Các cửa hàng ăn không bán thịt thú rừng mà chỉ là thịt lợn, thịt nhím, thịt hươu được nuôi sinh sản.
Sau khi có phản ánh của báo chí về hiện tượng tại chùa Hương, cảnh treo bán thịt thú rừng vẫn diễn ra rầm rộ, Trưởng Ban tổ chức lễ hội Chùa Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) Nguyễn Văn Hậu khẳng định: Đó là thịt các con vật được người dân nuôi nhốt.
Theo đại diện BTC lễ hội Chùa Hương, đây chỉ là thịt thú rừng dỏm
Theo ông Hậu, mùa lễ hội năm nay, lực lượng cảnh sát môi trường, kiểm lâm đã kiểm tra rất sát sao. Theo kết quả điều tra, các cửa hàng ăn ở chùa Hương không bán thịt thú rừng mà là thịt giả thú rừng được nuôi nhốt sinh sản. Trước thực trạng người bán hàng treo biển bán thịt lợn rừng, theo ông Hậu là do họ cung cấp thú nuôi theo giống lợn rừng.
Thịt hoẵng có giá 400 nghìn đồng/kg, thịt nai thơm ngon hơn giá 500 nghìn đồng/kg. Đó là lời giao bán phổ biến tại các của hàng tự giới thiệu chuyên bán thịt thú rừng ở lễ hội Chùa Hương. |
Trước đó, thông tin về việc treo bán thịt thú rừng ở chùa Hương, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó ban tổ chức lễ hội Chùa Hương đã từng khẳng định với báo chí: Đó là thịt thú rừng dỏm.
“Không có thịt thú rừng, chỉ có thịt giả thú rừng. Hươu, nhím có thể nuôi được song việc nhận biết chỉ có các cơ quan chức năng kiểm định mới có thể đánh giá được có được nuôi hay đánh bẫy”, ông Thanh nói.
Những động vật bình thường đã được chủ quán biến hoá thành động vật quý hiếm bằng cách: Chó nhà được kéo dài mõm, thui vàng, chặt chân cho khó nhận biết giả thành hoẵng; hay thỏ được cắt tai, thui vàng biến thành chồn đá…
Tuy nhiên, những người bán hàng lại luôn miệng khẳng định với khách rằng, đó là động vật hoang dã.
Thịt hươu, nai được coi như đặc sản chùa Hương
Ngoài ra, Trưởng Ban quản lý lễ hội Chùa Hương cho biết, năm nay, trong thời gian lễ hội diễn ra lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 30 "cò" đi xe máy bị bắt vì đang chèo kéo khách. Mặc dù không giải quyết được triệt để thực trạng này, nhưng theo ông Hậu việc liên tục kiểm tra xử lý đã góp phần hạn chế đi rất nhiều tình trạng chèo kéo du khách.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban Quản lý di tích Chùa Hương, phó Ban tổ chức lễ hội cho biết: Do không phải thịt thú rừng nên Ban tổ chức không thể cấm người dân kinh doanh. Trên các phương tiện tuyên truyền cho khách khi đến thăm quan, ban Tổ chức lễ hội cũng đã nhắc nhở nhưng nhiều khi khách thăm quan vẫn mua phải thịt thú rừng dỏm với giá cắt cổ. Ngay cả khi bán thịt hươu, nai chăn nuôi hợp pháp, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm được Ban tổ chức lễ hội đặc biệt quan tâm. Cụ thể, các cửa hàng không được treo lủng lẳng, buộc họ cho vào tủ bảo quản. Từ đầu hội đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành đã phạt gần chục hộ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Mức phạt trung bình từ 300.000 đồng - 750.000 đồng/lỗi. |