Giật mình khi phát hiện ra lỗi sai trên bao bì bộ sách “Hành trang cho bé vào lớp Một”, một ca sĩ với tư cách phụ huynh phải kêu trời: “Sách của nhà xuất bản Đại học Sư phạm mà sai sót thế đấy?”.
Chiều 4.4, ca sĩ L. tá hỏa khi đang dạy con gái (5 tuổi) học bài thì phát hiện bộ sách con đang học có một lỗi sai cơ bản trong phép tính cộng phạm vi 10.
Theo chị, đây là lỗi sai cực kỳ cơ bản và “không hiểu sao lại có lỗi sai ngớ ngẩn đến thế”.
Cụ thể, trên bao bì bộ sách “Hành trang cho bé vào lớp Một” của Nhà xuất bản Đại học Sư Phạm, để minh họa cho phép tính cộng trong phạm vi 10, các nhà biên tập sách dành cho thiếu nhi đã vẽ hình các loại lá cây, trái cây để các bé dễ làm phép tính cộng. Tuy nhiên, ở phép tính “3 quả + 2 quả”, thay vì kết quả đúng là bằng 5, thì bao bì bộ sách lại in ra kết quả là “1 quả”.
Đây không phải là lần đầu tiên các bậc phụ huynh khác nói chung gặp phải các lỗi sai cơ bản trong sách dành cho thiếu nhi.
Trước đó, ngày 4.12.2013, chính ca sĩ này và con gái cũng đã phát hiện ra trong cuốn sách “Chuẩn bị cho bé vào lớp một – làm quen với chữ cái”, tại phần ôn tập tìm và nối chữ cái với các từ cho sẵn, hàng loạt các từ bị viết sai chính tả một cách trầm trọng. Đáng lẽ phải là “thùng rác” thì sách tham khảo lại viết thành “thùng giác”, “con ngựa” được các nhà biên tập sách dành cho thiếu nhi viết thành “quả ngựa”. Đặc biệt, lỗi sai cẩu thả được thể hiện rõ nét khi bên dưới bức tranh vẽ quả đu đủ được gọi thành “cái đu”…
Cuốn sách để xảy ra các lỗi sai trầm trọng này là cuốn “Chuẩn bị cho bé vào lớp một – làm quen với chữ cái”, do Nhà xuất bản Mỹ Thuật phát hành năm 2011.
Chia sẻ về vấn đề này dưới tư cách là một phụ huynh, ca sĩ L. nói: "Bình thường khi mua sách hoặc truyện cho con mình vẫn thường xem qua một vài cho đến chục trang để xem có vấn đề gì không ổn về nội dung hay hình ảnh không. Tuy nhiên, không thể tránh khỏi việc có những sách đến từ nguồn khác (được tặng, những người khác mua cho...). Riêng với trường hợp này thì mình nghĩ, dù mình có là người trực tiếp mua thì cũng có thể bị lọt vì không thể ngờ là thể loại sách đơn giản thế này, cơ bản thế này mà lại bị thực hiện sai trầm trọng như thế này. Nói chung là khá hoang mang, lo lắng và buồn”.
Lo lắng về vấn đề dạy con sau này, nữ ca sĩ chia sẻ thêm: “Chưa vào lớp Một mà con tôi đã bị một phát "Quả Ngựa" và phát ‘3 + 2 = 1’ này, chả hiểu sau này con có còn niềm tin vào sách giáo khoa nữa hay không”.
Vấn đề các lỗi sai trong sách dành cho thiếu nhi không phải ở các lỗi sai chính tả, sai phép tính mà thậm chí ngay cả những loại sách mang tính giải trí, vui chơi cho trẻ cũng bị “vấy bẩn” bởi những ngôn từ bạo lực, tục tĩu hoặc ghê rợn.
Cụ thể, bài đồng dao “Chơi vỗ tay” in trong trang 8, tập 6 của bộ sách “Đồng dao dành cho trẻ mầm non” do Nhà xuất bản Mỹ Thuật và Nhà sách Đinh Tị ấn hành từng khiến dư luận rất bức xúc.
Bên cạnh đó, trong cuốn sách này, một bài đồng dao khác cũng có nội dung bạo lực được in trong trang 17 với tên gọi “Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng”, cũng gây bức xúc.
Nội dung của bài đồng dao này như sau:
“Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng
Đẻ được con rắn thằn lằn cụt đuôi
Ông Nhăng bảo để mà nuôi
Bà Nhăng đập chết đem vùi đống tro
Ông Nhăng bảo để bà kho
Bà Nhăng đập chết đem cho láng giềng
Có kho thì kho với riềng
Đừng kho với ớt tốn tiền uổng công”
Sau khi nội dung những bài đồng dao này lan truyền trên mạng xã hội, nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu giáo dục và các bậc phụ huynh đã rất bức xúc. Đa số các ý kiến đều cho rằng việc đồng ý cấp phép xuất bản và lưu hành những cuốn sách có nội dung phản cảm này, sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách và giáo dục trẻ, nhất là lứa tuổi mầm non.