Không phế vua xưng đế như Võ Tắc Thiên, Từ Hy thái hậu buông rèm nhiếp chính vẫn nắm trong tay vận mệnh của cả 1 giang sơn.
Nắm quyền trong suốt 47 năm song Từ Hy thái hậu không học Võ Tắc Thiên đăng cơ xưng đế. Trong khoảng thời gian này, mặc dù có sự tồn tại chính thức của hai vị vua Đồng Trị, Quang Tự song trên thực tế, thống trị đất nước thực sự lại là người ngồi tại điện Dưỡng Tâm. Đây là một sự khôn ngoan, có tính toán của người phụ nữ này hay Từ Hy thái hậu không nghĩ đến mỹ cảnh được làm vua?
Phải nhắc lại một chút, lịch sử Trung Quốc ghi nhận chỉ có 1 nữ hoàng đế duy nhất dưới triều Đường. Đây là thời kỳ nhìn nhận vai trò và địa vị của phụ nữ ở một lăng kính khác khá văn minh so với thời gian bấy giờ.
Trong hầu hết các triều đại chuyên chế phong kiến, vai trò địa vị của phụ nữ trong gia đình, xã hội đều rất thấp nhưng dưới thời Đường, điều này khác hẳn, nhất là so với phụ nữ các triều đại Minh, Thanh.
Từ Hy thái hậu có nước đi khôn ngoan khi không phế đế xưng vua.
Dưới triều Đường, phụ nữ được du ngoạn thiên hạ, đọc sách, làm quan... Nói thêm rằng, không chỉ tiểu thư, quý tộc, phi tần, thời Đường rất coi trọng cung nữ mặc dù xuất thân của cung nữ khá thấp. Công việc hàng ngày của các cung nữ rất vất vả, từ sáng sớm đến đêm khuya phục vụ Hoàng đế và hậu phi.
Tuy vất vả nhưng ở triều Đường, hoàng đế vô cùng coi trọng việc đào tạo cung nữ nên có hẳn một trường học ở hậu cung chuyên dành cho các cung nữ đọc sách, họ cũng thường xuyên được giáo dục, bồi dưỡng các kiến thức về văn hóa, âm nhạc nghệ thuật và các kỹ năng, vì thế tố chất của các cung nữ nhà Đường tương đối cao.
Trong môi trường mở đó, dưới triều đại này đã xuất hiện nhiều phụ nữ nổi tiếng trong thiên hạ như Thượng Quan Uyển Nhi, nhà thơ Tiết Đào, nữ thư pháp gia Ngô Thái Loan,…
Thậm chí, những phụ nữ ly hôn hay những quả phụ có chồng chết sớm vẫn có thể dễ dàng tái giá mà không bị dư luận đàm tiếu.
Dưới triều Đường, vai trò của người phụ nữ được đề cao. Đó là điều kiện thuận lợi để Võ Tắc Thiên xưng đế.
Tuy nhiên, dưới thời nhà Thanh, phụ nữ không được nhận những đặc quyền như vậy. Đừng nói đến chuyện làm quan, ngay cả việc đọc sách thánh hiền cũng bị cấm đoán bởi người Thanh triều có quan niệm "Nữ tử vô tài tiện thị đức" (phụ nữ không có tài cán là phúc đức). Nhìn nhận thế sự, Từ Hy dù có giỏi giang, thông minh đến mức lật đổ 8 vị đại thần nhưng cũng không phế vua xưng đế.
Đó là một sự khôn ngoan. Tuy nhiên nhờ vào thủ đoạn mềm của cố nhân, người phụ nữ này vẫn có thể một tay che cả bầu trời, thao túng cả hai đời vua của nhà Thanh.
Ngoài ra, cũng còn một lý do nữa khiến Từ Hy quyền lực dù có lớn đến đâu, cũng không thể phế Đồng Trị, Quang Tự để lên thay thế. Đó là bài giáo huấn của tổ tiên người Mãn ngay từ khi lập ra Thanh triều: Hậu cung không được can dự vào việc triều chính.
Từ Hy không thể chống đối cả xã hội và chế độ chỉ vì danh “Hoàng đế" trong khi "lão phật gia" đã có trong tay tất cả.