kỳ kế hoạch đào tẩu nào. Tuy vậy, quá trình đi bộ trên con đường mòn uốn khúc từ lâu đài xuống phía dưới phải mất một giờ đồng hồ và đây là chi tiết mà Le Ray chú ý.
Con đường này luôn được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của những tên lính canh đứng trên các bờ tường. Các tù nhân bị điểm danh ngay lập tức trước khi họ rời sân nhà tù, đến khi họ đến bãi đất, rồi trước khi họ rời bãi đất và cuối cùng khi vào đến bên trong sân nhà tù.
Trên đường trở về sau buổi tập thể dục, Le Ray phát hiện ngôi nhà lụp xụp, không người ở nằm trên khúc cua quanh co. Ông nhận thấy đó có thể là nơi trú ẩn an toàn. Le Ray bắt đầu lên kế hoạch đào tẩu, thoát khỏi lớp bảo vệ nghiêm ngặt của 10 lính gác.
Và thế là trong một khoảnh khắc kéo dài chỉ 5 giây, khi tên lính canh phía sau, cách ông khoảng gần một chục mét, bị khuất tầm nhìn, Le Ray đã vụt biến mất qua cánh cửa để trống của căn nhà đổ nát và chui tọt xuống căn hầm của căn nhà này.
2 người bạn tù là Tournon và Lebrun lặng lẽ ra hiệu cho những người xung quanh tiếp tục hành động như thể chẳng có chuyện gì xảy ra. Khi vào đến sân trong nhà tù, hai người này liền giả vờ cãi nhau kịch liệt và dẫn đến một cuộc ẩu đả. Sự việc này đã làm bọn lính gác làm nhiệm vụ điểm danh bị sao lãng, không phát hiện ra sự vắng mặt của Le Ray.
Chẳng bao lâu sau khi bước chân của những người bạn tù khuất xa dần thì Le Ray nghe thấy tiếng những bước chân khác trên con đường mòn. Một nhóm lính gác đang xuống sân để đá bóng. Ông chờ cho đến tận xẩm tối cho tới khi bọn chúng quay trở lại rồi bí mật lần theo lối mòn xuống dưới và trèo qua tường rào.
Ngay tối hôm đó, lính cai ngục phát hiện sự vắng mặt của Le Ray nhưng chẳng thể hiểu nổi cách mà ông đã thực hiện.
Alain Le Ray là tù binh chiến tranh đầu tiên đào tẩu thành công khỏi nhà tù Colditz trong thời gian diễn ra Chiến tranh thế giới thứ 2. Kế hoạch vượt ngục táo bạo của Le Ray sau đó đã thổi bùng khát vọng tự do với các tù nhân khác đang bị giam giữ trong nhà tù này.
>> Xem thêm: Nữ giáo viên vào tù ra tội, sinh con trong trại giam vì... yêu cậu học trò 12 tuổi