Tết của 2 cha con ở ngôi nhà siêu nhỏ tại phố cổ

Ngày 27/01/2014 13:51 PM (GMT+7)

Ẩn mình trong những con phố cổ giữa lòng Hà Nội, có nhiều ngôi nhà "siêu nhỏ" chỉ rộng có vài mét vuông. Hàng ngày, cuộc sống ở trong những tổ ấm đó vẫn diễn ra bình lặng.

Nhiều người tự hỏi rằng, mỗi độ Tết đến xuân về, ở trong những ngôi nhà chỉ bằng "hộp diêm" ấy thì những gia đình sống ở đó sẽ đón tết như thế nào (?)…

Muốn được đứng trong ngôi nhà của mình

Nhắc đến những căn nhà được coi là siêu nhỏ ở trong phố cổ không thể không nói tới có một căn phòng chỉ rộng 190cm, dài 270cm, cao là 120cm trong con ngõ 44 trên phố hàng Buồm (Hà Nội). Mới nghe qua nhiều người lầm tưởng đó là một cái gác xép để một gia đình nào đó để đồ đạc. Nhưng không, chỉ với diện tích chỉ 5m2, nhưng đó chính là tổ ấm của gia đình anh Hoàng Văn Xuân đã bao nhiêu năm nay. Chỉ cần nhìn những bậc thang trèo lên "mái nhà" đó đã đủ để mọi người cảm nhận dần những điều đặc biệt ở trong căn phòng này.

Cuộc sống của gia đình anh Xuân trong căn phòng siêu nhỏ này chưa một ngày nào được thoải mái, nhưng với hai cha con anh thì đến giờ được ở trong tổ ấm này cũng là niềm hạnh phúc của mình. Mở đầu câu chuyện nói về căn nhà "độc nhất vô nhị" của mình, anh Xuân cho biết: "Nhiều người bảo nhà tôi là ngôi nhà bé nhất cái phố cổ này, tôi cũng không biết có nhà nào nhỏ hơn nữa hay không nhưng tôi tin chắc rằng nếu ai nhìn thấy tổ ấm này cũng phải ngạc nhiên. Bởi vì hàng ngày, mọi sinh hoạt của hai bố con tôi lúc nào cũng chỉ bò, quỳ hay nằm chứ chưa bao giờ được đứng cả".

Tết của 2 cha con ở ngôi nhà siêu nhỏ tại phố cổ - 1

Mỗi lần lên xuống căn phòng của anh là rất khó khăn (ảnh N.T).

Chính vì sự chật chội đó nên gia đình anh Xuân cũng không sắm đồ đạc gì, nhìn trong căn nhà siêu nhỏ của anh, tôi chỉ thấy có những đồ dùng thiết yếu nhưng cũng rất sơ sài. Một nơi quan trọng đó là góc nội trợ của gia đình anh thì cũng chỉ có vài cái bát với đôi đũa, cùng một nồi cơm điện để nấu cơm và chế biến thức ăn.

Kể về cuộc sống của gia đình mình, anh Xuân cho biết: "Năm 1996 hai vợ chồng chúng tôi lấy nhau, một năm sau sinh cháu Hoàng Xuân Thủy. Mặc dù sống căn nhà chật hẹp như thế này đã lâu, nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nên gia đình tôi cũng chưa tính đến chuyện xây dựng căn nhà mới. Ngay từ khi lấy vợ về cô ấy đã không muốn ở trong căn nhà chật hẹp này, nhưng tôi phải động viên an ủi mãi mới được. Nhưng cách đây gần 3 năm, cô ấy bỏ đi xây dựng hạnh phúc riêng của mình. Từ ngày cô ấy bỏ đi, cũng rất ít khi gọi điện hay đến thăm hai bố con, cháu Thủy nó cũng buồn bã, ít nói hẳn đi. Tôi cũng động viên nó nhiều nhưng mà hoàn cảnh gia đình đã vất vả rồi giờ mẹ lại bỏ hai bố con nên nó vẫn buồn lắm".

