Thông tin bún có chất làm trắng, chống ôi thiu đang gây sốc ở TP.Hồ Chí Minh, nhưng với nhiều làng nghề làm bún ở miền Trung, miền Bắc thì chính người làm bún… sốc vì bún ngon làm ra ế ẩm.
Người làm bún muốn chứng minh “bún sạch” cũng không có cách nào.
Cả làng bất bình
Làng bún Linh Chiểu (xã Sen Chiểu, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) có tuổi đời hàng trăm năm. “Từ khi có thông tin bún có hóa chất, chị em tôi đi bán bún vất vả lắm, giờ lượng bán chỉ bằng 30-40% so với trước”- chị Khuất Thị Xuân (35 tuổi, ở làng bún Linh Chiểu), than.
Cụ thể, trước chị bán được 80-90kg bún/ngày, giờ có cố lắm cũng chỉ bán được khoảng 30-40kg. Không riêng nhà chị Xuân, đa phần các làng làm bún lớn (công suất cả 3-4 tạ bún một ngày) cũng phải hạ công suất.
Bà Nguyễn Thị Lửng ở Vân Cù gặp khó khăn khi bán sản phẩm.
Ông Phùng Văn Thêm (cụm 13, Linh Chiểu) làm nghề đã gần 50 năm bày tỏ: “Từ xưa tới nay, dân làng tôi làm bún 100% từ gạo. Thông thường phải chọn 2 loại gạo, một loại cứng, một loại dẻo đem ngâm rồi trộn lẫn vào nhau để xay bột. Tôi cam đoan cả làng này không ai cho hóa chất vào làm gì vì bún làm từ gạo đã rất trắng, đẹp rồi. Nghe thông tin người nơi khác làm ăn gian dối, chúng tôi cũng bất bình”.
Ông Nguyễn Văn Tín – Phó Chủ tịch UBND xã Sen Chiểu cho biết: “Làng nghề của chúng tôi được chính thức công nhận từ 1991. Năm 2010 có khoảng 400 hộ sản xuất buôn bán nhưng giờ con số này đã giảm xuống còn khoảng hơn 100 hộ”. Giờ người làm bún nơi khác làm ăn ẩu, người làng bún Linh Chiểu bị ảnh hưởng. “Tôi lo không biết còn giữ được số hộ làm nghề này không”- ông Tín nói.
Tương tự, làng bún Vân Cù (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) cũng đang bị ảnh hưởng nặng. Nghề làm bún đã giúp 5 người của gia đình bà Nguyễn Thị Lửng có việc làm thường xuyên, mỗi ngày thu lãi bình quân 200.000-300.000 đồng. Tuy nhiên, hơn một tuần trở lại đây, sau khi thông tin về việc nhiều mẫu bún tại TP.Hồ Chí Minh có chứa chất cấm tinopal, formaldehyde và acid oxalic được công bố, lượng bún gia đình bà Lửng sản xuất giảm hơn một nửa. “Sản xuất ít rứa mà bún còn khó tiêu thụ, nên lợi nhuận thu được rất ít”- bà Lửng buồn nói.
Cũng như gia đình bà Lửng, gần 160 hộ sản xuất bún khác ở Vân Cù đang rơi vào cảnh lao đao vì đầu ra của bún gặp khó khăn, nhiều hộ đã lo… đói. Tại nhiều làng bún khác ở Thừa Thiên- Huế như Ô Sa (xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền), Bao Vinh (xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà), người làm bún cũng chuyển sang sản xuất cầm chừng vì bún khó tiêu thụ.
Mong được chứng nhận sản phẩm “sạch”
Theo ông Tín, dù làm với quy mô lớn hay nhỏ nhưng cứ tham gia làm bún là UBND xã Sen Chiểu đều có kiểm tra về vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Việc kiểm tra định kỳ mỗi năm 2 lần, ngoài ra còn có kiểm tra đột xuất nếu ghi nhận đơn thư, phản ánh của người dân. Mới đây, để làm rõ thông tin bún có chứa chất tinopal và chất sodium benzoat (bảo quản chống ôi thiêu, mốc) Trung tâm Y tế dự phòng huyện và xã đã có phối hợp để kiểm tra ATVSTP tại làng bún. Kết quả kiểm tra, 100% số mẫu được kiểm nghiệm tại làng bún đều an toàn. Hiện nay, UBND xã Sen Chiểu cũng đã cấp hơn 140 giấy chứng nhận về ATVSTP cho những gia đình hành nghề làm bún.
Tuy nhiên, bún mang ra chợ vẫn là loại bún để trong thúng, bán cân “không lẽ mang đi chợ, người làm bún lại mang theo cả giấy chứng nhận? Bún chúng tôi có uy tín nhưng chẳng có cách nào chứng minh cả”- ông Tín nói.
Ông Tín cũng cho biết, lúc đầu cán bộ xã nghĩ sẽ học cách áp dụng việc đóng gói bún theo kiểu sản xuất hàng hoá như một số sản phẩm khác. Thế nhưng bún là thực phẩm làm tới đâu bán dùng tới đó chứ không phải hàng khô có thể đóng gói, bảo quản cả tuần được.
Trao đổi với PV NTNN, ông Nguyễn Ngọc Diễn- Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, Chi cục vừa phối hợp với công an môi trường lấy mẫu bún tại 6 lò sản xuất bún trên địa bàn gửi đi kiểm nghiệm. Theo ông Diễn, mặc dù đang chờ kết quả kiểm nghiệm nhưng ông hoàn toàn tin tưởng vào các tiêu chuẩn ATVSTP của sản phẩm bún do các làng bún trên địa bàn sản xuất. |
Nhìn từ góc độ người sản xuất, ông Phùng Văn Thêm băn khoăn: “Một cân bún cất ngay tại lò sản xuất cũng chỉ có giá 6 nghìn đồng. Giờ mà đóng gói, dán tem mác, giá bún tăng lên thì mất đi sức cạnh tranh. Ngoài ra, bún làm để ăn trong ngày nếu đóng túi để thì e rằng lại hỏng mất. Vì thế, chúng tôi rất mong được hướng dẫn để chứng minh bún sạch”.
Còn tại làng bún Vân Cù, sau khi có thông tin về việc bún chứa chất cấm ở TP.Hồ Chí Minh, họ đã “làm công tác tư tưởng” cho những đầu mối thu mua bún của gia đình mình nhưng kết quả không khả quan. Nguyên nhân là do nhiều đầu mối thu mua bún khó bán được hàng nên ngừng kinh doanh hoặc kinh doanh nhỏ giọt.
Ông Nguyễn Xuân Đạo- Trưởng thôn Vân Cù khẳng định, do xử lý gạo tốt nên bún của làng luôn trắng, dẻo và thơm chứ hoàn toàn không có hóa chất. “Chưa bao giờ dân làng bún Vân Cù lại lao đao vì bị vạ lây như hiện nay. Bà con đang ngày đêm mong cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm tra và công bố để minh oan cho bún Vân Cù, đồng thời hướng dẫn bà con cách chứng minh bún của họ làm ra là bún sạch”- ông Đạo bày tỏ.