Thiếu nữ 17 tuổi trong hình hài đứa trẻ

Ngày 30/03/2013 06:31 AM (GMT+7)

Trong hình hài bé nhỏ, Linh rúm ró, tật nguyền, không nói được, không nghe được, mọi sinh hoạt từ ăn, ngủ, vệ sinh đều không thể tự chủ, phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của mọi người.

Nhìn đôi chân co quắp, vẹo vọ, cái đầu bé như ruột phích, đôi mắt mở tròn, vô hồn, với một thân hình nhỏ xíu…, chúng tôi không dám tin đứa trẻ tàn tật này chính là cháu Nguyễn Mỹ Linh, trú tại thôn Trung Hòa, xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, năm nay đã bước sang tuổi 17…

Không dám tin đó là con cháu mình…

Cháu Nguyễn Mỹ Linh sinh ngày 30/9/1997, khi chào đời nặng hơn 2kg, cơ thể hoàn toàn bình thường. Nhưng thật trớ trêu, cháu Linh sống trong cái hình hài của một đứa trẻ trong suốt thời gian dài, 17 năm có mặt trên đời, cháu phải vật vã với những đau đớn và sự hủy hoại tàn ác của bệnh não bẩm sinh…

Anh Nguyễn Văn Quy, bố của cháu Linh, cho biết: Khi chào đời, Linh xinh xắn, gân cốt như mọi đứa trẻ khác. Nhưng đến ngày thứ 7, cháu bỏ bú, cứ kêu khóc suốt ngày. Gia đình đưa cháu đến BV tỉnh Bắc Giang nhưng BV tỉnh không phát hiện ra bệnh, chuyển Linh lên BV Nhi Trung ương, các bác sỹ kết luận cháu bị não bẩm sinh. “Bác sỹ kết luận thế, chúng tôi cũng biết thế thôi. Cứ lúc cháu trở bệnh, thì đưa đến BV, bình thường thì để ở nhà, chia nhau chăm sóc. Bao năm vẫn cứ phải mớm cơm, mớm nước, mà con vẫn ngây ngô, tàn tật …!?”, anh Quy ngậm ngùi.

Ngồi bên cạnh chồng, chị Nguyễn Thị Thủy, mẹ cháu Linh im lặng, khuôn mặt buồn rượi với đôi mắt lúc nào cũng như muốn khóc. Khi chúng tôi hỏi chuyện, chị trả lời lí nhí, dè dặt. Có lẽ bao nhiêu vất vả, đau đớn, dồn nén trong gần 20 năm nuôi con gái tật nguyền, chị đã quá sợ những ánh mắt ái ngại, những câu hỏi “để mà hỏi” rồi không giúp gì cho số phận con gái chị. Hay chị không muốn người lạ thương hại, không muốn khoét sâu thêm suy nghĩ đau đớn, rằng đứa con gái tội nghiệp của chị có thể bỏ gia đình chị mà ra đi bất cứ lúc nào?

Bà Nguyễn Thị Dị, mẹ chị Thủy, năm nay đã bước sang tuổi 75, cái tuổi đáng ra được ngồi hưởng sự chăm sóc, phụng dưỡng của con cháu, mỗi ngày cứ phải chạy qua, chạy lại giúp con gái chăm sóc cháu ngoại. “Thương con, thương cháu đến đứt từng khúc ruột. Cả họ chỉ có mỗi cháu Linh bị thế, không dám tin cũng phải chấp nhận số phận của cháu” - bà cụ rơm rớm nước mắt nói.

Thiếu nữ 17 tuổi trong hình hài đứa trẻ - 1
Mọi sinh hoạt của cháu Linh phụ thuộc hoàn toàn vào người thân

Cần lắm những tấm lòng sẻ chia…

Trong hình hài bé nhỏ, Linh rúm ró, tật nguyền, không nói được, không nghe được, mọi sinh hoạt từ ăn, ngủ, vệ sinh đều không thể tự chủ, phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của mọi người.

Thu nhập của gia đình anh Quy, hiện chỉ dựa vào thu hoạch mấy sào ruộng cùng với những đồng công ít ỏi từ việc phụ hồ của anh Quy. Vậy mà cứ trái gió, trở trời, cháu Linh đau ốm, anh Quy, chị Thủy lại phải thay nhau đưa con đi gõ cửa hết viện này đến viện khác. Lần đến BV Nhi Thụy Điển gần đây nhất, các bác sỹ đã “không dám đụng vào” cơ thể của cháu Linh, khuyên gia đình cứ về chăm sóc, cháu ở với gia đình được bao lâu thì tùy vào “ý trời”.

Chị Thủy cho hay, gia đình chị cũng đã gửi đơn lên Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Giang để xin tài trợ, nhưng vẫn chưa được duyệt cấp. Nhưng, theo chính sách của Nhà nước về chế độ cho người già và người tàn tật, khoảng 3 năm nay, mỗi tháng gia đình chị được trợ cấp 360.000 đồng. Tuy nhiên, với “tần suất” tháng ốm hai lần, mỗi lần chi phí thấp nhất cũng khoảng 500.000 đồng cho tiền thuốc men, thì mức thu nhập của gia đình và mức trợ cấp theo chính sách cho gia đình chị, chỉ như muối bỏ bể. “Biết là thời gian con ở với mình tính bằng ngày, bằng tháng nhưng số phận cháu nó đã thiệt thòi như vậy, làm sao chúng tôi đành lòng.

Cháu cứ trở bệnh là chúng tôi lại phải tìm bác sỹ, giờ BV không nhận thì chúng tôi tìm bác sỹ tư, cũng là người làng xóm đến thuốc thang cho cháu…”, chị Thủy chia sẻ.

Anh Quy cho biết, đây là lần đầu tiên gia đình được tiếp xúc với báo chí. Bao nhiêu năm qua, gia đình anh tự xoay xở, hoặc dựa vào sự cưu mang của họ hàng, láng giềng, chứ chưa có cơ quan, đoàn thể nào đứng ra hỗ trợ. Anh chị mong muốn, trong thời gian tới gia đình sẽ nhận được thêm nhiều hơn sự chia sẻ, động viên, giúp đỡ từ cộng đồng. “Nếu cháu Linh có mệnh hệ gì, chúng tôi chấp nhận hiến xác cho các nhà khoa học để phục vụ công tác nghiên cứu”, anh Quy cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Quế, CA viên thôn Trung Hòa cho hay: Gia đình anh Quy thuộc diện khó khăn trong thôn, lại bao nhiêu năm nuôi con bệnh tật. Hàng xóm, láng giềng đều thương, cũng chia sẻ, giúp đỡ nhưng họ không có mãi để cho. UBND xã Mai Trung cũng không có ngân sách để trợ cấp cho cháu Linh hàng tháng. Chúng tôi cũng mong, nếu được xét duyệt, chị Thủy sẽ được hưởng thêm tiền trợ cấp “chăm sóc người tàn tật” mỗi tháng.

Theo Nguyễn Hạnh (Pháp luật & Xã hội)
Nguồn:

Tin liên quan