Vợ đẹp con ngoan, lại là giảng viên của một trường đại học, nhưng chỉ vì ham tiền, Minh đã thuê người làm giả con dấu để làm giả giấy tờ. Sự việc bại lộ, Minh bị kết án 22 năm tù giam.
Giảng viên thụ án 22 năm tù
Nguyễn Văn Minh (SN 1971, ngụ TP.HCM) là một trong những phạm nhân “đặc biệt” đang thụ án ở trại giam Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
Minh là một trong số những tội phạm có trình độ và từng là giảng viên một trường đại học có tiếng ở TP.HCM. Nói về Minh, một cán bộ quản giáo chia sẻ: “Minh phải vào đây là do lòng tham chứ không phải thiếu hiểu biết mà làm liều. Khi đọc lý lịch Minh, chúng tôi cũng thấy tiếc cho phạm nhân này. Cuộc sống vốn vậy, nếu không tự bằng lòng với mình, kiếm tiền bất chính, thì con người ta dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, điều kiện nào cũng dễ phạm tội. Thấy Minh cải tạo tốt, chúng tôi đã cho Minh vào đội tự quản phạm nhân. Mong Minh cố gắng hơn nữa, nhanh chóng về hòa nhập với cộng đồng”.
Minh đang cố gắng nở nụ cười tươi để đón mùa xuân mới.
Ngồi đối diện với PV, lúc đầu Minh có chút e ngại, nhưng sau đó khá thoải mái khi chia sẻ về cuộc đời mình. Minh thành thật nói: “Cũng chỉ là tôi quá ham tiền nên đã lú lẫn. Bây giờ gia đình tan nát, con cái dù có thương tôi, nhưng chắc trong lòng nó, hình ảnh tôi cũng không như ngày xưa nữa. Dù có trả giá bằng những ngày tháng tù tội, sau này tôi vẫn không thể nào sống vui vẻ được. Người bình thường phạm tội đã là không nên, một người làm công tác giáo dục như tôi mà phạm tội thì thật đáng khinh. Hệ quả nó để lại là vô cùng nghiêm trọng. Không những cho một người, mà còn rất nhiều người liên lụy vì tôi”.
Người đàn ông từng được bao nhiêu người ngưỡng mộ ấy đã vứt bỏ những ngày tháng huy hoàng của mình chỉ vì ham tiền. Điều khiến Minh đau đớn nhất khi chia sẻ với PV là chuyện gia đình.
“Tôi thấy mình vô cùng có lỗi với vợ tôi và ba mẹ tôi. Tôi lừa đảo được hơn một tỉ đồng, nhưng thú thật là số tiền đó mẹ tôi, vợ tôi không ai được đồng nào. Vì vậy mà hai người họ cứ nghi ngờ lẫn nhau. Vợ tôi thì nghĩ tôi đưa cho mẹ, mẹ thì bảo tôi đưa cho vợ, nên cuối cùng là tình cảm mẹ chồng nàng dâu rạn nứt. Tôi cũng đã nói với cả hai, là tôi chẳng đưa tiền cho ai cả, tiền bạc không phải bằng mồ hôi lao động chân chính, thì dễ đi lắm. Nhưng bây giờ có nói gì, mọi thứ cũng đã không thể cứu vãn được nữa. Tôi hầu như mất tất cả rồi”, Minh trải lòng.
Làm giả con dấu để lừa đảo
Vốn quen biết rộng nên Minh nghĩ mình có thể lợi dụng những mối quen biết đó để “hái ra tiền”. Đầu tiên, Minh sử dụng căn nhà mà hai vợ chồng đang ở làm chỗ giao dịch, ký hợp đồng và tổ chức luyện thi.
Sau đó, Minh tiếp tục đầu tư 34 triệu đồng để thuê Phan Văn Hùng làm giả con dấu của hàng chục trường đại học như: ĐH Y Dược, ĐH Kiến trúc, ĐH Bách khoa, ĐH Ngoại thương, ĐH Luật TP.HCM...; một số trường trung học: Mạc Đĩnh Chi, Trần Hữu Nghĩa, Marie Curie, Tôn Đức Thắng...; và các con dấu của bộ GD&ĐT, sở GD&ĐT TP.HCM, phòng Công chứng Nhà nước số 3. Giá mỗi con dấu từ 700.000 đến 1 triệu đồng.
Rồi, Minh tiếp tục móc nối với kỹ sư điện tử Phạm Quang để tìm người có nhu cầu thi vào đại học với giá đưa ra từ 20 đến 40 triệu đồng tùy theo nguyện vọng của mỗi thí sinh. Đối với những thí sinh thi không đậu mà nhờ lo chấm phúc khảo nâng điểm, Minh "chào" giá từ 10 đến 30 triệu đồng/người.
