Ngoài sự kỳ thị, thì những nguy hiểm đến từ các mũi tiêm hóc môn, những vỉ thuốc nội tiết luôn rình rập đối với người muốn sống thật với giới tính của mình.
Tháng 11/2015, Quốc hội đã chính thức thông qua quyền chuyển đổi giới tính, đây là tín hiệu vui cho những người muốn sống thật với giới tính của mình. Tuy nhiên, cho đến hiện tại vẫn chưa có bất cứ văn bản hướng dẫn nào về việc thực hiện chuyển đổi giới tính cũng như chưa có quy định về cơ sở y tế được phép phẫu thuật chuyển đổi giới tính ở Việt Nam.
Điều nay đang gây ra rất nhiều khó khăn đối với những người đã từng và đang có ý định phẫu thuật để được sống thật với giới tính của mình. Trao đổi với những người đã từng chuyển giới ở Việt Nam mới thấy được những khó khăn mà họ đã và đang gặp phải.
Biết nguy hiểm nhưng vẫn phải làm
Ngoài sự kỳ thị của những người trong gia đình, xã hội và sự xa lánh của bạn bè, những người chuyển giới như La Lam, Tú Anh hay những người đồng tính còn phải đối mặt với hàng loạt những nguy hiểm, đó chính là nguy hiểm về bệnh tật, những nguy hiểm về việc phải đi ra nước ngoài phẫu thuật và ngay cả việc tiêm hóc môn để duy trì...
Theo đó, các bạn chuyển giới như La Lam và Tú Anh không ngần ngại chia sẻ về việc phải quan hệ tình dục qua đường miệng, qua hậu môn vì chưa phẫu thuật cơ quan sinh dục và việc quan hệ tình dục như vậy họ hoàn toàn biết được những nguy cơ mắc các căn bệnh xã hội nguy hiểm, điển hình là HIV.
Việc thực hiện và duy trì phẫu thuật với người chuyển giới rất nguy hiểm.
Ngoài ra, họ còn lo ngại những câu chuyện về việc tiêm hóc môn để duy trì “thành quả” phẫu thuật chuyển giới khiến không ít người cảm thấy rùng mình. “Sau khi làm phẫu thuật, chúng tôi phải tiêm hóc môn, uống thuốc tránh thai để làm tăng nội tiết nữ, giúp da đẹp hơn, nhưng điều đáng nói những loại hóc môn này chúng tôi không hề được chỉ định mà hoàn toàn là tự mua và tự tiêm”, bạn Tú Anh chia sẻ.
Còn bạn La La cũng cùng chung cảnh ngộ: “Ngoài việc phải mua hóc môn trôi nổi với giá rất đắt (500.000 đồng/lần) chúng tôi còn đối diện với hàng loạt các nguy hiểm và biến chứng đó chính là việc sốc khi tiêm, hóc môn không đảm bảo, tiêm nhiều sẽ bị mất trí... Sợ lắm, nhưng vẫn phải tiêm”.
Đánh giá về những vấn đề trên, tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh (Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV) cho biết, vấn đề giới tính, tình dục trong bình đẳng giới là vấn đề không mới, nhưng nhiều người hiểu chưa đúng về vấn đề này. Vì thế, việc tuyên truyền cho họ để phòng tránh những căn bệnh lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt là HIV là vô cùng quan trọng.
Còn bác sĩ Phạm Vũ Thiêm – Chuyên gia về tình dục và giới cho rằng, nhiều hành vi quan hệ tình dục có nguy cơ lây bệnh, đặc biệt là HIV nếu không có biện pháp bảo vệ an toàn.
“Đặc biệt là những trường hợp giao hợp dương vật – hậu môn không bảo vệ có nguy cơ lây nhiễm rất cao so với hành vi tình dục khác. Nguyên nhân là do cơ vòng hậu môn thắt chặt, dễ bị tổn thương, không có tuyến tiết chất nhờn dễ bôi trơn trong quá trình giao hợp.
Bởi vậy, để bảo vệ không bị các bệnh lây qua đường tình dục việc quan hệ tình dục an toàn là vô cùng quan trọng”, bác sĩ Thiêm khuyến cáo.
Khó từ trong nhà khó ra xã hội
Đó chính là tâm sự của những người đồng tính, chuyển giới ở Việt Nam khi trao đổi với phóng viên bên lề Hội thảo “MSM, người chuyển giới – Họ là ai?”. Theo đó, ngay từ nhỏ họ đã phải đối mặt với những khó khăn và những vướng mắc đối với các bạn cùng trang lứa và kể cả những người trong gia đình.
Và khi trưởng thành, họ lại phải đối diện với những ánh mắt kỳ thị, soi mói của xã hội, điều đó khiến họ tự ti về bản thân, dấu diếm tính cách và giới tính thật của mình ngay cả khi họ bị tra tấn cả về mặt thể xác lẫn tinh thần.
Những người chuyển giới luôn khao khát sống thật với giới tính của mình.
Bạn Tú Anh ở Hà Nội (tên thật là Trần Việt Anh) cho biết, dù mang thể xác là nam giới, nhưng ngay từ nhỏ Tú Anh đã nhận biết mình mang “giới tính” nữ. “Ngay từ nhỏ mình đã chơi những trò chơi mà các bạn nữ chơi, mình thích mặc đồ của các bạn nữ, đến năm cấp 3 thì điều đó càng thể hiện rõ hơn.
Tuy nhiên, đó cũng là lúc mình phải đối diện với sự ngăn cấm của gia đình, sự kỳ thị của những người xung quanh và sự xa lánh của mọi người. Mình còn nhớ mãi trận đòn của bố mình, năm đó mình học cấp III, khi đi chơi cùng một bạn nam và bị bố phát hiện, đánh một trận phải nhớ suốt đời”, Tú Anh kể lại.
Cũng giống như bạn Tú Anh, bạn La Lam – sinh viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh (tên thật là Lò Đức Thụ) chia sẻ, ngay từ khi được 4 -5 tuổi đã nhận biết được giới tính của mình là nữ, bằng chứng là chơi các trò như đánh chắt, nhảy dây rất giỏi.
“Tôi còn nhớ mãi những kỷ niệm ngày thơ ấu, ngày đó nhà mình nghèo, mỗi khi bố đi làm thuê về bố xin được những bộ quần áo cũ để cho con, điều đáng nói những bộ quần áo ấy đều là của con gái, càng mặc vào mình lại càng thích thú với những bộ đồ này. Đến tuổi trưởng thành, giới tính thật của mình càng được khẳng định khi mình rung động với những bạn trai cùng trang lứa”, bạn La Lam nói.
Trớ trêu thay với La Lam là khi càng muốn sống thật với giới tính thật của mình, thì lại càng bị bạn bè, xã hội và cộng đồng xung quanh kỳ thị. “Đã có lúc bạn bè mình tránh xa mình như một loại dịch bệnh, thậm chí ngay cả trong gia đình. Trước đây khi đi học về thấy mình để tóc dài nhiều người nghi ngờ và hỏi, lúc đó mình vẫn dấu và nói dối rằng phải đi diễn xuất nên để tóc dài”, bạn La Lam kể lại.