Sau gần 6 tháng chuyển về “nhà mới”, những đứa trẻ mồ côi, khuyết tật, những cụ già neo đơn từng ở chùa Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội) đã bắt nhịp được cuộc sống. Những ngày cuối năm, họ đang háo hức chờ đón một cái Tết đầm ấm, tràn đầy yêu thương trong sự quan tâm, chăm sóc của những tấm lòng nhân ái.
Háo hức đón Tết ở ngôi “nhà mới”
Về Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ em khuyết tật Thụy An (huyện Ba Vì, Hà Nội) vào ngày giáp Tết, không khí đón Tết dường như đang gõ cửa từng khu vực nhà nơi đây. Trong đó, háo hức nhất có lẽ là những người vừa chuyển từ chùa Bồ Đề lên bởi đây là lần đầu họ đón Tết ở ngôi “nhà mới”.
Cụ Vũ Thị Biếng phấn khởi khi sắp được đón cái Tết đầu tiên tại Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ em khuyết tật Thụy An
Đang ngồi bên hiên nhà tán chuyện đón năm Tết cùng các cụ già ở trung tâm, bà Vũ Thị Biếng (69 tuổi), 1 trong 27 người từ chùa Bồ Đề chuyển sang trung tâm Thụy An chia sẻ: “Từ khi lên trung tâm, chúng tôi được cán bộ ở đây chăm lo như người thân trong nhà, cuộc sống đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần. Tết đến, các bộ trung tâm và nhiều cá nhân tổ chức có tấm lòng hảo tâm cũng đến chia sẻ tặng quà cho chúng tôi. Mấy cặp bánh chưng kia (bà Biếng chỉ lên mấy cặp bánh chưng để trên nóc tủ) là của những người có tấm lòng hảo tâm tặng chúng tôi ăn Tết đấy. Tôi cũng vừa được các bác lãnh đạo trung tâm xuống mời, đêm 30 Tết lên hội trường để đón giao thừa”.
Cùng tâm trạng với bà Biếng, bà Trần Thị Thoa (66 tuổi) hồ hởi: “Ngay từ khi bước chân vào Trung tâm, tôi đã có cảm giác rất thoải mái. Giờ tôi đã có thêm mấy người bạn già cùng cảnh ngộ để hàn huyên, tâm sự. Tết năm nay, mấy bạn tôi được trung tâm tổ chức mừng thọ đấy, phấn khởi lắm chú ạ”.
Cũng lần đầu đón Tết tại Trung tâm Thụy An nên các cháu nhỏ tàn tật, mồ côi từ chùa Bồ Đề chuyển lên cũng rất háo hức. Trò chuyện với chúng tôi, chị Hoàng Minh Hằng - người phụ trách nuôi dưỡng, chăm sóc các cháu cho biết: “Dù còn ít tuổi nhưng nhiều cháu cũng biết sắp đến Tết nên rất vui. Thi thoảng lại có cháu hỏi "đến Tết chưa mẹ?". Khi mẹ bảo dọn dẹp, trang trí lại nhà để đón Tết các anh chị lớn cũng vui vẻ giúp mẹ một tay”.
Các đối tượng chuyển từ chùa Bồ Đề lênTrung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ em khuyết tật Thụy An nay đã bắt nhịp được với cuộc sống ở ngôi “nhà mới”
Theo ông Đỗ Đức Hồng – Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Thụy An, đa số các cháu nhỏ tại trung tâm đều bị bỏ rơi, còn các cụ già thì mang bệnh tật hoặc neo đơn nên mỗi dịp Tết đến, trung tâm đều tổ chức các hoạt động văn nghệ để họ quên đi cảm giác thiếu thốn khi không có gia đình bên cạnh.
