Ngày 12-8, ThS Phan Hiếu Liêm, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Lao động-Xã hội (Cơ sở 2), cho biết.
Sau hơn nửa chặng đường nhận hồ sơ xét tuyển, số thí sinh (TS) đến nộp hồ sơ xét tuyển vào trường khá khiêm tốn, khoảng 500 hồ sơ/1.300 chỉ tiêu của năm ngành (kế toán, bảo hiểm, công tác xã hội, quản trị kinh doanh, quản trị nhân sự).
Tuy nhiên, từ ngày 11-8 đến nay số TS đến nộp hồ sơ tăng đột biến, trong đó nhiều nhất là ngành kế toán và quản trị nhân sự. Đến nay hai ngành này cơ bản đã lấp đầy, riêng ba ngành còn lại vẫn còn nhiều cơ hội cho TS.
(Ảnh: Dân Việt)
PGS-Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM, cho biết chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm nay là 1.300 với 15 ngành đào tạo. Những ngày gần đây số hồ sơ đăng ký xét tuyển hạn chế, trong khi số hồ sơ rút ra khá nhiều. Tính đến ngày 12-8, trường đã nhận hơn 3.180 hồ sơ, tuy nhiên số TS đến rút hồ sơ xét tuyển gần 500. Ông Dũng đánh giá phần lớn TS rút hồ sơ có điểm dưới 20 nên tự động rút để nộp vào các trường khác.
Tiến sĩ Lê Ngọc Tứ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm nay là 3.300, hiện số hồ sơ đăng ký xét tuyển là 7.300. Tuy nhiên, những ngày gần đây số hồ sơ nộp vào không còn nhiều như trước, ngược lại số hồ sơ rút ra khá nhiều, hơn 400 hồ sơ được rút ra.
Tiến sĩ Trần Thế Hoàng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, thông tin: Đến nay đã có gần 6.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển/4.400 chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015. Để “chia lửa” với TS, nhà trường đã chủ động nhắn tin thông báo cho khoảng 1.500 TS có ngưỡng điểm không an toàn (từ 22 điểm trở xuống) tính toán phương án xét tuyển phù hợp. Bình quân mỗi ngày có khoảng 100 TS rút hồ sơ.