Tháng 8 này sẽ được chứng kiến 5 hành tinh thẳng hàng trên bầu trời

Ngày 02/08/2016 00:09 AM (GMT+7)

Đây là cơ hội cuối cùng để bạn quan sát 5 hành tinh cùng thẳng hàng nhau trên bầu trời cho tới tháng 10/2018, khi sự kiện này lại xảy ra lần nữa.

Trong tháng 8 này, những người yêu thích bầu trời sẽ được quan sát 5 hành tinh tỏa sáng cùng lúc trên bầu trời buổi tối. Năm hành tinh Ngũ hành là Sao Thủy, Sao Kim, Sao Hỏa, Sao Mộc và Sao Thổ sẽ nằm thẳng hàng trên bầu trời sau khi Mặt Trời lặn. 

Tháng 8 này sẽ được chứng kiến 5 hành tinh thẳng hàng trên bầu trời - 1
5 hành tinh thẳng hàng nhau trên bầu trời vào tháng 2 năm nay. Ảnh: John Ashley.

Ngay từ nửa cuối tháng 7 khi màn đêm vừa buông xuống, Sao Thổ và Sao Hỏa đã tỏa sáng gần chòm sao Scorpius (Bò cạp) ở bầu trời hướng đông nam, trong khi Sao Mộc thống trị ở bầu trời hướng tây.

Vào những ngày đầu tháng 8, Sao Thủy và Sao Kim sẽ tham gia màn trình diễn, chúng lên cao dần qua mỗi ngày ở bầu trời hướng tây. Bạn có thể quan sát được hai hành tinh này từ sau 6 giờ rưỡi chiều cho tới trước 7 giờ rưỡi tối. Bạn hãy đứng trên các tòa nhà cao hoặc khu vực trống như cánh đồng, và nhìn về hướng tây để thấy rõ hai hành tinh này, vì chúng không cao quá 15 độ so với chân trời hướng tây.

Ngày 30 tháng 7, Sao Thủy sẽ nằm rất gần với sao Regulus của chòm sao Leo (Sư tử), hai thiên thể cao khoảng 10 độ so với chân trời hướng tây. Trong khi Sao Kim đang nằm thấp bên dưới.

Ngày 4 tháng 8, trăng lưỡi liềm đầu tháng với phần trăng khuyết rất mỏng sẽ xuất hiện gần Sao Kim trong khoảng thời gian ngắn ngủi ngay sau khi Mặt Trời lặn. 

Ngày 6 tháng 8, Mặt Trăng đến gần với Sao Mộc, chúng cách nhau khoảng 3 độ. Sao Mộc có độ sáng biểu kiến là -1,2 và Mặt Trăng tỏa sáng với độ sáng -8,7. Chúng sẽ lặn sau 8 giờ rưỡi tối.

Ngày 12 tháng 8, Mặt Trăng sẽ giao hội với Sao Thổ, cả hai thiên thể sẽ cách nhau gần 4 độ. Mặt Trăng với độ sáng biểu kiến -11,4, còn Sao Thổ có độ sáng biểu kiến là +0,5. Bạn sẽ quan sát được cặp thiên thể này cho đến trước nửa đêm.

Tháng 8 này sẽ được chứng kiến 5 hành tinh thẳng hàng trên bầu trời - 2
5 hành tinh tỏa sáng trên bầu trời Tucson, Arizona. Ảnh: Eliot Herman.

Ngày 16 tháng 8, Sao Thủy nằm xa nhất về hướng đông so với Mặt Trời, tức nó sẽ lên cao nhất trên bầu trời Trái Đất. Độ sáng biểu kiến của Sao Thủy trong buổi tối này là +0,54. Từ ngày này, 5 hành tinh sẽ không thẳng hàng với nhau nữa, các hành tinh có những hướng đi khác cho mình.

Ngày 27 tháng 8, Sao Kim và Sao Mộc nằm rất gần nhau. Cả hai hành tinh chỉ cách nhau 4 phút, tức là chưa đến 1 độ trên bầu trời. Nếu bạn quan sát qua ống nhòm hoặc kính thiên văn, bạn sẽ thấy được cả hai hành tinh nằm trong cùng một trường nhìn.

Cả năm hành tinh sẽ tỏa sáng và xếp thẳng hàng từ cao trên bầu trời hướng đông nam cho đến thấp ở gần chân trời hướng tây trong suốt nửa đầu tháng 8. Từ sau ngày 16 tháng 8, Sao Thủy sẽ tiến dần về Mặt Trời, nghĩa là nó sẽ lặn thấp dần qua mỗi ngày và nhanh chóng rời khỏi bầu trời.

Cuối tháng 8, Sao Kim sẽ mọc cao dần trong khi các hành tinh còn lại lặn thấp dần. Sao Mộc sẽ rời khỏi bầu trời buổi tối từ tháng 9. Sao Thổ sẽ dần xa rời Sao Hỏa. Từ tháng 11 thì Sao Thổ sẽ rời khỏi bầu trời buổi tối. Sao Kim sẽ lên cao nhất trên bầu trời vào cuối năm 2016.

Các hành tinh nằm trên cùng một đường thẳng trên bầu trời, và đường thẳng đó được gọi là đường Hoàng đạo. Đường Hoàng đạo là đường tưởng tượng được vẽ ra từ đường đi của Mặt Trời trên bầu trời. Các chòm sao có đường này đi cắt qua được gọi là Chòm sao Hoàng đạo.

Tháng 8 này sẽ được chứng kiến 5 hành tinh thẳng hàng trên bầu trời - 3
5 hành tinh xếp thẳng hàng ở Bồ Đào Nha. Ảnh: João Pedro Bessa.

Trong không gian vũ trụ thực tế, hầu hết các thiên thể trong hệ Mặt Trời và chính Mặt Trời cũng nằm trên một mặt phẳng, được gọi là mặt phẳng Hoàng đạo. Các hành tinh nằm trên cùng một mặt phẳng Hoàng đạo, nên khi quan sát từ Trái Đất, bạn cũng thấy chúng nằm thẳng hàng trên đường Hoàng đạo.

Tuy nhiên, 5 hành tinh nằm thẳng hàng trên bầu trời Trái Đất không có nghĩa chúng cũng thẳng hàng nhau trong không gian thực tế. Các hành tinh chỉ thẳng hàng nhau khi nhìn từ Trái Đất, vì mỗi hành tinh có tốc độ di chuyển và chu kỳ quay quanh Mặt Trời khác nhau, nên lịch sử chưa bao giờ ghi nhận sự kiện các hành tinh thẳng hàng nhau trong không gian thực tế.

Quang Niên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h