Nàng dâu mới không dám thưa chuyện trực Tết với nhà chồng, chạy tua chúc Tết để kịp đi làm

Ngày 01/02/2019 10:00 AM (GMT+7)

Không ít nàng dâu làm trong ngành Y, ngành Điều dưỡng mới "chân ướt chân ráo" về làm dâu không biết phải nói với nhà chồng ra sao khi rời cỗ bàn Tết giữa chừng để kịp giờ đi làm.

Nàng dâu mới không dám thưa chuyện trực Tết với nhà chồng, chạy tua chúc Tết để kịp đi làm - 1

Khác xa những thứ mình được học, có những việc ngoài sức tưởng tượng

Do đặc thù công việc, điều dưỡng trẻ tại Viện Dưỡng lão Diên Hồng phải ở lại trực thông Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Trong số đó có nhiều cô gái vừa “chân ướt chân ráo” về nhà chồng đã phải xa nhà.

Tết Kỷ Hợi này là năm đầu tiên Cao Ánh Vân (SN 1993), quê ở huyện miền núi Mường Lát, Thanh Hóa đi làm dâu ở Nam Định và cũng là năm đầu tiên cô được phân công trực Tết.

“Ban đầu khi mới bắt đầu công việc, em thấy bỡ ngỡ lắm vì nó khác xa với những gì mình đã được học. Thậm chí có những thứ ngoài sức tưởng tượng của mình”, Vân chia sẻ về công việc điều dưỡng tại Viện Dưỡng lão.

Nàng dâu mới không dám thưa chuyện trực Tết với nhà chồng, chạy tua chúc Tết để kịp đi làm - 2

Dù đã có lịch trực Tết nhưng Vân vẫn chưa dám nói với gia đình nhà chồng.

"Hằng ngày, điều dưỡng không chỉ chăm sóc các cụ về vấn đề sức khỏe, bệnh tật mà còn cần quan tâm chăm sóc cả về mặt tinh thần của người già, từ những điều nhỏ nhất như ngồi nghe các cụ tâm sự...

Vào đây, việc tắm rửa, chăm sóc cho các cụ ông là chuyện rất bình thường. Ban đầu bọn em có hơi ngượng ngùng nhưng rồi cũng quen. Cứ nghĩ đơn giản rằng, các cụ như người thân của mình, phải làm hết trách nhiệm và chăm sóc bằng cái tâm của mình”, Vân nói.

Nàng dâu mới vẫn chưa dám nói với bố mẹ chồng chuyện trực Tết

“Hôm em chia sẻ về lịch trực Tết, chồng em còn cáu và yêu cầu nghỉ việc do không chấp nhận vợ phải trực Tết ngày mùng 1. Sau đó em có giải thích với chồng nhiều lần, đó là yêu cầu công việc và đồng nghiệp ai cũng phải trực Tết. Cũng may, cuối cùng chồng em đã hiểu và thông cảm cho công việc mà vợ đang làm. Nhưng thật sự em vẫn chưa dám nói với gia đình chồng vì không biết phải trình bày ra sao”, Vân tâm sự. 

Vân cùng chồng dự tính, trong kỳ nghỉ trước Tết này, hai vợ chồng sẽ về nói chuyện với gia đình về vấn đề trực Tết. “Em định khi nào về nhà hai vợ chồng sẽ nói chuyện với gia đình. Do là dâu cả trong nhà nên em nghĩ sẽ có cái khó riêng, em chỉ mong bố mẹ thông cảm cho đặc thù công việc của mình”.

Nàng dâu mới không dám thưa chuyện trực Tết với nhà chồng, chạy tua chúc Tết để kịp đi làm - 3

Các điều dưỡng phải thay nhau trực Tết vì các cụ trong viện dưỡng lão ít về nhà.

Chạy tua đi chúc Tết để còn kịp đi trực

Là một người làm việc từ khi viện dưỡng lão đi vào hoạt động, năm nào điều dưỡng Vũ Thị Hồng Thơm (SN 1991, quê Nam Định) cũng phải trực Tết.