Từ khi vợ tìm đến hạnh phúc mới, anh Xuân rơi vào cảnh "gà trống nuôi con", tự chăm sóc bản thân và nuôi con ăn học. Anh Xuân tâm sự: "Trước đây, cứ mỗi dịp tết về, hai vợ chồng cũng chỉ biết mua ít bánh kẹo để lúc có khách đến chơi. Mặc dù cuộc sống chật chội như thế, nhưng tôi vẫn cảm thấy vui vì có vợ có chồng, tết đến gia đình đông đủ đi chơi nhà anh em bạn bè". Anh Xuân cho biết, kể từ ngày vợ anh bỏ hai bố con đi thì cái tết của hai bố con anh đều do mẹ anh lo hết. Tuy nhiên, nói là lo nhưng đó cũng chỉ là ít bánh kẹo, vài cái bánh trưng mà các con cháu biếu cho bà.

Nói về người vợ của mình, anh Xuân bộc bạch: "Cô ấy ra đi tôi cũng không trách móc gì. Bản thân tôi cũng chỉ biết tôi không làm tròn bổn phận của một người chồng, một người cha. Trước đây, có bàn tay cô ấy ở nhà, chẳng bao giờ hai bố con lo đói cả. Những ngày tết đến xuân về cô ấy cũng về tận quê ở Ứng Hòa (Hà Nội) để lấy đồ quê lên ăn tết. Bây giờ chỉ còn có hai bố con…!". Nói đến đây, giọng anh Xuân nghẹn lại, bao ký ức về những tháng ngày gia đình hạnh phúc bên nhau lại tràn về. Qua câu chuyện của mình, anh Xuân bùi ngùi kể: "Bây giờ tôi cũng chỉ còn có cái xe máy cũ đang chạy xe ôm là tài sản giá trị nhất. Nhờ nó mà mỗi ngày cũng kiếm được dăm ba chục lo bữa cơm cho hai bố con".

Đang nói anh Xuân bỗng dưng dừng lại khi thấy cháu Thủy con anh đi học về. Anh Xuân nhìn con lúi húi cất những quyển vở lên giá sách mà đôi mắt ứa lệ. Trong hoàn cảnh đó, nhìn anh tôi mới cảm nhận được thêm tấm lòng thương con của anh. Lấy những bài kiểm tra của con ra, anh Xuân tự hào nói về đứa con của mình: "Nhà tuy nghèo nhưng cháu nó chịu khó học lắm chú ạ. Đầu năm ngoái dịp gần tết, nó thi học kỳ mà điểm toàn 9, 10, về nhà nó khoe là mừng tuổi cho bà và bố. Tôi cũng chỉ mong sao cháu nó được ăn học nên người, bố nó đã không học được thì chúng nó phải cố gắng mà học".

Khi tôi đang nói chuyện với anh, bỗng mảng vữa trên đầu rơi lả tả, chưa kịp để tôi cất lời anh Xuân đã trấn an "không sao đâu chú ạ, bình thường người ở tầng trên đi lại mạnh là vừa lại rơi xuống như thế ấy mà. Tường này làm lâu rồi nên giờ nó mốc và bung ra hết. Nhiều lúc mình chỉ ước rằng sẽ được đứng trong ngôi nhà của mình". Rồi anh quay sang lấy cái chổi nhỏ để góc nhà và quét những mảnh vữa đi. Ngước nhìn lên trên, tôi thấy những mảng vữa đã bong ra và chờ rơi xuống tổ ấm của anh bất cứ lúc nào. Nhưng có chứng kiến những cảnh như vậy, chúng ta mới thấu hiểu được nỗi vất vả khi phải ở trong căn nhà siêu nhỏ này.

Cảnh "gà trống nuôi con" lo cái "tết mới"

Dù ở trong căn nhà chỉ vài mét vuông nhưng lúc nào anh Xuân cũng động viên con mình. Trải lòng về cuộc sống của mình anh Xuân cho biết: "Từ khi mẹ thằng Thủy đi thì tết năm nào bà nội cũng ăn tết cùng hai bố con. Nhưng đến 11 tết năm ngoái thì mẹ tôi vì sức khỏe yếu nên bà đã qua đời. Thế là tết năm nay chỉ còn hai bố con với nhau, vắng bà những ngày tết chắc buồn lắm. Nhanh thật, đã sắp hết một năm rồi, năm nay không có bàn tay của bà, không biết cảnh "gà trống nuôi con" thế này hai bố con ăn tết kiểu gì nữa".

Tết của 2 cha con ở ngôi nhà siêu nhỏ tại phố cổ - 2

Căn phòng của anh Xuân chỉ cao khoảng 1,2m và rộng khoảng 5m2 (ảnh N.T).

Tiếp câu chuyện, anh Xuân nói thêm về những khó khăn khi phải sống trong căn nhà "độc" của mình: "Những ngày tết hay ngày bình thường cũng vậy, thằng Thủy chẳng bao giờ dám mời bạn về nhà chơi. Phần vì xấu hổ, phần vì có mời bạn đến nhà chơi cũng không có chỗ mà ngồi. Đặc biệt là những ngày tết, khi có hàng xóm sang chơi là nó chẳng bao giờ ở nhà. Vì không gian chật trội nên nó hay chạy đi chơi để một mình tôi ở nhà tiếp khách. Dù nhà chật hẹp nhưng cứ có khách đến là tôi thấy vui lắm rồi, mọi người không chê nhà mình thì mới đến chơi chứ".

Ngắm nghía căn phòng, tôi hỏi anh Xuân rằng tết đến thì mua sắm đào cảnh hay quất cảnh thì sắp xếp vào đâu, anh Xuân cho biết: "Gia đình tôi từ ngày ở đây chưa bao giờ sắm những thứ như đào quất bao giờ cả, nếu có mua thì cũng chẳng biết để vào đâu. Bây giờ căn phòng này hai bố con ngủ còn thấy chật nữa là. Bình thường mình cũng chẳng quan trọng ngày tết nhưng có cháu nhỏ, cùng phải lo cho cháu cái tết ấm cúng. Dù không được bằng bạn bằng bè nhưng khi có bạn nó đến chơi cũng phải có cốc nước, cái kẹo để cho nó mời các bạn".

Anh Xuân cũng cho biết, hàng năm, cứ đến ngày tết anh lại tranh thủ chạy xe ôm để kiếm thêm tiền. Vì thời điểm đó nhiều xe ôm ở tỉnh xa họ đi về quê hết nên có ngày tết anh chạy liên tục. Nghĩ mọi người đi chơi còn mình vẫn chạy xe ôm nhưng anh vẫn cảm thấy vui, vì công việc và cũng vì cuộc sống mưu sinh nên anh phải làm. "Chạy xe dịp tết này nhiều khi có khách mừng tuổi cho cả vài trăm nghìn ấy chứ chú ạ", anh Xuân vui vẻ nói.

Anh Xuân cũng thổ lộ rằng, dù đã sống cảnh gà trống nuôi con đã gần 3 năm nhưng anh cũng chưa tính chuyện sẽ tìm người con gái mới. Anh muốn cuộc sống của hai cha con không thay đổi nhiều tránh việc ảnh hưởng đến quá trình học tập của con. Đến khi con anh trưởng thành rồi thì anh có thể mới nghĩ đến chuyện này. Trước khi tôi ra về, anh Xuân bộc bạch rằng: "Nhiều khi mình thấy nó buồn nhưng cũng chỉ biết động viên con. Có lần ở nhà chán nó còn bảo với mình là con đi chơi cho nó khuây khỏa. Vẫn biết là con vất vả nhưng mình cũng khuyên nó cuộc sống gia đình mình là như thế, bây giờ hai bố con chỉ còn biết cố gắng thôi".

Theo Ngọc Tiến (Gia đình & Xã hội)
Nguồn:

Tin liên quan