“Bên cạnh chế độ ăn uống được tăng cường theo quy định, chúng tôi cũng tổ chức cho mọi người đón giao thừa tại hội trường và tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí khác. Năm nay, trung tâm còn tổ chức mừng thọ cho các cụ cao niên. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức từ thiện trong và ngoài nước đã đến thăm hỏi, tặng quần áo, bánh chưng, giò chả, bánh kẹo… cho các cháu nhỏ và người già đón Tết Nguyên đán 2015”, ông Hồng cho biết.
“Tôi thương các cháu hơn con ruột mình”
Dù không được sống trong tình yêu thương của gia đình, nhưng những đối tượng đang được chăm sóc tại Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ em khuyết tật Thụy An lại nhân được tình yêu thương lớn lao từ cán bộ, nhân viên trung tâm, những người có tấm lòng thiện nguyện, hảo tâm trong và ngoài nước.
Nhiều cá nhân tổ chức có tấm lòng hảo tâm tới thăm hỏi tặng quà Tết cho người già và trẻ em khuyết tật tại Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ em khuyết tật Thụy An
Ôm cháu Huyền Anh (cháu bé bị cụt chân nay đã được trung tâm đưa đi lắp chân giả) vào lòng, chị Hoàng Minh Hằng tâm sự: “Khi mới được chuyển đến, lạ nhà, có cháu khóc liên tục, có cháu thì nhút nhát không nói chuyện với các cô. Để giúp các cháu hòa nhập, tôi và các cô ở đây nhiều đêm thức trắng để chăm sóc các cháu. Sau khoảng 3 tháng, sinh hoạt của các cháu bắt đầu đi vào nề nếp. Đến nay các con đã rất ngoan ngoãn, biết nghe lời các mẹ. Trong suy nghĩ của tôi và các cô ở đây, các cháu ở đây chẳng khác gì con ruột mình, thậm chí chúng tôi còn thương yêu, chăm sóc các cháu hơn cả con ruột mình.”
Chị Hoàng Thị Minh Hằng (áo xanh) cắt móng tay cho một trẻ mồ côi từ chùa Bồ Đề chuyển lên Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ em khuyết tật Thụy An
Chị Hằng cũng cho biết, ngoài các “mẹ”, hàng ngày có rất nhiều người có tấm lòng thiện nguyện cả trong và ngoài nước lui tới chăm sóc vui chơi cùng các cháu.
Trao đổi với chúng tôi về tình hình chăm sóc sức khỏe các đối tượng chuyển lên từ chùa Bồ Đề, ông Đỗ Đức Hồng cho biết sau khi tiếp nhận các đối tượng, trung tâm đã phân loại để có chế độ chăm sóc hợp lý.
Thiếu tình yêu thương của gia đình nhưng trẻ em mồ côi, khuyết tật chuyển từ chùa Bồ Đề luôn nhận được tình yêu thương chia sẻ của những người có tấm lòng hảo tâm và cán bộ trung tâm
“Với người bị tàn tật, trung tâm cho điều trị vật lý trị liệu. Trung tâm cũng liên kết với với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Nguyên phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng cho một số cháu bị dị tật về chân tay. Riêng cháu Kiều Tâm Anh (bị bệnh ly thượng bì bóng nước (EB) bẩm sinh, bị bỏ rơi ở chùa Bồ Đề - PV), trung bình 2 tháng lại được trung tâm cho đi kiểm tra, thăm khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện sức khỏe của cháu rất tốt. Ngoài ra, bé Hương Anh mắt bị hư nay đã được phẫu thuật thành công. Cháu Hương Anh nay đã có thể nhìn rõ hơn trước”, ông Hồng cho biết.
Cũng theo ông Hồng, với các cháu lớn đến tuổi đi học, Trung tâm sẽ tạo điều kiện để các cháu được tới trường học văn hóa và kỹ năng sống.
Ngoài ra, Trung tâm cũng đã liên hệ với xã Thụy An, các báo đài để tìm người thân cho các cháu, làm giấy khai sinh để đảm bảo quyền lợi hợp pháp lâu dài cho các cháu.