Tết của người Việt nơi đất khách: người đã quen thuộc, người vẫn xao xuyến nhớ mong

Ngày 06/02/2019 11:00 AM (GMT+7)

Tết là ngày đoàn viên, là ngày sum họp. Nhưng đối với những người Việt trẻ đang sinh sống và làm việc xa quê hương, Tết là dịp để ai cũng bồi hồi nhớ về gia đình.

Từ xưa đến nay, Tết Nguyên đán hay Tết Âm lịch là một dịp lễ vô cùng quan trọng trong văn hóa người Việt. Những ngày này, dù đang làm việc, học tập xa nhà, nhưng tất cả mọi người luôn cố gắng để trở về với gia đình. Tết là cành đào thắm, là đóa mai vàng, là bánh chưng, dưa hành, là đoàn tụ, là sum vầy, là cả nhà bên nhau đầm ấm...

Thế nhưng vẫn có những người Việt xa xứ không thể trở về quê nhà vào những ngày đặc biệt này. Nguyễn Vũ Anh (1993) hiện đang sinh sống và làm việc tại Canada. Vũ Anh tới Canada du học từ khi còn là học sinh cấp 3, cho đến nay anh đã có một thời gian dài sống xa gia đình.

Tết của người Việt nơi đất khách: người đã quen thuộc, người vẫn xao xuyến nhớ mong - 1

"Mình là chuyên viên kĩ thuật cho 1 ngân hàng của Canada, đã sống, học tập và làm việc bên này đc 8 năm. Thông thường,  mình luôn cố gắng sắp xếp để có thể về Việt Nam ăn Tết với người thân và bạn bè. Tuy nhiên trong quá trình học đại học, việc lịch trình môn học bị xáo trộn là rất khó tránh khỏi, có vài năm mình phải ở lại học kì mùa đông và đón cái Tết xa nhà", Vũ Anh tâm sự.

Cái Tết xa quê hương của Vũ Anh hoàn toàn khác biệt khi ở Việt Nam bởi Canada không phải là một đất nước ăn Tết theo lịch âm. Vì thế, mọi người vẫn học tập và làm việc bình thường, đường phố cũng không được trang trí rực rỡ, cũng không có hoa đào, hoa mai - đặc trưng của Tết...

"Ở Canada không có nhiều hoạt động diễn ra trong dịp Tết âm lịch mà chủ yếu cộng đồng người Châu Á tự tổ chức với nhau. Vì không phải là dịp lễ nên mọi hoạt động công việc vẫn diễn ra như bình thường, bọn mình vẫn phải bận rộn đi học, đi làm khiến cho những ngày Tết ở bên này trôi qua rất bình lặng và hầu như không đọng lại dư vị gì", Vũ Anh cho rằng không khí Tết ở bên này hầu như không có bởi bị guồng quay công việc cuốn đi.

Tết của người Việt nơi đất khách: người đã quen thuộc, người vẫn xao xuyến nhớ mong - 2

Vũ Anh thường tụ tập bạn bè trong những ngày đón Tết ở Canada 

Dù đã từng tham gia vào những hoạt động đón Tết của cộng đồng người Việt, nhưng Vũ Anh cho rằng "chẳng khi nào Tết được trọn vẹn nếu không phải ở Việt Nam": "Ngày trước mình cũng tham gia đón Tết với cộng đồng sinh viên Việt Nam ở bên này. Mọi người rất cố gắng tạo dựng một bữa tiệc Tết vui vẻ, sum vầy tuy nhiên bản thân mình vẫn luôn cảm thấy thiếu một điều gì đó. Tết trong mình là những phút giây được ở bên những người mình yêu quý, được hòa vào cái không khí rộn ràng náo nhiệt tràn ngập ánh nắng của mùa xuân, thứ mà một đất nước trắng tuyết như Canada không thể nào có được".

