Khoảng 300 vạc nước khổng lồ rải rác trong Tử Cấm Thành không hề đóng băng suốt 600 năm qua, tất cả là nhờ vào một bí kíp cực kỳ đơn giản.
Tử Cấm Thành là hoàng cung của các hoàng đế triều đại nhà Minh và nhà Thanh, đồng thời cũng là một trong những công trình mang tính biểu tượng trong lịch sử Trung Quốc. Nơi đây là kết tinh của sự khéo léo và tinh tế, ẩn chứa trí tuệ của những người thợ thủ công cổ đại. Những thiết kế có vẻ trần tục nhưng thường có những nguyên tắc đáng ngạc nhiên ẩn giấu bên trong.
Tại nhiều cung điện ở Tử Cấm Thành, người ta đều thấy đặt một số vạc nước lớn bằng đồng mạ vàng. Ngoài chức năng chứa nước, những chiếc bồn này còn thể hiện phong cách và thẩm mỹ của hoàng gia. Điều đáng ngạc nhiên là trong hơn 600 năm qua, nước trong những vạc chứa lớn này chưa bao giờ đóng băng. Trong khi đó, vào mùa đông, tình trạng đóng băng ở miền bắc Trung Quốc là cực kỳ phổ biến khi nhiệt độ thường xuyên xuống mức âm.
Trên thực tế, chức năng chính của những vạc nước này là chống cháy. Thời xưa, 9.000 căn phòng trong Tử Cấm Thành đều được làm bằng gỗ nên nếu xảy ra hỏa hoạn sẽ là thảm họa cực kỳ nghiêm trọng. Phòng chống hỏa hoạn luôn là vấn đề lớn lúc bấy giờ. Từ năm Vĩnh Lạc thứ 18 của nhà Minh đến thời điểm hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh rời cung, trong Tử Cấm Thành đã xảy ra 45 trận hỏa hoạn lớn nhỏ. Anh hùng cứu hỏa lúc này chính là những vạc nước nói trên.
Những vạc nước này ban đầu được làm bằng sắt, về sau người xưa nhận thấy sắt dễ bị rỉ sét và ảnh hưởng đến quang cảnh trước cung điện nên đã đổi sang vạc đồng, bề mặt thậm chí còn được mạ vàng. Ngày nay, mọi người có thể thấy những vạc nước ở khắp nơi trong Tử Cấm Thành. Tất cả chúng đều không chỉ để làm cảnh. 3.000 lít nước trong mỗi vạc được dùng để chữa cháy thời cổ đại.
Các hoàng đế thời bấy giờ đều có ý thức phòng cháy rất cao. Trong Tử Cấm Thành còn có một đội cứu hỏa đặc biệt, mỗi khi có cháy sẽ điều động đi làm nhiệm vụ. Vào mùa đông, thời tiết hanh khô nên rất dễ xảy ra hỏa hoạn. Là công cụ chữa cháy quan trọng nên những vạc nước khổng lồ không được mắc phải bất cứ sai sót nào. Tuy nhiên, mùa này ở miền bắc Trung Quốc nước thường bị đóng băng. Vậy thì người xưa đã làm thế nào để khiến nước trong những vạc cứu hỏa không bị đông đá?
Thực ra mọi chuyện không quá phức tạp. Yếu tố quyết định nước tan chảy hay đóng băng chính là nhiệt độ. Chỉ cần có nhiệt độ cao thì nước sẽ không bị đóng băng. Chính vì thế mà người thời đó liên tục giữ ấm những bồn chứa nước này. Họ nâng trụ của vạc nước lên, đốt củi hoặc than ở đáy để nhiệt độ luôn cao hơn thời điểm đóng băng. Mặc dù cách này có vẻ tốn thời gian và công sức nhưng lại là phương pháp hữu hiệu nhất. Ngoài ra, nước sẽ được bổ sung vào vạc đúng giờ. Những vạc nước phía trước cung điện luôn phải đầy nước. Bên cạnh đó, sông Kim Thủy chảy qua Tử Cấm Thành cũng là vị trí chính để lấy nước cứu hỏa.
Ngoài hàng trăm vạc nước, sông Kim Thủy, người xưa còn cứu hỏa nhờ công cụ phun nước đúng chỗ. Nếu ngày nay chúng ta dùng vòi rồng để cứu hỏa thì người Trung Quốc cổ đại dùng thiết bị có tên "jitong" để đưa nước đến nơi cao và xa. Thiết bị này có 2 đầu, khi chữa cháy thì xô nước được cho vào một đầu của "jitong", đầu còn lại làm nhiệm vụ đẩy để nước bắn lên.
Ngày nay, dù các phương tiện cứu hỏa hiện đại đã phát triển nhưng nếu xảy ra cháy trong Tử Cấm Thành, những thiết bị cổ xưa vẫn được sử dụng. Nguyên nhân là do thiết kế và ý nghĩa của Tử Cấm Thành rất khó để lắp đặt các vòi chữa cháy hiện đại. Kết quả thì 300 vạc nước và các "jitong" vẫn còn được sử dụng đến tận bây giờ.