Ngày 23 tháng Chạp sắp đến, nhiều gia đình đã sắm đồ làm lễ cúng tiễn ông Công, ông Táo về trời.
Hàng năm, vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, là ngày Táo Quân cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc lớn nhỏ xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Cho đến đêm Giao thừa Táo Quân sẽ quay về hạ giới để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa của mình.
Theo chân một gia đình anh Mẫn (Long Biên) làm lễ cúng ông Công ông Táo
Các gia đình Việt rất chú trọng đến ngày lễ này, nhiều nhà làm lễ tiễn ông Công, ông Táo rất thịnh soạn với mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ được thưa với Ngọc Hoàng, còn những điều không may mắn hoặc không tốt xảy ra trong năm sẽ được báo cáo nhẹ đi.
Vào mỗi dịp 23 tháng Chạp, gia đình anh Trần Anh Mẫn (Long Biên, Hà Nội) lại sửa soạn đồ lễ để dâng cúng ông Công, ông Táo.
Vợ chồng anh Mẫn dậy sớm để chuẩn bị đồ cúng
Cũng như nhiều gia đình Việt, ngày cúng ông Công, ông Táo được gia đình ông Mẫn rất coi trọng. Từ sáng sớm, vợ chồng anh Mẫn đã đi chợ mua đồ về làm cỗ, vàng mã, hoa, quả, và vài chú cá vàng thả phóng sinh.
Trước tiên, anh Mẫn lên lau dọn bàn thờ và tiến hành rút chân hương. Tất cả thao tác đều được thực hiện hết sức cẩn thận, tỉ mỉ.
Theo nhiều nhà tâm linh, việc để chân hương quá đầy, khi thắp những nén hương tiếp theo không chạm được vào bát hương được sẽ chèn lên chân hương trước, như vậy sẽ không còn ý nghĩa. Hơn thế nữa, bát hương mà có chân hương cao sẽ giống như cái cột “che mắt” thần linh, gia tiên, cũng giống như ta đang ngồi mà có vật gì chắn trước mặt sẽ cảm thấy rất khó chịu. Vì vậy, việc rút chân hương cần làm cẩn thận và sạch sẽ.
Rút chân hương là công việc mang ý nghĩa tâm linh quan trọng
Mâm cúng được chế biến kỹ lưỡng, gồm có cá chép rán, cua biển, chân giò hầm, nem rán, bánh chưng, lòng mề xào rau, canh đỗ,... Với nhiều gia đình, cùng với mâm cơm, lễ vật cúng ông Công, ông Táo luôn đi kèm với những trang phục vàng mã như quần áo, mũ mão, hia. Gia đình anh Mẫn cũng không ngoại lệ. Đồ mã được chuẩn bị đơn giản nhưng đầy đủ với một bộ ông Công, ông Táo, tiền vàng, vàng thỏi.
Sau khi đồ lễ đã được sắp xếp xong, anh Mẫn đọc bài văn khấn làm lễ cúng ông Công, ông Táo.
Hương hết cũng là lúc chị Thu hạ đồ vàng mã xuống để hóa vàng. Chị không mua quá nhiều đồ, chỉ mua đủ, đúng theo nghi lễ bởi theo chị, sắm đồ mã quá xa hoa cũng gây lãng phí không cần thiết.
Hóa vàng xong, anh chị cùng một vài người thân cùng ngồi quay quần bên nhau ăn bữa cơm cúng trong sự đầm ấm, vui vẻ.
Cuối cùng, anh chị mang cá ra một hồ ở gần nhà để thả phóng sinh.