Sự đa nghi của Tào Tháo đã hại chết 3 tỳ thiếp nhưng đó cũng là một bài học lớn dành cho những quan thần bên cạnh ông.
Người xưa có câu: "Thứ khó đoán nhất chính là trái tim mỹ nhân". Thế nhưng trên thực tế, có một nhân vật có thật trong lịch sử còn khó lường hơn nữ nhân, đó chính là Tào Tháo. Chính sự đa nghi của ông đã để lại một truyền thuyết với bài học to lớn.
Tào Tháo (155-220) là nhà chính trị, nhà quân sự và nhà thơ nổi tiếng cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đã đặt cơ sở cho thế lực quân sự cát cứ ở miền bắc Trung Quốc, lập nên chính quyền Tào Ngụy thời Tam Quốc.
Những người yêu mến Tào Tháo đều đánh giá ông là một kẻ kiêu hùng, một anh hùng hiên ngang lẫm liệt, người không thích Tào Tháo lại nói ông là một gian hùng. Tào Tháo là người đa nghi, hay ghen tuông, nhưng ông đồng thời cũng là người thưởng phạt phân minh, rất biết cách nhìn người, dùng người. Tào Tháo có chủ kiến riêng của mình, ông không dễ bị lung lay bởi những lời nói của người khác.
Ảnh minh họa
Bên cạnh Tào Tháo luôn có rất nhiều mỹ nhân, tuy nhiên ông lại không phải kiểu người ăn chơi hưởng lạc, trác táng, đam mê tửu sắc, thấy mỹ nhân là quên đi tất cả. Ngược lại, Tào Tháo còn không tiếc hạ sát người đẹp nếu không vừa ý mình. Truyền thuyết kể rằng có 3 tỳ thiếp của Tào Tháo đã mất mạng chỉ vì câu trả lời về quả dưa hấu.
Khi đó, Tào Tháo đang ngồi họp với các quan đại thần thì một tỳ thiếp dâng quả dưa hấu lên cho ông. Tào Tháo đương nhiên tươi cười nhận lấy nhưng lại hỏi vị tỳ thiếp kia xem quả dưa có ngọt không. Vì tỳ thiếp này không hề nhận ra rằng nguy hiểm đang cận kề, chỉ nhẹ nhàng trả lời rằng dưa rất ngọt. Những tưởng đây là một câu trả lời hết sức bình thường, nào ngờ Tào Tháo đột nhiên bĩu môi, kêu lính canh lôi tỳ thiếp này xuống để chém đầu.
Lúc này, các vị quan ngẩn ngơ nhìn Tào Tháo, không hiểu tại sao ông lại làm vậy. Quả dưa mà vị tỳ thiếp kia mang lên trông rất lành lặn, ngon ngọt, không hề có vấn đề gì, tại sao lại bị chém đầu?
Câu chuyện vẫn chưa kết thúc ở đó, Tào Tháo tiếp tục gọi một vì tỳ thiếp khác mang một quả dưa hấu khác đến. Cảnh tượng vẫn y như lúc trước, Tào Tháo tiếp tục hỏi xem quả dưa này có ngọt không. Sắc mặt của vị tỳ thiếp này trở nên tái mét, không biết phải trả lời thế nào trước câu hỏi tưởng chừng hết sức bình thường nhưng lại khiến người ta kinh hãi này. Cuối cùng, cô vẫn đưa ra câu trả lời giống người trước rằng quả dưa này rất ngọt. Kết cục, vị tỳ thiếp lại bị đem ra chém đầu.
Ảnh minh họa
Tào Tháo tiếp tục cho gọi một vị tỳ thiếp thứ ba dâng dưa hấu lên cho mình. Với kinh nghiệm của 2 người đi trước, vị tỳ thiếp này tất nhiên không tránh khỏi sợ hãi nhưng không dám trả lời giống như trước nữa. Cô không biết Tào Tháo muốn nghe câu trả lời thế nào, còn Tào Tháo thì chỉ liếc nhìn thái độ của những vị quan xung quanh. Cuối cùng, vị tỳ thiếp này trả lời rằng quả dưa này đảm bảo đã chín.
Lúc này, gương mặt Tào Tháo mới lộ ra vẻ hài lòng. Nào ngờ, kết cục của vị tỳ thiếp thứ ba vẫn như vậy. Cô cũng bị lính canh lôi ra chém đầu. Lúc này, tất cả những vị quan đều không giữ được bình tĩnh, sợ hãi đến tái mét mặt mày, không dám ngẩng mặt lên nhìn.
Sau đó, Tào Tháo mới giải thích rằng lý do ông chém đầu 3 vị tỳ thiếp kia là do họ đã phục vụ sai cách và nói dối. Họ chỉ dâng dưa lên cho ông, chưa từng nếm thử quả dưa đó, làm sao biết nó có ngọt hay không.
Hóa ra, đây là chiêu "giết gà, dọa khỉ" của Tào Tháo. Ông vốn nổi tiếng là người đa nghi, không muốn để người khác nhìn thấu tâm can của mình. Thông qua chuyện này, Tào Tháo muốn cảnh cáo những vị quan xung quanh mình rằng không được phép tùy ý suy đoán tâm tư, suy nghĩ của ông, nếu không chỉ có thể đối mặt với cái chết.