Giờ đây, đã quá quen với việc phải đón giao thừa cách gia đình nửa vòng trái đất, Vũ Anh thường mời hội bạn thân đến nhà chơi, đi ăn uống thỏa thích. Đến tối, Vũ Anh sẽ gọi điện về nhà để chúc mừng năm mới và trò chuyện cùng gia đình, bạn bè ở Việt Nam để rồi lại quay về với cuộc sống bình thường.

"Có lẽ do xa nhà đã lâu cộng thêm tính cách cởi mở nên mình không cảm thấy cô đơn khi phải đón Tết phương xa. Tất nhiên vẫn sẽ nhớ nhà một chút nhất là vào thời khắc chuyển giao hay khi bố mẹ gọi điện sang chúc mừng, tuy nhiên nỗi nhớ thường nhanh chóng được khỏa lấp bởi công việc cũng như lịch học bận rộn. Cá nhân mình nghĩ không vào facebook instagram trong dịp này thì sẽ chẳng cảm thấy gì đâu", Vũ Anh cười.

"Mẹ mình thường hay đùa rằng gia đình đang yên ổn may quá con không về, nhưng hơn ai hết mình biết mẹ và gia đình luôn muốn một cái Tết sum họp với đầy đủ thành viên trong gia đình. Bởi thế cả nhà hay gọi điện cho mình để chúc mừng vào thời khắc giao thừa", Vũ Anh tâm sự thêm.

Tết của người Việt nơi đất khách: người đã quen thuộc, người vẫn xao xuyến nhớ mong - 3

Không như Vũ Anh, Hoàng Mai Lan (1993) hiện đang sinh sống và làm việc tại một đất nước có văn hóa tương tự Việt Nam hơn là Singapore. Singapore là một đất nước đa văn hóa, lại có nhiều người Trung Quốc và Việt Nam sinh sống nên không khí đón Tết Âm lịch ở đây rộn ràng hơn các nước Châu Âu khá nhiều.

"Mình đang làm cho một công ty tư vấn về kinh tế và chiến lược ở Singapore, tính cả thời gian học tập và đi làm mình đã sinh sống ở đây được 6 năm. Mình thường xuyên phải ăn Tết xa nhà vì lý do học tập và công tác ở nước ngoài. Mình đã từng đón Tết ở Singapore, Mỹ và Pháp nhưng chưa lần nào được về Hà Nội ăn Tết với cả đại gia đình như lúc ở Việt Nam", Mai Lan chia sẻ.

Tết của người Việt nơi đất khách: người đã quen thuộc, người vẫn xao xuyến nhớ mong - 4

Mai Lan từng đón Tết ở Paris hoa lệ

Mai Lan là một cô gái vô cùng tình cảm, bởi vậy mỗi khi phải đón Tết xa nhà, cảm xúc trong cô vẫn dạt dào xao xuyến, nhớ nhung một cái Tết đoàn viên cùng gia đình khi còn ở Việt Nam.

"Tết đầu tiên ở nước ngoài của mình là khi mình mới học năm nhất đại học tại Singapore, cũng là lần đầu tiên mình đón Tết một mình. Lúc đó mình rất nhớ nhà, nhớ gia đình và cả không khí bận rộn dịp cuối năm để chuẩn bị cho Tết. Những công việc bình thường ngày Tết như là dọn dẹp nhà cửa rồi sắm sửa cành đào, cây quất hay là bày mâm cỗ cúng giao thừa lại trở nên đáng nhớ vô cùng.

Những thứ trước đây mình không hay để ý như là cái thời tiết se lạnh và mưa phùn của Hà Nội lúc đầu xuân hay là những góc phố đông đúc và tràn ngập sắc đỏ của đồ trang trí Tết lại khiến mình cảm thấy thích thú khi nhớ lại. Mình thấy thèm những món ăn ngày Tết như là bánh chưng và hành muối, những thứ tưởng chừng như đã quá quen thuộc mà lúc ở nhà mình sẽ chẳng thấy chúng đặc biệt.

