Tại TP HCM, đồ chơi trẻ em do Trung Quốc sản xuất giá siêu rẻ, kém chất lượng đang chiếm tỉ lệ áp đảo trong khi tại Hà Nội, loại đồ chơi này cũng tràn ngập thị trường.
Thấy rẻ, đẹp là mua
Trên đường Nguyễn Thái Học, khu vực gần cầu Ông Lãnh (quận 1, TP HCM) do có 2 trường học nên tập trung nhiều cửa hàng bán đồ chơi trẻ em. Tại đây, nhiều món đồ giá bán chỉ từ 5.000 đồng trở lên, màu sắc bắt mắt, thu hút nhiều học sinh đến mua. Theo chủ một cửa hàng, các loại miếng dán hoạt hình được trẻ ưa chuộng vì giá rẻ, nhiều mẫu mã. Tuy nhiên, khi hỏi về xuất xứ thì chủ cửa hàng trả lời ậm ờ “Hàn Quốc hay Trung Quốc gì đấy”. Rất nhiều loại đồ chơi được bán ở đây trên nhãn chỉ toàn tiếng Hoa, tiếng Anh mà không hề có nhãn phụ bằng tiếng Việt hay tem hợp quy CR. Ngay cả nhãn gốc cũng không có thông tin về nhà sản xuất.
Tại Hà Nội, càng về cuối năm, nhiều mặt hàng dành cho trẻ em có xuất xứ Trung Quốc tràn ngập thị trường. Tại chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm), các mặt hàng đồ chơi được bán tràn lan ngay ở cổng ra vào, với những búp bê Barbie, chú Minion, sâu… đủ màu sắc. Một chủ cửa hàng thừa nhận tất cả đều là hàng Trung Quốc. “Những mặt hàng này Việt Nam cũng sản xuất được nhưng giá cao, màu sắc không đẹp bằng. Ví dụ, một con Minion đồ chơi loại nhỏ hàng Việt Nam bán đến 90.000 đồng nhưng của Trung Quốc chỉ khoảng 40.000 đồng” - chủ cửa hàng này nói.
Đồ chơi Trung Quốc, sản phẩm dành cho trẻ không rõ nguồn gốc, được bán tràn lan ở TP HCM Ảnh: HOàng Triều
Phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm) là nơi trẻ em thích tìm đến bởi ở đây luôn bán đủ các loại đồ chơi mới lạ. Theo quan sát, nhiều cửa hàng ở phố này bày bán rất nhiều đồ chơi trẻ em xuất xứ từ Trung Quốc, trong đó có cả dao, kiếm, súng, gậy phát sáng, mặt nạ, túi bóng bay... Chủ một cửa hàng thành thật nói: “Chúng tôi chọn hàng Trung Quốc bởi đa dạng, đẹp và rẻ hơn hàng Việt Nam”.
Độc hại khó lường
Theo ông T.Q.S, giám đốc một công ty chuyên nhập khẩu đồ chơi trẻ em và đồ dùng trẻ em từ Trung Quốc (trụ sở ở quận Phú Nhuận, TP HCM), sở dĩ đồ chơi trẻ em Trung Quốc kém chất lượng tràn ngập thị trường là do “con buôn” hám lời. “Dân buôn Việt Nam thấy mẫu nào bán chạy thì đặt hàng. Luôn có những đường dây vận chuyển hàng lậu sẵn sàng đáp ứng nhu cầu” - ông T.Q.S nói.
Bà Lâm Thụy Nguyên Hồng, Giám đốc sáng tạo Công ty CP Mỹ thuật Gia Long (nhãn hàng Kibu chuyên đồ chơi trẻ em sáng tạo), cho biết để thiết kế một đồ chơi an toàn, cần bảo đảm rất nhiều tiêu chí về an toàn, hóa học, cơ lý, tính chống cháy… Do vậy, loại đồ chơi giá rẻ, sản phẩm dành cho trẻ em của Trung Quốc khó đáp ứng được các tiêu chí này.
Cũng theo bà Hồng, để sản phẩm vừa có giá rẻ lại vừa đẹp, bắt mắt, nhà sản xuất phải sử dụng nhựa tái sinh rồi dùng hóa chất độc hại để tẩy, lấy màu công nghiệp rẻ tiền để “lên màu”. Các bậc phụ huynh cần cảnh giác vì loại đồ chơi này rất độc hại cho trẻ.
Bằng chứng là tại TP HCM, cơ quan quản lý thị trường từng lấy mẫu nhiều loại nữ trang xi mạ (tuy không được xếp vào đồ chơi trẻ em nhưng được nhiều trẻ em ưa thích, thậm chí là ngậm vào miệng) đi kiểm nghiệm và xác định nhiều mẫu nhiễm chì, cadimi. Để cảnh báo người dân, Văn phòng Chi cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa miền Nam (Mạc Đĩnh Chi, quận 1) đang trưng bày nhiều mẫu đồ chơi trẻ em không đạt chất lượng như xe hơi (nhiễm chì), vịt chút chít, quả bóng… nhiễm phthalate để người tiêu dùng phân biệt.
Đội CSĐT tội phạm về môi trường Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội vừa phát hiện 101 thùng hàng, bên trong chứa 76.000 sản phẩm bánh kẹo kèm đồ chơi, như kẹo hình thuốc lá, kẹo son, bình xịt coca… Số hàng này không rõ nguồn gốc xuất xứ, nghi nhiễm độc. |