Dù chiến dịch tiêm chủng được triển khai mạnh mẽ tại nhiều quốc gia nhưng số ca nhiễm COVID-19 vẫn tăng mạnh.
Theo thống kê của trang Worldometers, tính đến sáng ngày 27/10/2021, toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 245.285.659 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 4.978.814 ca tử vong và 222.375.189 người khỏi bệnh. Trong ngày hôm qua 26/10, thế giới có thêm 426.565 ca nhiễm mới và 7.538 ca tử vong mới. Tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp mặc cho chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 được triển khai mạnh mẽ tại nhiều quốc gia.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi đại dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 46,4 triệu ca mắc và hơn 759.900 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 42.500 người nhiễm virus SARS-CoV-2, cao nhất thế giới. Mỹ cũng đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.214 người chết trong ngày, tăng gấp 2 lần so với một ngày trước đó là 635 ca.
Bên cạnh đó, Nga và Ukraine cũng đang chịu những ảnh hưởng nặng nề khi số ca tử vong trong ngày lần lượt cao thứ 2 và thứ 3 thế giới với Nga 1.106 ca và Ukraine 734 ca. Cả 2 quốc gia này đều ghi nhận những kỷ lục mới về ca tử vong hàng ngày kể từ đầu dịch.
Tỷ lệ tiêm vaccine ở một số quốc gia trên thế giới (Số liệu dựa trên báo cáo của các quốc gia. Màu xanh đậm: Tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi. Màu xanh nhạt: Tỷ lệ tiêm 1 mũi). Nguồn: Our World In Data.
Thái Lan: Xuất hiện ca nhiễm biến chủng Delta Plus đầu tiên
Ngày 26/10, tờ Bangkok Post đưa tin Bộ Y tế công cộng Thái Lan xác nhận ca nhiễm biến chủng Delta Plus đầu tiên tại nước này. Ông Chawetsan Namwat, giám đốc Bộ phận kiểm soát dịch bệnh và mối nguy y tế, cho biết biến chủng Delta Plus (AY.4.2) được phát hiện ở một người đàn ông 49 tuổi làm việc tại khu vực Bang Sai thuộc tỉnh Ayutthaya vào tháng trước. Người này chưa từng đi đến những khu vực có nguy cơ cao hoặc ra nước ngoài. Biến chủng này được cho là có nguy cơ lây nhiễm mạnh hơn cả biến chủng Delta.
Ông Chawetsan Namwat cho biết đây là ca nhiễm biến chủng Delta Plus duy nhất tại Thái Lan và mẫu bệnh phẩm đã được gửi đi phân tích trình tự gien tại Viện Nghiên cứu khoa học y tế các lực lượng vũ trang. Bệnh nhân này đã hồi phục hoàn toàn và chưa có ca nào khác được ghi nhận.
Tính đến nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 1.875.315 ca nhiễm COVID-19 và 18.922 ca tử vong. Số ca nhiễm trong ngày tại quốc gia này đã giảm nhưng vẫn ở mức khá cao. Trong ngày 26/10, Thái Lan có thêm 7.706 ca nhiễm và 66 ca tử vong. Khoảng 54% dân số nước này đã tiêm một mũi vaccine và khoảng 38% dân số đã tiêm 2 mũi vaccine, theo số liệu của trang Our World In Data.
Indonesia: Số ca nhiễm giảm mạnh, chuẩn bị tiêm phòng cho trẻ em
Tại Indonesia, số ca nhiễm COVID-19 đã giảm đi rất nhiều so với hồi đỉnh dịch tháng 7/2021 với số ca hàng ngày lên đến trên 50.000 ca. Trong ngày 25/10, số ca mắc mới tại nước này là 460 ca, đến ngày 26/10 tăng nhẹ lên 611 ca. Số ca tử vong cũng ở mức thấp, với 30 ca trong ngày 25/10 và 35 ca trong ngày 26/10.
Hiện nay, Indonesia ghi nhận 143.270 ca tử vong và 4.084.831 người đã khỏi bệnh. Quốc gia này đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Kể từ ngày 23/10, 59 công viên ở thủ đô Jakarta đã mở cửa trở lại và hoạt động với công suất 25% cho đến 21 giờ tối theo giờ địa phương.
Ngày 26/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin đặt mục tiêu chương trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi sẽ được tổ chức vào đầu năm 2022 nếu các thử nghiệm lâm sàng được hoàn tất. Bộ trưởng Budi cho biết, có 3 nhãn hiệu vaccine phòng COVID-19 đang được tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên trẻ em, cụ thể đó là vaccine do các hãng Sinovac, Sinopharm (Trung Quốc) và Pfizer (Mỹ) sản xuất. Bộ Y tế cùng Cơ quan Giám sát thực phẩm và dược phẩm Indonesia (BPOM) vẫn đang chờ kết quả giai đoạn ba thử nghiệm lâm sàng.
Trung Quốc: Dịch lan rộng, phong tỏa nhiều khu vực
Tình hình dịch COVID-19 tại Trung Quốc trong những ngày gần đây vẫn đang diễn biến phức tạp. Trong 7 ngày gần đây, Trung Quốc ghi nhận hơn 130 ca nhiễm mới ở 11 tỉnh, thành. Ngày 24/10, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHS) đã phải ra cảnh báo nguy cơ dịch có thể lan rộng hơn.
Ở thủ đô Bắc Kinh, dịch đã lan ra ba quận, trong đó có quận Hải Điến - nơi tập trung các cơ sở nghiên cứu khoa học. Tính đến ngày 25/10, Bắc Kinh ghi nhận ít nhất 15 ca nhiễm mới trong tuần qua sau hơn 2 tháng không có ca cộng đồng nào.
