Thái hậu Việt làm vợ của duy nhất một hoàng đế nhưng trải qua tận 8 đời vua

KHAI TÂM - Ngày 10/11/2020 16:30 PM (GMT+7)

Ít ai biết rằng, bà Từ Dũ là vị thái hậu sống thọ nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, trải qua 8 đời vua của triều đại nhà Nguyễn.

Bà Từ Dũ (1810-1902) tên thật Phạm Thị Hằng được biết đến là vị thái hậu sống thọ nhất trong Lịch sử phong kiến Việt Nam. Bà là hoàng phi của vua Thiệu Trị, mẹ ruột của vua Tự Đức.

Thuở nhỏ, bà Từ Dũ đã nổi tiếng thông minh, hiền hậu và xinh đẹp. 14 tuổi, bà được cho vào cung hầu Hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Miên Tông (tức vua Thiệu Trị).

Năm 1841, sau khi vua Minh Mạng băng hà, Miên Tông lên ngôi, bà Từ Dũ được phong làm cung tần, giữ chức Thượng nghị coi sóc lục thượng rồi làm thần phi, giai phi, nhất giai phi. Bà được hoàng đế Thiệu Trị yêu thương hết mực. Đại Nam chính biên liệt truyện nhi tập chép, vua rất tin vào kiến thức và sự nhạy cảm chính trị của vợ. Khi thiết triều, vua ngồi ở điện Khâm Văn nghe chính sự, bà Từ Dũ ngồi sau tường nghe các quan tâu việc, nghe vua phán. Sau đó bà sẽ nhận xét cho vua từng việc một. Thậm chí khi vua ngã bệnh, mọi việc trong triều đều ủy thác cho bà đảm trách.

Thái hậu Việt làm vợ của duy nhất một hoàng đế nhưng trải qua tận 8 đời vua - 1

Chân dung vua Thiệu Trị.

Năm 1847, vua qua đời để lại di chiếu tôn bà làm hoàng hậu và căn dặn: “Ta tiếc không được cùng ái phi chung hưởng phúc lâu dài”. Còn con trai bà tuy nhỏ tuổi nhưng sớm chăm đèn sách, dùi mài kinh sử nên được vua cha chọn làm người kế vị, lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Tự Đức.

Khi nối ngôi, vua Tự Đức nhiều lần ngỏ ý tấn tôn cho mẹ nhưng bà Từ Dũ đều từ chối, mãi đến ngày 15/4/1849, bà mới nhận tôn hiệu là Hoàng Thái hậu.

Còn nhớ một lần Tự Đức cho đội tuồng cung đình diễn vở Tàu chuyện Phàn Lê Huê giết cha, giết anh. Bà Từ Dũ ngồi xem liền nghiêm mặt bảo: “Sao lại diễn ra quá kỹ cái trò thất đức như vậy? Con giết cha, anh giết em thì còn gì là đạo lý nữa? Nước mình khác, nước người khác, không được bắt chước mà diễn xằng bậy”. Vua cúi đầu nhận lỗi trước mẹ.

Năm 1883, vua Tự Đức mất, để lại di chiếu tôn bà làm Từ Dũ Thái hoàng Thái hậu nhưng sau đó đã xảy ra tình trạng “tứ nguyệt tam vương” (4 tháng 3 vua). Vì thế mãi đến năm 1885, vua Hàm Nghi mới làm lễ tấn tôn cho bà theo di chiếu.

Sau khi Hàm Nghi xuất bôn mở đầu phong trào Cần Vương chống giặc, triều đình hỏi ý kiến của bà rồi đón Nguyễn Phúc Ưng Kỷ, một trong 3 người con nuôi của vua Tự Đức lên nối ngôi, đại diện Pháp là De Champeaux cũng yết kiến Từ Dũ để xin lập Ưng Kỷ lên làm vua, lấy niên hiệu Đồng Khánh.

Thái hậu Việt làm vợ của duy nhất một hoàng đế nhưng trải qua tận 8 đời vua - 2

Thái hậu Từ Dũ.

Trong bản chiếu ban ơn thiên hạ khi lên ngôi, vua Đồng Khánh đã nhắc đến sự ơn nhớ đối với bà nội: “Sau khi làm lễ thỉnh mệnh ở Giao miếu, lễ cáo tại điện Hòa Khiêm, vào tâu lên Thái hoàng thái hậu Từ Dũ”.

Tháng 3/1887, vua Đồng Khánh ban dụ tấn tôn mỹ hiệu cho bà thêm hai chữ là Trang, Ý. Sau đó một tháng, vua dẫn các hoàng thân, tôn nhân phủ cùng bá quan văn võ vào cung Gia Thọ nơi bà Từ Dũ ở để chúc mừng và dâng lên sách vàng, ấn vàng, tôn phong hiệu là Từ Dũ Bác Huệ Thái Thái hoàng Thái hậu.

Năm 1889, nhân dịp mừng thọ 80 tuổi, bà được vua Thành Thái dâng tôn hiệu là Từ Dũ Bác huệ Khang thọ Thái Thái hoàng Thái hậu.

Nghiêm khắc với bản thân và con cái, nhưng bà lại rất thương dân. Năm 1898, do thiên tai nên dân ở nhiều nơi bị đói kém. Cảm thông với nổi khổ của dân, bà đứng ra xin miễn, giảm thuế cho họ.

Thái hậu Việt làm vợ của duy nhất một hoàng đế nhưng trải qua tận 8 đời vua - 3

Toàn cảnh lăng Thái hậu Từ Dũ.

Ngày 12/5/1902, bà Từ Dũ qua đời, thọ 93 tuổi. Bà được dâng tên thụy là Nghi thiên Tán thánh Từ Dũ Bác Huệ Trai túc Tuệ đạt Thọ đức Nhân công Chương hoàng hậu, gọi tắt là Từ Dũ Nghi thiên Chương hoàng hậu. Bà được an táng ở phía sau bên trái Xương Lăng. Hiện toàn thể khu lăng này tọa lạc tại chân núi thuộc làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa thiên Huế. Bài vị của bà được thờ ở Thế Miếu trong Hoàng thành Huế.

Ngày nay, tên của vị thái hậu sống thọ nhất trong Lịch sử phong kiến Việt Nam đã được lấy và đặt cho bệnh viện phụ sản nổi tiếng TP.HCM - Bệnh viện Từ Dũ.

Chân dung Lý Lệ Hà – gái nhảy là nhân tình của Bảo Đại nhưng nhanh chóng bị lãng quên
Mặc dù luôn ở bên Bảo Đại lúc cô đơn, khó khăn nhất nhưng Lý Lệ Hà vẫn không "nắm giữ" được trái tim của vị cựu hoàng đa tình. Thậm chí bà còn bị...
KHAI TÂM (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thâm cung bí sử