Tết Trung thu ở Việt Nam có gì khác so với các nước trên thế giới, đặc biệt Trung Quốc?
Tết trung thu truyền thống từng là ngày hội xóm làng vui mùa bội thu và tạ ơn trăng, dần dà được chuyển hóa thành một lễ nghi mang đậm chất giao tế xã hội, nhất là sau khi trải qua giai đoạn phong kiến lấy Nho giáo làm hệ tư tưởng chính thống.
TS Phạm Lan Oanh - Trưởng khoa Sau đại học - Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) nói: "Mọi người thường hiểu Trung thu là tết cho trẻ em, nhưng theo tôi, nghĩa gốc Trung thu là dịp tết dành cho tất cả mọi người đặc biệt trẻ em và người già".
“Tết Trung thu cổ truyền là nghi lễ trong vòng cấy trồng mỗi năm, nó gắn với chu kỳ sinh trưởng của cây trồng mà mùa thu là mùa thu hoạch, gặt hái, trữ kho. Chẳng thế mà người xưa có câu xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàng.
Đây cũng là dịp quan trọng với người làm nghề nông. Thời xưa, người làm nông nghiệp thường ngắm trăng vào dịp này để đoán xem thời tiết tháng 9 ra sao vì thời tiết ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả thu hoạch”, tiến sỹ Lan Oanh cho biết.
Sự khác biệt giữa xưa và nay
Cũng theo vị tiến sỹ này, ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, nhất là ở các thành phố lớn, khái niệm Trung thu đang dần trở nên mờ nhạt.
“Người ta chỉ có thể cảm nhận thời tiết thay đổi, trở nên mát mẻ hơn chứ họ không còn nhìn lên trời để đoán thời tiết nữa vì đã có các chương trình dự báo thời tiết.
Nhiều người cũng không còn cảm nhận sự trong sáng của ánh sáng từ mặt trăng nữa. Môi trường thay đổi kéo theo nhiều nét văn hóa khác cũng đổi khác”, bà Oanh nhấn mạnh.
Mô hình đèn khổng lồ từ khắp các phường tụ về trước Trung tâm hội nghị tỉnh Tuyên Quang và khu vực ngã 8 Quang Trung (Tuyên Quang) (Ảnh: Tất ĐỊnh)
Còn theo tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thơ, Trưởng phòng Quản lý khoa học - Dự án (ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn), chuyên gia văn hóa từng nghiên cứu rất nhiều về tết Trung thu, ngày xưa tồn tại hai phong cách tết Trung thu dân gian (cúng trăng, phá cỗ, múa lân-sư, trẻ con chơi rước đèn, kể chuyện Chú Cuội - chị Hằng…) và phong cách chính thống (giao tế xã hội) có tương tác nhau, nhưng không thay thế nhau.
Ngày nay, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa lên nhanh đã rút ngắn thời gian nhàn rỗi của chúng ta, đồng thời đẩy mục tiêu ứng xử với môi trường xã hội lên cao hơn so với ý nghĩa ban đầu, con người có xu hướng tặng nhau những món quà tinh tế hơn về hình thức và đắt đỏ hơn về giá trị, đồng thời bỏ quên hoặc đánh lờ các thực hành văn hóa dân gian truyền thống (cúng trăng, gắn kết xóm làng, tạo không khí hội hè hưng phấn).
Việt Nam khác thế giới ở đâu?
Một số các quốc gia Đông Nam Á khác ngoài Việt Nam cũng có lễ cúng trăng, song nó rơi vào các thời điểm khác nhau của chu kỳ trăng do ảnh hưởng của hệ thống lịch pháp mà các quốc gia ấy sử dụng.
Theo tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thơ, người Trung Hoa xưa, nhất là khu vực phía Nam, cũng coi tết Trung thu là một lễ tết cúng trăng, song sớm “chính thống hóa” thành một lễ tết của sự đoàn tụ gia đình và lễ tạ ơn mang tính xã hội.
Các gia đình Trung Hoa truyền thống vẫn làm mâm cơm cúng tổ tiên, bày mâm cỗ cúng trăng (hoa quả, bánh trung thu, trà rượu..), cả gia đình đoàn tụ. Bánh trung thu phải tròn, tượng trưng cho sự đoàn viên. Văn nhân mặc khách thì ngắm trăng so tài thi họa. Nói chung, ý nghĩa đoàn viên đã dần thay thế ý nghĩa gốc của một nghi lễ tạ ơn trăng.
Ngày nay, người Trung Hoa cũng tặng nhau những túi bánh trung thu và những gói quà muôn màu với nhiều ý nghĩa khác nhau. Ngoài ra, vùng cửa sông Trường Giang và vịnh Hàng Châu, người ta còn tặng nhau những cặp cua to (mùa trung thu là mùa thu họach cua) để tạ ơn hay gửi gắm những kỳ vọng.
Mô hình đèn thuyền mang theo cột mốc khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam ở Tuyên Quang (Ảnh: Tất ĐỊnh)
Hàn Quốc coi tết Trung thu là tết lớn thứ hai trong năm (tết Chuseok), là ngày tết chữ Hiếu của con cháu đối với trưởng thượng. Con cháu có xu hướng quay về đoàn tụ gia đình, tảo mộ tổ tiên, nam giới thì sắp xếp bố trí lại gian thờ, phụ nữ thì làm các loại bánh gạp, bánh nếp tròn, nấu các món ăn truyền thống để cúng tổ tiên và cùng ăn uống vui vẻ.
Tết Chuseok cũng là dịp các vị hôn phu phải đến viếng gia đình vợ tương lai, ra mắt tổ tiên. Các ông chồng cũng có xu hướng về nhà bố mẹ vợ để cám ơn các bậc sinh thành của vợ mình. Tết Chuseok Hàn Quốc là một bài học chữ Hiếu sinh động mà cho đến hôm nay Hàn Quốc đã cơ bản trở thành một nước công nghiệp hiện đại nhưng vẫn quyết tâm gìn giữ truyền thống ấy.
Tuy vậy, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thơ khẳng định, không có bất kỳ minh chứng thuyết phục nào để kết luận tết Trung thu Việt Nam có nguồn gốc từ một nền văn hóa khác, bởi lẽ nghề nông nghiệp lúa nước của người Việt xưa được truyền thụ từ tổ tiên thời thượng cổ.
“Không phải đợi đến lúc một dân tộc nào khác mách bảo chúng ta mới biết quý trăng, mới biết làm lễ tạ ơn trăng. Trong tâm thức dân gian Việt Nam, trăng còn được hiểu là biểu tượng phồn sinh, gắn liền với nữ giới (bởi sự tròn trĩnh và trong sự đối lập với trời).
Vì vậy, người Việt Nam xưa cung trăng do một Bà Nguyệt có tuổi, đã trải qua nhiều lần sinh nở chứ không phải một nàng Thường Nga trẻ trung là người yêu của Hậu Nghệ hay một nàng tiên làm đuối lòng một Thiên Bồng Nguyên Soái (Trư Bát Giới) trong văn hóa Trung Hoa.
Tết Trung thu Việt Nam thiên về một dịp hội hè thôn xóm và dành cho trẻ còn phần nhiều hơn, trong khi tết Trung thu Trung Hoa là một lễ tết gia đình, dòng tộc và các giao tế xã hội.
Dĩ nhiên, trải qua trường kỳ giao lưu văn hóa, một số ý nghĩa tết Trung thu Trung Hoa có tác động đến tết Trung thu Việt Nam”, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thơ nói.
)