Thí sinh do Minh giúp đỡ được đưa về "cơ sở" để ký hợp đồng, giao nhận tiền và học một vài buổi luyện thi qua loa rồi đi thi. Khi có kết quả tuyển sinh, thí sinh nào tự thi đậu, Minh cho là "nhờ công ơn" Minh nên hưởng trọn số tiền đã nhận. Những thí sinh không đậu, Minh sử dụng các con dấu, biểu mẫu giả để làm giấy báo trúng tuyển, cùng hồ sơ tuyển sinh giả mang về địa phương xác nhận.
Với những trường hợp nhờ chấm phúc khảo nâng điểm, Minh cũng làm giấy báo giả rồi giao cho thí sinh. Với những thủ đoạn đó, trong hai kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2001 và 2002, Minh được 56 người "nhờ giúp đỡ" và Minh đút túi gần 1,2 tỉ đồng.
Ngoài ra, Minh còn "giúp đỡ" nghiên cứu sinh Nguyễn Hữu Hiếu để anh này đủ điều kiện đi nước ngoài từ nguồn ngân sách Nhà nước, bằng cách cung cấp những giấy tờ giả theo yêu cầu của "thân chủ" với giá 13 triệu đồng. Đồng thời, Minh còn giúp nâng điểm thi TOEFL cho một người tên Thắng với chi phí "hữu nghị" là 1.200 USD.
Không dừng lại ở đó, Minh còn sử dụng bộ hồ sơ nhà đất của một bác sỹ nhờ bán giúp để làm giả các giấy tờ như chứng minh nhân dân, bản sao hộ khẩu thường trú, giấy chứng nhận độc thân, giấy giao đất mang tên Bùi Huy... đem bán cho người khác với giá 110 lượng vàng SJC.
Khi nhắc đến những tội lỗi của mình, Minh tỏ vẻ hối hận. Minh chia sẻ: “Tôi thấy, mình có trả giá bao nhiêu cũng không thể bù đắp được những mất mát của các em học sinh đã bị tôi lừa. Trước đây, khi tôi vào tù có hai học trò đến thăm. Sau khi gặp, tôi bảo các em đừng bao giờ vào đây nữa. Tôi không dám đối mặt với học trò của mình, cũng không đủ tư cách để các em gọi là thầy”.
Điều mà Minh đau đáu hơn, là việc ba mẹ Minh chịu tai tiếng khi có đứa con mang tội danh “lừa đảo”. Ông bà sinh ra được 9 người con và ai cũng tốt nghiệp đại học, có cuộc sống ổn định về kinh tế.
Minh chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi đã được ba mẹ dạy dỗ đàng hoàng. Các anh chị em tôi chưa ai từng vi phạm pháp luật. Gia đình đông con, nhưng ba mẹ tôi đã cố gắng nuôi 9 anh chị em tôi, chưa bao giờ để cho chúng tôi đói ăn thiếu mặc. Tưởng như con cái thành đạt, dựng vợ gả chồng hết, thì ba mẹ tôi vui vẻ tuổi già. Nào ngờ tôi lại phạm tội khi đã công thành danh toại. Nhưng điều mà tôi vô cùng biết ơn, đó là sự bao dung tha thứ của ba mẹ.
Hai ông bà có gì ngon cũng đưa lên cho tôi ăn. Khi sức khỏe không còn được như xưa, không thể đi được thì ba mẹ lại nói các anh chị em tôi thay phiên nhau đưa đồ ăn cho tôi. Tôi cũng chỉ mong, sau này trở về, được sống những ngày cuối đời bên ba mẹ”.
Nhắc đến mẹ, Minh không quên nhắc đến những kỷ niệm khi Tết đến. Dù nhỏ hay đã lớn, Minh đều được mẹ lì xì, đều được mẹ tự tay gói bánh chưng cho. Cả gia đình mấy chục con người quây quần bên nhau, ôn lại chuyện tình cảm gia đình. Đó là điều mà Minh nhớ nhất và cũng là những tháng ngày quý giá nhất mà Minh có.
Ly hôn vợ khi biết mình sẽ bị bắt
Theo lời của Minh, khi bị các nạn nhân tố cáo, Minh vẫn cố chống chế với cơ quan công an. Biết trước sau gì mình cũng bị pháp luật trừng phạt nên Minh đã chủ động ly hôn với vợ. Minh xót xa nói: “Tôi biết mình án nặng lắm nên trước khi bị bắt, tôi đã chủ động ly hôn cho cô ấy nhẹ nhàng. Tôi có lỗi với vợ con, vì làm một người chồng không gương mẫu, người cha vô trách nhiệm, để các con mang tiếng xấu...”.
* Tên nhân vật đã thay đổi.