Tết của người Việt nơi đất khách: người đã quen thuộc, người vẫn xao xuyến nhớ mong - 5

Những điều tưởng như bình thường lại trở thành những thứ gây thương nhớ nhất khi Lan đón Tết xa nhà

Có lẽ khoảnh khắc hạnh phúc nhất là lúc được nói chuyện với gia đình trong đêm giao thừa. Lúc đó mình chỉ có một mình ở trong căn ký túc xá nhỏ của trường đại học, nghe mẹ kể chuyện sắm Tết và chuyện tất niên ở nhà, mình không còn nghe lẫn tiếng ồn ào của xe cộ ngoài phố như mọi khi, chỉ còn tiếng mưa phùn nhẹ và êm đặc trưng của ngày Tết.

Cái Tết đặc biệt nhất với mình có lẽ là lúc mình đang ở Paris. Từ hồi ở xa mình không được ăn các món Việt Nam vào ngày Tết, duy chỉ có năm đó là mình được tặng một cái bánh chưng mới gói theo đúng kiểu truyền thống. Chiếc bánh chưng nhỏ không đáng bao nhiêu nhưng một người bạn đã cất công mang từ Việt Nam qua rồi đi xe cả tiếng dưới trời tuyết lạnh để trao tận tay cho mình. Lúc đó mình mới thấy quý không chỉ món quà truyền thống mà còn là tình cảm của những người Việt xa xứ dành cho nhau.

Những cái Tết ở nước ngoài mình đã trải qua đều khá đơn giản, không cầu kỳ như Tết ở Việt Nam. Nếu ở Singapore thì sẽ có hai ngày nghỉ vào dịp Tết còn ở Mỹ và Pháp thì không có ngày nghỉ nào. Vì thế dịp này cũng không có nhiều hoạt động đặc biệt. Ở những nước có đông sinh viên Việt Nam như là Singapore, Pháp và Mỹ thì hội sinh viên có thể tổ chức liên hoan với nhau, rồi Đại Sứ Quán Việt Nam cũng hay có chương trình đón Tết.

Tết của người Việt nơi đất khách: người đã quen thuộc, người vẫn xao xuyến nhớ mong - 6

Mai Lan từng tham gia bữa tiệc đón Tết Nguyên đán do Đại Sứ Quán Việt Nam ở Singapore tổ chức

Bản thân mình thì không chuẩn bị gì nhiều, thứ duy nhất mà mình háo hức chuẩn bị là bộ áo dài. Có lẽ Tết là dịp duy nhất trong năm mình được khoác lên mình tà áo dài truyền thống. Mình không hay mặc áo dài vào dịp Tết lúc còn ở Việt Nam nhưng khi ra nước ngoài thì lại có cảm giác thích thú và tự hào khi được mặc áo dài. Thích nhất là khi bạn bè quốc tế khen ngợi nét đẹp của tà áo dài Việt Nam và mình có dịp kể cho họ nghe về văn hóa của người Việt.

Tết của người Việt nơi đất khách: người đã quen thuộc, người vẫn xao xuyến nhớ mong - 7

Dù xa quê đã lâu nhưng mỗi dịp Tết đến, Lan lại diện chiếc áo dài đặc trưng để dạo phố

Năm nay mình không thể sắp xếp về đón Tết với gia đình được, mấy người bạn Việt thì đã tranh thủ về nhà từ tuần trước nên chắc là chỉ có một mình mình ở đây thôi. Năm nay mình định tự nấu mấy món Việt Nam đơn giản cho đỡ nhớ, chắc là sẽ gọi về nhà và nói chuyên với gia đình lâu một chút để nghe kể chuyện Tết ở nhà", Mai Lan tâm sự về 6 năm ăn Tết xa quê hương.

Người mẹ bị trao nhầm con ở Ba Vì: Tôi chỉ mong Tết được cùng hai con gói bánh chưng
Tết đã đến rất gần và chị Hương mong muốn sẽ được cùng 2 con ngồi gói bánh chưng để cùng nhau chuyện trò sau nhiều ngày xa cách.
Linh Lan
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tết - Yêu đi đừng sợ