Thiếu gia một thời phố Hàng Đào và ký ức về Tết xưa Hà Nội: “Tết phải có bánh chưng, nhưng bánh ngày xưa khác lắm”

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 25/01/2023 06:46 AM (GMT+7)

Với những người Hà Nội gốc, đặc biệt là sống ở thế hệ trước những năm giải phóng (1954), Tết với họ như một giấc mơ và thiêng liêng vô cùng.

Tết năm nay ông Nguyễn Thái An tròn 80 tuổi. Ông An là người Hà Nội gốc, nhà ở phố Hàng Đào. Ông An được sinh ra trong một gia đình buôn tơ lụa nổi tiếng phố Hàng Đào. Là thiếu gia nhà giàu có, ông được giáo dục theo đúng lễ nghi, khuôn phép của người Hà Nội xưa. Cũng chính vì thế mà giờ đây, khi đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, ông vẫn chẳng thể quên được những ký ức về Tết Hà Nội xưa.

Những ngày giáp Tết, phố Hàng Đào đang hối hả, ông Thái An ngồi trong căn phòng nhỏ trên gác hai ngôi nhà rộng 200 mét vuông của mình ngắm nhìn bức ảnh gia đình chụp chung vào mùa Xuân năm 1949. Thời điểm ấy, ông An mới chỉ là một cậu bé lên 10, ông chia sẻ: “Hồi đó Tết với tôi như một giấc mơ và tôi chỉ muốn giấc mơ ấy kéo dài thật lâu”.

Ông Thái An đứng bên phải mẹ trong Tết Xuân năm 1949.

Ông Thái An đứng bên phải mẹ trong Tết Xuân năm 1949. 

Ông kể lại rằng, ngày xưa cứ mỗi dịp Tết, cậu – mợ tôi (cách gọi bố mẹ của người Hà Nội xưa) lại chuẩn bị mua sắm, tích trữ đồ dùng cho Tết trước 2 tháng. Thời đó, việc mua sắm Tết khó khăn, muốn chuẩn bị được đồ ngon thì phải chuẩn bị từ rất sớm. Với ông khi đó chỉ là một đứa trẻ nhưng ông ngóng Tết như ngóng mẹ đi chợ về.

Ngày xưa chỉ Tết mới có bánh chưng và đó là phần thưởng của cả một năm, ai được phân công trông bánh là vinh dự rất lớn.

Ngày xưa chỉ Tết mới có bánh chưng và đó là phần thưởng của cả một năm, ai được phân công trông bánh là vinh dự rất lớn. 

Tết là phải có bánh chưng, điều đó đúng với cả thời xưa và nay. Thế nhưng cảm giác bánh chưng xưa rất khác so với ngày nay. “Xưa ai được phân công trông nồi bánh chưng đó là niềm hạnh phúc lớn. Nồi bánh chưng xưa là phần thưởng lớn cả người lớn và trẻ nhỏ. Theo thông lệ, trẻ con thời ấy luôn được “ưu tiên” một chiếc bánh mụ – chiếc bánh chưng nhỏ xíu, có dây buộc làm tay cầm. Đó là  phần thưởng dành cho sự háo hức của lũ trẻ, sau cả một đêm thức cùng cậu mợ canh nồi bánh chưng nghi ngút khói. Không như bây giờ bánh chưng thích là mua, Tết không cần gói cứ ra chợ là có”, ông Thái An chia sẻ.

Ông Thái An chia sẻ, Tết giờ rất khác Tết xưa nhất là sự cầu kỳ trong những phong tục, tập lễ ngày Tết.

Ông Thái An chia sẻ, Tết giờ rất khác Tết xưa nhất là sự cầu kỳ trong những phong tục, tập lễ ngày Tết. 

