Là người Việt Nam đầu tiên được ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng, chị Linh hiện đang rất khỏe mạnh và đã tăng gần 10 cân sau 18 tháng được ghép.
Hãy đối xử như những người bình thường
Chia sẻ với phóng viên trong lần tái khám và làm các xét nghiệm định kỳ vào sáng ngày 16/5, bệnh nhân Hoàng Thị Thùy Linh (sinh năm 1986) ở Quảng Bình với vẻ mặt tươi tắn, nhanh nhẹn và không hề ngần ngại trả lời tất cả những câu hỏi của phóng viên.
Được biết, Linh là bệnh nhân đầu đầu tiên ở Việt Nam ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng, hiện nay chị đã trải qua 18 tháng sau ghép, dù gặp không ít những khó khăn nhưng bằng niềm tin, sự quyết tâm cô gái người Quảng Bình đã vượt qua tất cả để có ngày hôm nay.
Bệnh nhân trong ngày ra viện sau khi ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng.
Chia sẻ với phóng viên sau hơn 1 năm được ghép tế bào gốc, bệnh nhân Linh cho biết, chị phát hiện bệnh từ tháng 9, năm 2014. Khi đó, các bác sĩ khuyên nên ghép tế bào gốc, nhưng trớ trêu thay, tủy của người em trai họ lại không phù hợp với các chỉ số của bệnh nhân.
“Tưởng chừng cơ hội đã mất, nhưng may mắn thay các bác sĩ đã động viên về việc ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng. Bác sĩ có nói, nếu không ghép tế bào gốc thì việc truyền hóa chất không giải quyết được vấn đề lâu dài và các bác sĩ đã khuyên ghép tế bào gốc từ cuống rốn cộng đồng.
Trước khi ghép các bác sĩ cũng nói rõ về việc đây là trường hợp ghép như vậy đầu tiên ở Việt Nam và tỷ lệ thành công là 50/50, nhưng gia đình vẫn quyết tâm ghép”, bệnh nhân Linh nhớ lại.
Theo chị Linh, hiện tại cứ 3 tháng chị lại phải ra Viện Huyết học để kiểm tra lại một lần và mỗi lần đi như vậy đều phải đi 1 mình từ Quảng Bình ra Hà Nội, qua đó có thể thấy sức khỏe của bệnh nhân Linh đang rất ổn định.
Bệnh nhân Linh vừa từ Quảng Bình ra Hà Nội để tái khám định kỳ.
“Trước khi tiến hành ghép tế bào tôi được 42 kg, sau khi ghép tôi phải điều trị và giảm xuống còn 33kg, hiện tại tôi đã lên được 41kg, nhưng tôi rất sợ tăng cân trong một thời gian quá ngắn, ví dụ như dịp dịp tết vừa qua chẳng hạn.
Hiện sức khỏe tôi hoàn toàn bình thường và hàng ngày tôi vẫn đi làm. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng cho biết, các biến chứng đáng tiếc chỉ có thể giảm đáng kể, kể từ năm thứ 5 sau ghép”, chị Linh chia sẻ.
“Điều làm tôi cảm thấy ái ngại nhất hiện nay đó chính là sự thương hại của những người xung quang đối với minh, tôi mong sao mọi người hãy đối xử với tôi như những người bình thường”, chị Linh mong muốn. Được biết, năm nay dù đã 30 tuổi, nhưng chị Linh vẫn chưa quan tâm đến việc lập gia đình mà ưu tiên hàng đầu hiện nay đối với chị đó chính là sức khỏe.
Thành công ở cơ hội cuối cùng
Trao đổi với phóng viên về trường hợp của bệnh nhân Linh, Ths.BS Võ Thị Thanh Bình – Trưởng khoa Ghép tế bào gốc (Viện Huyết học Truyền máu Trung ương) cho biết, đây là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam được ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng, khác giới tính (máu dây rốn là của một bé trai).
BS Bình cho biết, thông thường khi bị ung thư máu, các bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm cần thiết và đưa ra phắc đồ điều trị hợp lý trong đó có phương pháp ghép tế bào gốc. Tuy nhiên, trường hợp bệnh nhân Linh là con một, không có anh chị em ruột, trong khi đó các chỉ số của bố mẹ không phù hợp.
BS Bình kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân Linh.
“Cơ hội cuối cùng cho bệnh nhân đó chính ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng. Hiện nay, sau 18 tháng ghép, bệnh nhân hồi phục tốt, hiện vẫn đang được theo dõi theo định kỳ”, BS Bình nói.
Nói thêm về phương pháp ghép tế bào gốc, Ths Bình cho biết, ca ghếp tế bào gốc đồng loại đầu tiên được thực hiện năm 2008, nhưng sau 3 tháng trường hợp này đã tử vong do các biến chứng tái phát. Trường hợp thứ 2 cũng được ghép năm 2008, và cho đến thời điểm hiện tại vẫn sống khỏe.
Được biết, từ tháng 6 năm 2006 đến tháng 5/2016, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã ghép tế bào gốc cho 204 ca, gồm 111 trường hợp ghép tự thân và 93 trường hợp ghép đồng loại.