Anh Trần Anh Tuấn (23 tuổi, Cầu Diễn, Hà Nội), người nhận mình là tác giả của bức ảnh "gà mau về với ông bà" cho hay, anh bất ngờ và lấy làm tiếc khi bức ảnh của mình bị nhiều trang mạng xã hội lấy lại, đặt lời tựa khác nhau gây xôn xao dư luận.
Vừa qua, trên mạng xã hội chia sẻ bức ảnh chụp cảnh hàng trăm chiếc đùi gà được xếp đầy dưới nền gạch ướt nhẹp, người chế biến dùng lửa gas để “nướng” thành những chiếc đùi gà vàng ươm. Hình ảnh này đang gây xôn xao cộng đồng mạng, nhiều người gọi đây là loại gà khi ăn thì “mau về với ông bà”…
Nhiều diễn đàn mạng xã hội đăng tải lại bức ảnh, với các lời tựa khác nhau, thu hút hàng vạn lượt “like”.
Anh Tuấn khẳng định mình là tác giả của bức ảnh này. Anh cho hay đây là cảnh chuẩn bị cỗ trong một đám cưới ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội).
Đa số người xem cho rằng đó là hình ảnh ở một cơ sở chế biến, nhà hàng nào đó. Họ tỏ ra bức xúc, chia sẻ rằng không thể vì tiền mà có thể làm bẩn như vậy được. Các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc để xử lý, buộc các cơ sở này phải đóng cửa ngay để người dân không phải ăn đồ bẩn, đồ độc hại.
Tuy nhiên, sự thật không như mọi người suy đoán. Anh Trần Anh Tuấn (23 tuổi, Cầu Diễn, Hà Nội), người nhận mình là tác giả của bức ảnh cho hay, anh bất ngờ và lấy làm tiếc khi bức ảnh của mình bị nhiều trang mạng xã hội lấy lại, đặt lời tựa khác nhau gây xôn xao dư luận.
Anh Tuấn cho biết, bức ảnh trên anh chụp bằng điện thoại vào trưa 6.4, khi đi ăn cưới nhà họ hàng ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Anh đăng trên trang cá nhân vào khoảng 15h chiều cùng ngày với lời tựa “Gà nướng ở quê nên ăn không”.
Hình ảnh anh Tuấn chia sẻ trên trang cá nhân chiều 6.4.
“Đó là ảnh chụp lúc sơ chế món gà xào xả ớt, một món trong mâm cỗ cưới. Vì đây là gà công nghiệp, người ta phải dùng khò gas để làm chảy bớt mỡ đi. Sau đó, gà được rửa sạch, lọc thịt rồi xào. Tôi thấy lạ mắt nên chụp lại rồi chia sẻ trên trang cá nhân với mục đích vui vẻ, không nghĩ nó lại khiến nhiều người hiểu nhầm như vậy. Tôi khẳng định bức ảnh này do tôi chụp cảnh làm cỗ đám cưới ở quê, không phải ở cơ sở sản xuất hay chế biến thực phẩm nào cả”, anh Tuấn nói.
Tác giả bức ảnh “gà mau về với ông bà” cho hay, chiều 7.4, khi biết bức ảnh lan truyền cực nhanh trên mạng, cùng nhiều bình luận “hiểu nhầm”, anh Tuấn đã chủ động gỡ bức hình đăng tải trên trang cá nhân.