Không chỉ bánh chưng xanh, Tết xưa với người đàn ông phố Hàng Đào còn là những quầy bán pháo, những cành hoa đào, những hàng tranh Tết. Được giáo dục theo nếp sống xưa, thời đó cứ gần Tết cậu bé Thái An lại dùng tiền tiết kiệm chạy ra phố ông đồ xem vẽ tranh. Rồi lựa chọn mua một bức ưng ý nhất cho bản thân mình.

Với đám trẻ là vậy, còn người lớn thời đó rất chú trọng thăm hỏi. Cứ đến 30 Tết, người ta lại đến nhà nhau ngồi uống nước hàn huyên, nói chuyện năm cũ và hứa hẹn năm mới tốt đẹp hơn.

Lì xì đầu năm mới là nét đẹp văn hóa của người Hà Nội. Trẻ nhỏ như ông An hồi đó háo hức vô cùng, khi được lì xì là vội cất vào ống tre tiết kiệm. Vui vẻ, háo hức chờ Tết là vậy, nhưng lễ nghi của người Hà Nội cũng rất nghiêm khắc. Tết đến những đứa trẻ không được phép ra ngoài nếu chưa có người đến xông đất. Vì thế, dù mặc đẹp, háo hức đến mấy nhưng vẫn phải đợi người đến xông đất xong mới được ra ngoài.

Tục xin chữ đầu năm ngày xưa là nét đẹp văn hóa, giờ đây tuy vẫn còn nhưng ý nghĩa đã mai một đi nhiều.

Tục xin chữ đầu năm ngày xưa là nét đẹp văn hóa, giờ đây tuy vẫn còn nhưng ý nghĩa đã mai một đi nhiều. 

Bồi hồi nhớ lại những ký ức Tết xưa và khi được hỏi về Tết thời hiện đại, ông An nhíu mày và nói: “Mỗi thời một khác, nhưng chắc chắn thế hệ ông vẫn thích Tết xưa hơn. Hàng năm vào dịp Tết gia đình ông vẫn cố gắng gìn giữ nhưng nét đẹp, giá trị văn hóa để giáo dục con cháu”.

Ông cho biết, Tết giờ muốn gì cũng có chứ không như xưa. Rồi những người trẻ có suy nghĩ thoáng hơn khi cho rằng, Tết là lúc được nghỉ ngơi, xả hơi nên nhiều người chọn đi du lịch. Với gia đình ông, giờ các con đều đã trưởng thành và ra ở riêng nhưng mỗi sáng mùng 1 Tết, cả gia đình lại sum họp ở căn biệt thự số 72 phố Hàng Đào để chúc mừng năm mới và ôn lại những kỉ niệm đẹp. Cả nhà cùng kể cho nhau nghe những câu chuyện vui đầu xuân năm mới. Ông Thái An cũng không quên nhắc nhở con cháu phải luôn tu tâm tính, sống trọn đạo hiếu, chan hòa với mọi người đúng như cách mà các cụ của gia đình ông truyền dạy lại.

Mỗi dịp cuối năm nhìn ngắm phố phường Hà Nội là ký ức Tết xưa lại ùa về trong trí nhớ ông An.

Mỗi dịp cuối năm nhìn ngắm phố phường Hà Nội là ký ức Tết xưa lại ùa về trong trí nhớ ông An.

“Tết đến, ngắm nhìn phố cổ Hà Nội, cảm xúc Tết xưa trong lòng tôi lại ùa về. Tôi nhớ về hình ảnh Hàng Đào ngày còn cậu, mợ. Với tôi, Tết và truyền thống gia đình khi ấy mãi là những điều trân quý để tôi mang theo suốt cuộc đời, để tôi trao truyền lại cho con cháu về những giá trị truyền thống tốt đẹp”, ông Thái An chia sẻ.

Nghe các bà, các cô chia sẻ mẹo mua sắm ngày Tết xưa, nhiều thứ vẫn hữu ích đến ngày nay
Câu chuyện chuẩn bị cho Tết xưa theo thời gian vẫn là nét văn hóa đẹp đẽ được lưu truyền của người Việt.

Năm Mão chia sẻ Mẹo

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tết nguyên đán