Đã có hơn 1.800 người thiệt mạng trong trận động đất mạnh 7,8 độ richter xảy ra tại Nepal hôm qua (25.4). Điều kiện sống của những người sống sót cũng vô cùng khắc nghiệt.
Hơn 1.800 người đã thiệt mạng
Hôm nay, các đội cứu hộ và người dân ở Nepal lại bắt đầu cuộc tìm kiếm những người sống sót sau trận động đất có cường độ 7,8 độ richter gần thủ đô Kathmandu của Nepal một ngày trước đó. Theo đài CNN, trận động đất đã san phẳng nhiều ngôi nhà, kể cả các tòa nhà vững chắc và các ngôi đền, gây thiệt hại trên diện rộng và giết chết hơn 1.800 người.
CNN mô tả, các đường phố, quảng trường ở thủ đô – nơi sinh sống của hơn 1 triệu người dân đã bị bao phủ bởi đống đổ nát. Cư dân nơi đây sửng sốt nhìn chằm chằm vào ngôi đền đã từng là một phần trong cuộc sống của họ mà bây giờ đã chẳng còn gì.
Người dân địa phương và cả khách du lịch lục lọi trong các đống đổ nát để tìm kiếm những người sống sót. Trong đó, có hàng chục thi thể được kéo ra từ toà tháp Dharahara sụp đổ. Ngoài ra, ít nhất 17 người đã thiệt mạng trên núi Everest - nơi trận động đất gây ra lở tuyết.
Toà tháp Dharahara được xây dựng vào năm 1832, giúp du khách tới đây có thể có một cái nhìn toàn cảnh thung lũng Kathmandu.
Hiện trường sau động đất kinh hoàng tại Nepal
Hàng chục cơn dư chấn tiếp tục xảy ra
Theo CNN, một loạt các cơn dư chấn vẫn xảy ra sau đó như trêu tức những người còn sống và gây không ít khó khăn cho công tác tìm kiếm, cứu hộ.
Trong đó có một cơn dư chấn mạnh 6,6 độ richter xảy ra sau nửa tiếng, cùng hàng chục cơn dư chấn khác, Cơ quan khảo sát địa chất Hoa Kỳ (USGS) cho biết.
Số người thiệt mạng tính tới 9h30 ngày 26.4 (giờ Việt Nam) là 1.832, dự kiến sẽ tiếp tục tăng khi thiệt hại được đánh giá đầy đủ hơn, CNN dẫn thông tin từ chính quyền Nepal.
Trận động đất hôm qua là trận mạnh nhất trong khu vực này trong hơn 80 năm qua. Ước tính có khoảng 4,6 triệu người trong khu vực đã chịu ảnh hưởng với những chấn động từ trận động đất, Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc cho biết.
Tại Trung Quốc, đường bị vênh, có tòa nhà bị sập và ít nhất 13 người đã thiệt mạng, truyền thông Trung Quốc đưa tin. Đặc biệt, ít nhất 4 công dân Trung Quốc tại Nepal, gồm 2 công nhân của một công ty Trung Quốc, 1 khách du lịch và 1 nhà leo núi đã tử vong, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, trích dẫn từ Đại sứ quán Trung Quốc ở Kathmandu.
Ban đêm lạnh, không điện, nước
Hiện tại, các cơ quan viện trợ cũng đang rất lo lắng cho cuộc sống của những người sống sót trong những ngày tới, khi nhiệt độ vào ban đêm được dự đoán sẽ giảm xuống thấp và không có điện, nước hay nơi trú ẩn.
“Cộng đồng quốc tế phải phản ứng nhanh chóng để cứu lấy cuộc sống của họ, đặc biệt là trẻ em. Thực phẩm, quần áo và thuốc men phải được tiếp tế khẩn trương”, Devendra Tak - đại diện cơ quan viện trợ Save the Children bày tỏ. “Mỗi phút trôi qua, tình hình càng trở nên tồi tệ hơn”, Tak nói.
Chính phủ Mỹ đã hỗ trợ ngay lập tức 1 triệu USD đến Nepal, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Nepal cho biết. Các đội ứng phó thảm họa của Mỹ cũng đang trên đường đến Nepal.
“Đối với những người ở Nepal và vùng bị ảnh hưởng bởi thảm kịch này, chúng tôi gửi tới họ sự đồng cảm chân thành của chúng tôi”, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết trong một tuyên bố. “Hoa Kỳ đứng cùng bạn trong thời gian khó khăn này”, ông Kerry khẳng định.
Trận động đất nói trên xảy ra lúc 11h56 ngày 25.4 (giờ địa phương) cách trung tâm thành phố Kathmandu gần 50 dặm về phía tây bắc. Nó xảy ra ở độ sâu 9,3 dặm, được coi là khá nông. Một người dân cho biết, ông cảm thấy như thể đang trên một con tàu lúc biển động.
Trước đó, vào năm 1934, một trận động đất mạnh 8,1 độ richter đã xảy ra ngay trung tâm ở gần núi Everest làm thiệt mạng hơn 10.000 người.