Tăng giá điện: Cứu EVN, dân è cổ gánh chi phí "tù mù"

Ngày 07/03/2015 10:01 AM (GMT+7)

EVN hoạt động chưa hiệu quả, tổn thất điện năng quá cao, không minh bạch được chi phí đầu vào, những tù mù này bắt dân gánh bằng các đợt tăng giá liên tục.

Ngày 5/3 Chính phủ đã đồng ý với đề xuất tăng giá điện 7,5% mà EVN và Bộ Công thương đưa ra. Mức giá điện mới sẽ chính thức được áp dụng từ ngày 16/3 tới. 

Theo tính toán của Bộ Công thương, nếu không điều chỉnh giá thì năm 2015, EVN sẽ lỗ khoảng 12.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tính toán tác động trực tiếp lên các đối tượng khi giá điện tăng là người dân và doanh nghiệp sản xuất chưa thấy giải trình cụ thể từ Bộ Công thương

Từ năm 2007 đến nay điện đã tăng giá 9 lần, trong đó 4 lần tăng gần nhất mức điều chỉnh cũng chỉ 5%/lần.

Chia sẻ với Infonet sáng 6/3, TS. Ngô Trí Long nhìn nhận, dù mức tăng giá điện lần này là phương án thấp nhất trong 3 phương án EVN đã đề xuất trước đó (phương án 1 tăng 7,5%, phương án 2 là 8,5% và phương án 3 là 9,5%) nhưng liệu các phương án này đã được đánh giá, thẩm định bởi một tổ chức độc lập để đảm bảo tính công khai, minh bạch hay chưa? 

Chưa kể, mức tăng giá 7,5% tới đây chắc chắn sẽ khiến mặt bằng giá cả tăng và là sức ép không nhỏ đối với doanh nghiệp sản xuất, nhất là với những ngày tiêu dùng nhiều điện như thép, xi măng…

Tăng giá điện: Cứu EVN, dân è cổ gánh chi phí quot;tù mùquot; - 1

Giá điện sẽ tăng thêm 7,5% từ ngày 16/3 tới, là mức tăng cao nhất trong vòng 3 năm qua

Điều khiến vị chuyên gia này băn khoăn là với mức tăng giá như vậy liệu có tương xứng với chi phí đầu vào hay không. 

“Năm 2013-2014 EVN đều báo có lãi, khôi phục được các khoản lỗ của năm trước. Với đợt tăng giá lần này sẽ đủ bù lỗ cho EVN nhưng chắc chắn sẽ làm đội chi phí, mà đây lại là những chi phí không hợp lý”- ông Long nói.

Theo Nghị định 69 của Chính phủ, xem xét điều chỉnh giá điện hợp lý, nhưng từ năm 2012 tới nay nhà đèn chỉ tăng giá điện mà chưa một lần giảm. Lần nào tăng giá cũng viện lý do bù lỗ năm trước, rồi chi phí đầu vào tăng không thể bù đắp… nhưng thực tế các chi phí đó tăng và tác động thực sự như thế nào tới giá thành sản xuất thì chưa một lần thấy EVN và ngay kể cả bộ chủ quản công khai, ông Long quả quyết, là không thuyết phục.

"EVN cần công khai tất cả các chi phí đầu vào của mình để người dân hiểu, nắm được, chứ không phải tù mù, cứ đưa ra lý do tăng để bù lỗ", chuyên gia Ngô Trí Long nói.

“EVN có minh bạch được chi phí đầu vào của  mình hay không và tập đoàn này đã làm gì để giảm áp lực tăng giá với các khoản nợ treo khổng lồ?”- ông Long đặt câu hỏi.

Một “động lực” được đưa ra tính toán và cân nhắc cho việc điều chỉnh giá điện lần này, ngoài chuyện bù đắp lỗ cho EVN, là hiện lạm phát đang ở mức rất thấp. Dữ liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 giảm 0,05% so với tháng 1 và giảm 0,25% so với tháng 12/2014. Tính chung 2 tháng đầu năm 2015 CPI cả nước chỉ tăng 0,64% - mức thấp kỷ lục trong vòng 17 năm qua. Đáng nói, dù tháng 2 rơi vào thời điểm Tết Nguyên đán, thường sức mua, tiêu dùng trong nước sẽ vượt trội, song năm nay sức mua dịp Tết cũng không “kéo” được CPI.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, dù CPI đang thấp nhưng sau Tết là thời điểm các doanh nghiệp mới bắt đầu khởi động lại sản xuất kinh doanh. Giá điện tăng ngay sau Tết cũng sẽ khiến doanh nghiệp sản xuất “sốc”, nhất là với những ngành lâu nay vốn “ăn” nhiều điện như thép, xi măng…

“Không chỉ người dân khó khăn hơn với mức tăng hàng tháng hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn đồng của hóa đơn điện hàng tháng, mà với doanh nghiệp sẽ phải rất chật vật. Đề xuất tăng giá đưa ra các cơ quan quản lý đã tính đúng, tính đủ những tác động với các hộ sử dụng điện hay chưa?”- ông Long nhận xét.

Đồng tình với quan điểm doanh nghiệp sẽ chịu khó khăn gấp đôi trong năm nay khi giá điện tăng, TS. Lê Đăng Doanh tỏ ra buồn, “nhiều lần tôi đã đưa ra đề xuất giá điện nên tăng không quá 4%, thậm chí chỉ là 3,5% để vừa với sức chịu đựng và chia sẻ với khó khăn mà doanh nghiệp đang gánh, nhưng tiếc rằng mức tăng lần này vẫn là cao”.

Ngay cả một người am hiểu ngành điện như ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng tỏ ra không hài lòng với cách quản lý, giảm tổn thất điện năng hiện nay của EVN. Ông Ngãi cho rằng, dù có rà soát, cố gắng song việc giảm tổn thất của EVN là “rất chậm chạp”.

Vị Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng thừa nhận, ngành điện đang hoạt động chưa hiệu quả, như hiện EVN có tới 110.000 người làm trong ngành điện, khâu thu tiền cũng còn thủ công, làm lãng phí nhân lực. Hay mức tổn thất điện năng 8,6%, cao hơn 0,5% so với kế hoạch đặt ra, là quá cao. Riêng tổng thất trên lưới điện truyền tải cũng cao hơn 0,3% so với chỉ tiêu. Như vậy, phải mất 2% điện mới tạo ra 1 % GDP.

“EVN cần phải có ngay biện pháp giảm tổn thất điện năng, để giảm giá thành để giảm áp lực tăng giá điện”- ông bình luận.

Theo Trường Giang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot