Phố phường Hà Nội trong những ngày, thỉnh thoảng lại bắt gặp những nồi bánh chưng, khói bếp nghi ngút trên vỉa hè, mùi thơm bùi của đỗ xanh hòa quyện với mùi gạo nếp, thịt, hành… gợi nhớ những ký ức khó quên.
Tết đến xuân về, với nhiều thế hệ, chiếc bánh chưng là niềm hân hoan của ngày Tết sum họp, đoàn tụ. Ông cha ta có câu “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Vì thế, bánh chưng từ lâu đã không thể thiếu được trong mâm cỗ Tết cổ truyền của người Việt.
Nhịp sống hiện đại, đặc biệt, thế hệ trẻ tại các thành phố lớn dường như không có được cái cảm giác háo hức đêm giao thừa ấm cúng, mọi người quây quần quanh nồi bánh chưng. Giờ đây, bánh chưng cho ngày Tết được mua tại các siêu thị, cửa hàng hoặc đặt hàng giao tận nhà.
Vì vậy, xuống phố Hà Nội trong những ngày cận Tết này, bắt gặp những nồi bánh chưng tỏa mùi hương thơm, khói nghi ngút, mọi người trong cùng một khu phố hay anh em, họ hàng trong gia đình quây quần bên nồi bánh chưng, cười nói rộn rã…là một hình ảnh đẹp, gợi nhớ về những cái Tết xưa.
Cả khu phố và anh em nhà anh Tân (Nguyễn Thái Học, Hà Nội) đang quây quần bên nồi bánh chưng được nấu ngay tại vỉa hè, tối 26/1
Năm nào cũng vậy, cứ gần Tết âm lịch, tại trước của nhà anh Phan Minh Tân (Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội), cả khu phố lại luộc bánh chưng tập thể. Anh Tân chia sẻ: "Ngày Tết không thể thiếu nồi bánh chưng nên cả khu phố, anh em trong nhà nấu chung một nồi bánh, ngồi quây quần gói bánh, trông bánh, tạo một không khí náo nức trong những ngày cận Tết. Mọi người ngồi kể lại nhau cho nhau nghe những gì đã làm trong một năm qua cũng tạo không khí hòa đồng, gần gũi hơn".
Vừa mở nắp nồi bánh chưng để cho thêm nước, bà Hoàng Thị Thành (nhà ở phố Đội Cấn) chia sẻ: “Ngày Tết phải có nồi bánh chưng, nếu mua ngoài chợ thì không thể vệ sinh bằng nhà mình được, gạo, đỗ, thịt phải ngon, lá rong rửa sạch sẽ. Năm nay tôi gói 40 cái, ở nhà ăn một ít còn tôi mang đi biếu thông gia, họ hàng mỗi người 2 – 4 cái”.
Nồi bánh tỏa hơi thơm nức cả một khu phố, khói bếp vương vấn từ nhà này sang nhà khác, những câu chuyện một năm qua bên nồi bánh tết thêm rộn ràng.
Chùm ảnh người Hà Nội nấu bánh chưng trên phố:
Hương thơm ghi ngút tỏa ra từ nồi bánh chưng khiến cả khu phố Nguyễn Thái Học rộn ràng, mang không khí Tết khác hẳn những ngày thường.
Người cho nước, người đưa củi, thổi cho lên lửa...
....người lại tranh thủ lấy khoai lang ra nướng
Tối đến, cả khu phố, anh em, người già và trẻ em... quây quần ngồi bên nhau trên vỉa hè trông nồi bánh chưng
Sau 12 tiếng, bánh chưng được vớt ra, mùi vị thơm tỏa ra khắp phố, ai cũng cảm nhận được không khí Tết
Không chỉ gói bánh chưng mà người dân còn gói cả bánh tét của miền nam. Ngồi xum họp bên nhau thưởng thúc hương vị Tết truyền thống, ai cũng vui mừng, cười nói suốt đêm
Thưởng thức hương vị bánh chưng sau khi cúng ông bà tổ tiên
Những chiếc bánh chưng được nấu trong chiếc nồi cũ từ thời bao cấp của gia đình bà Hoàng Thị Thành (47/135 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội)
11h sau khi luộc, bánh được vớt
Những người hành xóm của bà Thành thích thú đến xem nồi bánh được nấu đúng kiểu thời xưa để sống lại những kỷ niệm về những cái Tết khi mình còn bé, được quây quần suốt đêm trông nồi bánh chưng, được ăn trước những cái bánh chưng nhỏ mà bố mẹ, ông bà gói giành riêng cho mình
Chiếc nồi bánh chưng đã cũ theo thời gian được đặt trên bếp than hiện đại. Bếp lại được đặt trên một thanh ray, mỗi lần thay than chỉ cần kéo nhẹ bếp ra cho than mới vào rất nhẹ nhàng
Bà Thành cho biết, ở thành phố, kiếm củi cũng khó khăn nên phải nấu bánh chưng bằng than, tuy không ngon bằng nấu củi nhưng vẫn tạo được không khí chan hòa, gắn kết mọi người với nhau
Một em nhỏ đang trông nồi bánh chưng trên phố Chùa Láng, Hà Nội
Một cụ già dừng chân, đứng nhìn cảnh những nồi bánh chưng đỏ lửa trên phố (ảnh chụp trên phố Đội Cấn, Hà Nội)
Đây là những nồi bánh chưng của phường Đội Cấn, được các bạn trẻ tình nguyện làm để tặng cho những người neo đơn, các em nhỏ mồ côi, gia đình khó khăn trong phường
Bánh sau khi được vớt ra cho vào nước lạnh, rửa sạch rồi mang đi ép cho vuông vắn.
Còn đây là những nồi bánh chưng to được nấu đại trà mang ra chợ, siêu thị bán của những hộ kinh doanh ở Hà Nội.