Khu vực dịch lây lan đáng lo ngại nhất là tỉnh Cam Túc, trong đó có thủ phủ là thành phố Lan Châu. Ngày 26/10, chính quyền Trung Quốc phải thông báo phong tỏa thành phố Lan Châu với 4 triệu dân trong nỗ lực ngăn bùng phát dịch trong cộng đồng. Giới chức Lan Châu cho biết, người dân được yêu cầu chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thực sự cần thiết. Việc ra vào thành phố của người dân sẽ được kiểm soát nghiêm ngặt, ngoại trừ các trường hợp khám chữa bệnh và cung cấp hàng hóa thiết yếu.
Cùng ngày, chính quyền khu hành chính đặc biệt Hong Kong cho biết sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt để phòng dịch, dù 2 tháng qua tại đây không xảy ra đợt bùng phát lớn nào trong cộng đồng. Hiện phần lớn người đến Hong Kong phải cách ly tại khách sạn từ 14 đến 21 ngày, chỉ một số đối tượng được miễn cách ly hoặc cách ly tại nhà, gồm các nhà ngoại giao và lãnh đạo doanh nghiệp cũng như một số người Trung Quốc đại lục có thẻ cư dân Hong Kong.
Bên cạnh đó, một số khu vực khác tại Trung Quốc cũng ghi nhận một số ca nhiễm đáng lo ngại là Nội Mông, Ninh Hạ, Hồ Nam, Thiểm Tây và Vân Nam.
Trong ngày 26/10, Trung Quốc cũng bắt đầu triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 3-11 tuổi. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực khống chế đợt dịch bùng phát mới nhất với số ca mắc tăng nhiều hơn so với thời điểm trước khi xuất hiện biến thể Delta.
Campuchia: Số ca mắc mới thấp nhất kể từ tháng 4
Ngày 26/10, số ca mắc mới trong ngày của Campuchia là 112 ca, thấp nhất kể từ hồi tháng 4/2021. Đây là ngày thứ 9 liên tiếp quốc gia này có số ca nhiễm chỉ còn hơn 100 ca/ngày. Đây được nhận định là kết quả của chương trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 với tinh thần không lựa chọn vaccine, vaccine hiệu quả nhất là vaccine được tiêm sớm nhất.
Campuchia bắt đầu đẩy mạnh tiêm vaccine từ tháng 4/2021 cho người từ 18 tuổi trở lên, đến đầu tháng 8 tiếp tục tiêm cho trẻ em và vị thành niên từ 12-17 tuổi và cách đây hơn 1 tháng, nước này tiếp tục tiêm cho trẻ từ 6-12 tuổi. Tính đến ngày 26/10, Campuchia đã tiêm được gần 13,7 triệu người, chiếm hơn 85% dân số cả nước với hơn 90% là 2 loại vaccine Sinovac và Sinopharm.
So với đỉnh điểm bùng phát dịch cách đây hơn 4 tháng, số ca nhiễm mới tại Campuchia đã giảm hơn 90%, số trường hợp nhập viện giảm tới hơn 95%, số ca tử vong giảm từ hơn 30 ca xuống còn dưới 10 ca/ngày và xảy ra chủ yếu đối với người chưa tiêm vaccine.
Từ kết quả trên, chính phủ Campuchia đang chuẩn bị đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới để bắt đầu quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Nhật Bản: Thủ đô Tokyo khôi phục hoạt động của nhà hàng ăn uống
Từ ngày 25/10, chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã ho phép các nhà hàng đủ điều kiện đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19 được mở cửa bình thường, thay vì chỉ bán đến 21h và cấm bán đồ uống có cồn. Riêng đối với các nhà hàng chưa đủ điều kiện sẽ vẫn bị khống chế thời gian bán đồ uống có cồn, tối đa đến 21h.
Tuy nhiên, giới chức Tokyo vẫn khuyến cáo các nhà hàng nên tuân thủ giữ khoảng cách trong quá trình phục vụ khách hàng. Theo đó, nếu khách đi ăn theo nhóm, tối đa chỉ nên 4 người ngồi chung 1 bàn, trường hợp 5 người trở lên cần phải chắc chắn tất cả đã tiêm đủ 2 mũi phòng COVID-19.
Đây là tín hiệu vui đối với người dân và các cơ sở kinh doanh dịch vụ tại thủ đô Tokyo trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 đã chuyển biến tích cực thời gian gần đây. Trong ngày 24/10, thủ đô Tokyo ghi nhận 19 ca mắc COVID-19 mới, không có ca tử vong. Đây mức thấp nhất kể từ đầu năm, cũng là ngày thứ 8 liên tiếp ghi nhận con số dưới 50 ca/ngày.
Trước đó, vào ngày 30/9, chính phủ Nhật Bản đã gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp toàn quốc và các biện pháp nghiêm ngặt khác khi số ca nhiễm COVID-19 giảm mạnh. So với đỉnh dịch hồi tháng 8 lên đến hơn 20.000 ca mỗi ngày, hôm qua 26/10 đất nước mặt trời mọc chỉ còn ghi nhận 153 ca. Số ca tử vong cũng giảmmạnh với chỉ 8 ca trong ngày 26/10. Nhật Bản cũng đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho những đối tượng dễ bị tổn thương. Đến nay, khoảng 77% dân số nước này đã tiêm mũi một và khoảng 70% dân số đã tiêm mũi 2.