Thơm kể, cô nhớ mãi lần trực Tết tại Viện đúng năm đầu tiên về làm dâu nhà chồng. “Năm đó, ngay cả việc ăn uống em cũng phải tranh thủ. Thậm chí, còn phải chạy tua đi chúc Tết anh em nội ngoại để kịp ngày còn đi trực”.

Nàng dâu mới không dám thưa chuyện trực Tết với nhà chồng, chạy tua chúc Tết để kịp đi làm - 4

Phải xa gia đình trong những ngày Tết ,Thơm luôn tự thấy mình chưa làm tròn bổn phận của người con dâu.

Đến nay đã 4 năm đi làm dâu, năm nào Thơm cũng phải ăn cái Tết vội vàng. Thơm bảo, điều may mắn và hạnh phúc nhất với mình là bố mẹ chồng hiểu công việc mà con dâu đang làm. Mỗi lần thấy con dâu đi trực, bố mẹ và chồng đều động viên cố gắng. Nhưng bản thân Thơm vẫn tự thấy mình chưa làm tròn bổn phận của người con dâu. “Cảm ơn bố mẹ chồng vì 4 năm làm dâu con chưa làm tròn bổn phận của mình. Cảm ơn bố mẹ đã hiểu cho công việc của con”, Thơm nhắn nhủ tới gia đình mình.

Có những lúc tủi thân phát khóc nhưng chưa bao giờ hối hận vì chọn công việc này

Suốt 5 năm làm việc tại Viện Dưỡng lão, cái Được lớn nhất mà Thơm nhận được chính là tình cảm mà các cụ dành cho mình. “Những ngày Tết các cụ rất quan tâm đến chúng em. Thấy các điều dưỡng phải vất vả ở lại trực Tết các cụ hỏi thăm, động viên và cả mừng tuổi đầu năm nữa.

Bản thân em lấy chồng đã 4 năm nhưng chưa có con. Thấy vậy, các cụ thường xuyên hỏi han và còn cho cả các địa chỉ uy tín để thăm khám cho sớm có em bé. Chính những tình cảm đó khiến em thấy mình yêu công việc và gắn bó với công việc này hơn”, Thơm nói.

Nàng dâu mới không dám thưa chuyện trực Tết với nhà chồng, chạy tua chúc Tết để kịp đi làm - 5

Người thân của các cụ đến chúc Tết và tham gia các hoạt động tại viện dưỡng lão.

Theo Thơm, viện dưỡng lão như một xã hội thu nhỏ, cũng có người nọ người kia. Không ít lần, trong lúc làm việc, Thơm cũng như các đồng nghiệp của mình bị chửi mắng, nhưng vì biết tính các cụ nên họ vẫn nở nụ cười để xua đi không khí căng thẳng.

“Có những cụ rất tốt tính nhưng cũng có cụ hơi khó tính. Thậm chí có cụ chỉ coi mình là giúp việc, lúc đó cảm thấy tủi thân và chạy vào nhà vệ sinh khóc. Nhưng khi bình tĩnh suy nghĩ lại, em nghĩ rằng, mình đã đến với công việc này thì phải chấp nhận và không nên để ý đến những câu nói như vậy”, Thơm chia sẻ.

Trải qua bao vui buồn trong công việc nhưng chưa khi nào Thơm và Vân cảm thấy hối hận khi chọn làm điều dưỡng tại viện dưỡng lão. “Đến bây giờ, nếu cho chọn lại em vẫn chọn công việc này. Em thấy đây là công việc phù hợp tâm tính của em và em nhận được nhiều thứ, đó là tình cảm của các cụ, tính nhẫn nại và cái tâm”, Thơm tâm sự.

Người ta nghỉ Tết vào 28 nhưng với cô lễ tân này tận sáng mùng 1 mới được về nhà
Phải trực đến hết ngày 30 Tết, thậm chí qua cả khoảnh khắc năm mới, nhiều lễ tân thường xuyên phải đón một cái Tết muộn.
Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tết - Yêu đi đừng sợ